Những hạn chế của Luật Thuế Tài Nguyên
Tài nguyên là tài sản quan trọng của quốc gia và hầu hết là tài nguyên không tái tạo được cần được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế bền vững trong mối quan hệ hài hoà với giải quyết vấn đề xã hội và môi trường trước mắt cũng như lâu dài. Vì vậy, luật thuế tài nguyên đã ra đời, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế như sau:
- Về đối tượng chịu thuế: Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành quy định về thuế tài nguyên đối với “dầu mỏ”, “khí đốt”. Tại Luật Dầu khí lại quy định “dầu thô” và “khí thiên nhiên” đối với tài nguyên dầu, khí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008 lại bổ sung thêm loại tài nguyên nữa là “khí than”. Vì vậy, cần quy định đối tượng chịu thuế là “Dầu thô” thay cho “Dầu mỏ”; “Khí thiên nhiên” thay cho “Khí đốt” và bổ sung thêm “khí than” vào đối tượng chịu thuế để đảm bảo tính thống nhất về thuật ngữ và sự đầy đủ về chủng loại tài nguyên.
Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành quy định đối tượng chịu thuế là “Thuỷ sản tự nhiên”, bao gồm các loại động vật, thực vật ở biển, sông, ngòi, hồ, đầm, phá, kênh, rạch tự nhiên. Trên thực tế việc khai thác thuỷ sản tự nhiên tại các sông, ngòi, hồ, đầm, phá, kênh, rạch thì người đánh bắt chủ yếu là nông dân đánh bắt thủ công theo thời vụ. Một số ít sống bằng nghề chài lưới trên sông, hồ vẫn phải làm thêm nghề khác để đảm bảo cuộc sống và một bộ phận thuộc diện hộ nghèo; Thuế tài nguyên hầu hết chỉ thu đối với thuỷ sản tự nhiên khai thác trên biển (hải sản). Do vậy, cần quy định đối tượng chịu thuế là Hải sản tự nhiên thay cho Thuỷ sản tự nhiên để đảm bảo tính khả thi.
- Về đối tượng nộp thuế: Theo Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành thì trường hợp Bên Việt Nam tham gia doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà góp vốn pháp định bằng các nguồn tài nguyên thì doanh nghiệp liên doanh không phải nộp thuế tài nguyên đối với số tài nguyên mà Bên Việt Nam dùng để góp vốn pháp định (khi đó thuế tài nguyên trở thành vốn góp của phía Việt Nam trong liên doanh). Quy định này chưa phù hợp với tình hình thực tế và chưa phù hợp với Luật Đầu tư hiện hành, theo đó nếu doanh nghiệp liên doanh được thành lập giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thì người nộp thuế là doanh nghiệp liên doanh; nếu các nhà đầu tư tổ chức dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh để khai thác tài nguyên thì nghĩa vụ thuế tài nguyên do các bên thoả thuận trước trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.
- Về căn cứ tính thuế: Pháp lệnh thuế tài nguyên quy định: căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác, giá tính thuế và thuế suất.
Căn cứ tính thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên và khí than (sau đây gọi là dầu, khí) được thực hiện theo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Dầu khí. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008 chỉ quy định viện dẫn: Tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí phải nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Do đó, để đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý, cần bổ sung quy định về thuế tài nguyên đối với dầu, khí tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế tài nguyên.
- Về sản lượng tính thuế: Theo Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành, sản lượng tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác. Sản lượng tài nguyên thương phẩm là sản lượng tài nguyên được bán ra. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều loại tài nguyên khai thác, chưa bán ra ngay mà đưa vào để tiếp tục sản xuất ra sản phẩm khác. Khi đó, sản lượng tài nguyên tính thuế được căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ và định mức tiêu hao tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm. Như vậy, sản lượng tài nguyên tính thuế trong trường hợp này không phải là sản lượng tài nguyên thương phẩm, mà là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác.
- Về giá tính thuế: Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành quy định: Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên tại nơi khai thác. Trường hợp tài nguyên khai thác chưa có giá bán thì Chính phủ quy định giá tính thuế tài nguyên.
Trên thực tế, do chất lượng, hàm lượng tài nguyên khai thác được là khác nhau, lượng tạp chất khai thác được cùng với tài nguyên nhiều nên việc xác định giá tính thuế tài nguyên trong trường hợp tài nguyên khai thác chưa có giá bán cũng rất khác nhau và hiện nay mỗi địa phương áp dụng một cách dẫn đến sự không thống nhất về giá tính thuế. Vì vậy, cần có quy định về nguyên tắc xác định giá tính thuế của các loại tài nguyên để các địa phương có cơ sở áp dụng thống nhất.
Quá trình thực hiện Pháp lệnh thuế tài nguyên cho thấy có rất ít tài nguyên được bán tại nơi khai thác mà chủ yếu tài nguyên được bán sau khi đã chế biến, sàng tuyển, phân loại, chọn lọc. Hơn nữa, việc xác định “giá bán tài nguyên tại nơi khai thác” như tại tỉnh, huyện hoặc xã để xác định giá tính thuế là vấn đề gây tranh cãi trong quá trình thực hiện. Vì vậy, để khắc phục nhược điểm này, cần quy định: “Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác”.
- Về miễn, giảm thuế:Theo Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành, dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Khuyến khích đầu tư trong nước có khai thác tài nguyên (trừ dầu, khí) được giảm tối đa 50% thuế tài nguyên trong ba năm đầu kể từ khi bắt đầu khai thác. Hiện tại Luật Khuyến khích đầu tư trong nước không còn hiệu lực; hơn nữa, Luật Đầu tư ban hành năm 2005 đã quy định thống nhất về chính sách ưu đãi giữa các loại hình đầu tư. Do vậy, cần sửa đổi nội dung này để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành cũng quy định: Miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng vào sản xuất thuỷ điện không hoà vào mạng lưới điện quốc gia. Việc miễn thuế trong trường hợp này không hợp lý, nhất là trong bối cảnh nhiều nguồn thuỷ điện cung cấp điện nhưng không hoà vào mạng lưới điện quốc gia như hiện nay. Vì vậy, cần phải sửa đổi quy định này nhằm đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế.
Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành quy định: Đối với nước thiên nhiên dùng phục vụ các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước thiên nhiên khai thác từ giếng đào, giếng khoan phục vụ sinh hoạt, áp dụng mức thuế suất là 0%. Để đảm bảo giảm thiểu thủ tục hành chính, cần thiết đưa đối tượng này vào diện được miễn thuế.
- Về đăng ký, kê khai, nộp thuế: Pháp lệnh thuế tài nguyên năm 1998 có 11 Điều (Điều 8, 9 và các Điều từ 11 đến Điều 19) quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế; xử lý vi phạm, khen thưởng; khiếu nại, thời hiệu; tổ chức thực hiện. Trong khi đó, Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007 và bãi bỏ các quy định về quản lý thuế trong các luật, pháp lệnh về thuế mà Luật Quản lý thuế có quy định.
Thêm vào đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu không có nội dung mới.
Do vậy, những nội dung về quản lý thuế, thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm tại Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành cần phải sửa đổi lại cho phù hợp và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
ThS. Hoàng Thị Xinh