NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH CẤU TRÚC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP
Để xác định một cấu trúc vốn hợp lý là công việc rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn bởi có rất nhiều nhân tố khác nhau chi phối. Đây là một số nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến quyết định cấu trúc vốn của doanh nghiệp.
1. Quy mô doanh nghiệp
Quy mô được xem là dấu hiệu đầu tiên để các nhà đầu tư bên ngoài biết đến doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ có lợi thế trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh như hiện nay. Nó thể hiện kết quả của một quá trình phát triển lâu dài, tương ứng với một tiềm lực tài chính vững mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ.
2. Sự tăng trưởng của doanh nghiệp
Doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao thường có nhu cầu vốn nhiều hơn trong khi nguồn lợi nhuận giữ lại không đủ, vốn vay sẽ được sử dụng đến.
3. Rủi ro doanh nghiệp
Đây là rủi ro tiềm ẩn trong tài sản của doanh nghiệp, chẳng hạn rủi ro phát sinh do quản lý, rủi ro kinh doanh… Công ty nào có rủi ro doanh nghiệp càng lớn thì tỷ lệ nợ tối ưu càng thấp.
4. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp có ảnh hưởng đến chi phí nợ vay thông qua điều tiết phần tiết kiệm nhờ thuế. Thuế suất cao sẽ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nợ do phần tiết kiệm nhờ thuế tăng lên.
5. Khả năng linh hoạt tài chính
Khả năng linh hoạt tài chính là khả năng huy động vốn, đặc biệt là khả năng tăng vốn một cách hợp lý trong điều kiện có tác động xấu. Các nhà quản lý tài chính biết rằng tài trợ vốn vững chắc là một trong những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp hoạt động ổn định và có hiệu quả. Như vậy, nhu cầu vốn trong tương lai và những hậu quả thiếu vốn có ảnh hưởng quan trọng đối với mục tiêu cơ cấu vốn.
6. Quan điểm của cổ đông và ban giám đốc
Các nhà quản lý có thái độ khác nhau đối với rủi ro. Nếu ban giám đốc ưa mạo hiểm, công ty có thể sử dụng nợ nhiều hơn và ngược lại nếu nhà quản lý là những người thận trọng thì sẽ nghiêng về sử dụng cổ phiếu chứ không phải nợ để tài trợ nên hệ số nợ có thể giảm.
Về phía các cổ đông, nếu họ là những người không muốn chia sẻ quyền kiểm soát công ty thì sẽ không muốn phát hành cổ phiếu và hệ số nợ sẽ tăng lên. Ngược lại, các cổ đông là người có thể chia sẻ quyền kiểm soát thì có thể sẽ tiến hành phương án phát hành thêm cổ phiếu nhằm tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp, từ đó hệ số nợ giảm.
7. Thái độ của nhà tài trợ
Nếu các nhà tài trợ của doanh nghiệp là những người mạo hiểm thì họ chấp nhận đầu tư vào những công ty có hệ số nợ cao, ngược lại, doanh nghiệp có những nhà tài trợ thận trọng thì thường hệ số nợ giảm.
CH. Nguyễn Thị Thùy Trang – Khoa QTKD