NGUÔNG VỐN FDI TRONG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM
Đỗ Văn Tính – Khoa QTKD
Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một trong những nguồn lực tăng trưởng kinh tế hiển nhiên của rất nhiều nền kinh tế.
Các nền kinh tế càng phát triển thì tính tất yếu hiển nhiên của FDI càng cao, thậm chí người ta mặc nhiên không bàn nhiều về chính sách thu hút FDI, vì chúng do chính các công ty xuyên quốc gia (TNCs), phần lớn có xuất xứ từ những nền kinh tế phát triển thực hiện. Những nền kinh tế này vừa là nơi đầu tư đi, nhưng cũng đồng thời là nơi nhận đầu tư FDI nhiều nhất.
Đối với các nước đang phát triển, ngày càng nhiều nước không chỉ chấp nhận việc bị cuốn hút vào dòng chảy FDI thế giới, mà còn ngày càng chủ động xây dựng các chính sách thu hút và sử dụng FDI vì mục tiêu phát triển của mình. Nhằm mục tiêu gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển, các nước đang phát triển ngày càng chủ động tích cực thúc đẩy các hoạt động FDI và ngoại thương.
Chính vì vậy, dòng chảy FDI toàn cầu ngày càng chứng kiến xu hướng gia tăng tỷ phần nhanh chóng của các nước đang phát triển, đặc biệt là nhóm các nền kinh tế mới nổi, trước hết là Trung Quốc, Brazil, Nga và Ấn Độ.
Quy mô FDI thế giới đã từng đạt mức kỷ lục với khoảng 1.970 tỷ USD ở thời điểm trước khủng hoảng kinh tế thế giới (2007) so với mức bình quân 3 năm trước đó, chưa đầy 1.500 tỷ USD và sau đó giảm mạnh, xuống mức thấp nhất năm 2009 với 1.185 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ năm 2010, cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, FDI lại có xu hướng tăng lên, đạt mức 1.244 tỷ USD và năm 2015được dự báo là sẽ giao động ở mức khoảng 1.400 – 1.600tỷ USD, sau đó có khả năng sẽ đạt mức 1.700 tỷ USD vào năm 2016và 1.900 tỷ USDvào năm 2017, phục hồi lại mức kỷ lục của thời kỳ trước khủng hoảng (2007). (Xem: UNCTAD – World Investment Report 2015; tr. 2).
Dòng chảy FDI cũng được dự đoán về cơ bản ít có sự thay đổi đột biến. Như vậy, đối với thế giới, xu hướng gia tăng FDI và những nơi thu hút FDI nhiều nhất vẫn như hiện nay.
Ở Việt Nam, sau một thời gian khá dài áp dụng những chính sách khuyến khích thu hút FDI, nguồn vốn FDI tuy có sự tăng giảm không đều qua các năm, xét cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ trọng trong tổng nguồn vốn đầu tư xã hội, nhưng xu hướng chung là tăng về giá trị tuyệt đối nếu xét theo giá đôla hiện hành và về tỷ trọng thì ổn định ở mức khoảng 1/4 tổng nguồn vốn đầu tư xã hội từ 4-5 năm nay.
Năm 2015khu vực có vốn FDI tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, bằng khoảng 22% tổng số lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp Việt Nam; và số lượng lao động gián tiếp ước tính cao hơn nhiều so với số lao động trực tiếp nêu trên.
Trong 5 năm qua, khu vực có vốn FDI hàng năm tạo ra khoảng 17-19% GDP, cao hơn mức bình quân chung thế giới (khoảng gần 11% thời kỳ 2005-2015) và đóng góp 9-10% trong tổng ngân sách nhà nước. Khu vực có vốn FDI cũng có đóng góp lớn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu. Trong giai đoạn 2005-2010, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực có vốn FDI trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm 30,7%, giai đoạn 2007-2015là 42,1% (không tính phần liên doanh xuất khẩu dầu thô). Nếu tính cả dầu thô, tỷ lệ này lên tới 55-60%.
Khu vực FDI cũng góp phần không nhỏ vào quá trình chuyên dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện CNH, HĐH nền kinh tế. Khu vực FDI đang chiếm 100% sản lượng một số sản phẩm công nghiệp như dầu khí, ôtô, máy giặt, máy điều hòa, tủ lạnh, điện tử; 60% cán thép; 28% ximăng; 33% máy móc thiết bị điện, điện tử; 25% thực phẩm đồ uống...
Rõ ràng, khu vực FDI đã thực sự trở thành một bộ phận của kinh tế Việt Nam giống như rất nhiều nước khác. FDI đã góp phần tạo lên những thành công của đổi mới kinh tế, góp phần không thể thiếu trong việc tạo ra diện mạo kinh tế Việt Nam hiện nay. Tuy vậy, cho dù Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ trọng vốn FDI trong tổng nguồn vốn đầu tư xã hội cao, nhưng về giá trị tuyệt đối, vốn FDI vào Việt Nam chỉ đứng thứ 72, trong khi quy mô GDP đứng thứ 59 trong hơn 200 nền kinh tế trên thế giới. Những số liệu mang tính khái quát nêu trên cho thấy, FDI ở Việt Nam không có gì quá đặc biệt so với các nền kinh tế khác.
Thế nhưng, thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện một số ý kiến tranh luận rằng, nguồn vốn FDI tuy có những đóng góp nhất định vào thành tích tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng cũng phát sinh không ít những mặt hạn chế cần quan tâm giải quyết. Nhiều ý kiến bắt đầu thảo luận về việc cần thiết và các giải pháp nâng cao chất lượng FDI trong thời gian tới.
Thực ra, việc làm thế nào để thu hút FDI và sử dụng có hiệu quả nhất vốn FDI phục vụ phát triển kinh tế (và xã hội) của nước nhận đầu tư không phải là vấn đề mới. Nó đã được đặt ra bàn thảo và được đưa vào nội dung các chính sách của nhiều quốc gia ngay từ khi xuất hiện trào lưu thu hút và sử dụng FDI từ thập kỷ 60-70 của thế kỷ XX. Các nhà kinh tế đã chỉ rõ những cơ sở khách quan của xu hướng gia tăng FDI trên thế giới, những lợi ích tiềm tàng và đôi khi là cả cái giá phải trả đối với các nước nhận FDI. Nhân đây, xin hệ thống lại một cách rất sơ lược để làm cơ sở thảo luận thêm về vị trí của FDI trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ đến 2020.
- Về cơ sở khách quan của xu hướng gia tăng FDI trên thế giới, các nhà kinh tế đã lập luận rằng, về cơ bản bao gồm các nhân tố sau:
+ Nhu cầu xuất khẩu vốn (tư bản) từ những nước dư thừa vốn: Những nước thừa vốn thường có năng suất cận biên (số có thêm trong tổng số đầu ra mà một nhà sản xuất có được do dùng thêm một đơn vị của yếu tố sản xuất)của vốn thấp hơnnhững nước thiếu vốn. Do vậy, xu hướng tự nhiên là có sự di chuyển dòng vốn từ nơi dư thừa sang nơi khan hiếm nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất để tối đa hóa lợi nhuận.
+ Nhu cầu tiếp cận thị trường và tránh xung đột thương mại: Nhiều nhà đầu tư coi đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là một biện pháp để tiếp cận thị trường và tránh xung đột thương mại, đặc biệt là trong thời kỳ mô hình CNH thay thế nhập khẩu còn là trào lưu chính trên thế giới (những năm 1950 – 1970). Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (mà trực tiếp là vào các thị trường định bán hàng hóa ở đó) cho phép các nhà đầu tư sản xuất và bán sản phẩm ngay tại đó mà không bị các rào cản hạn ngạch hay thuế nhập khẩu cao làm khó. Trường hợp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư trực tiếp vào Mỹ và châu Âu để chế tạo ô tô, máy tính… là một trong những ví dụ tiêu biểu. Thậm chí, Nhật Bản còn tăng cường đầu tư trực tiếp vào các nước thứ ba, và từ đó xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.
+ Tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực: Hầu hết các nhà đầu tư sử dụng FDI như một trong những phương tiện chủ yếu để tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên (nguyên liệu, đất đai, nhiên liệu) và nhân lực, nhất là những nơi có nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ để giảm chi phí sản xuất, tối đa hóa lợi nhuận.
+ Khai thác chuyên gia và công nghệ: Không phải FDI chỉ đi theo hướng từ nước phát triển hơn sang nước kém phát triển hơn để tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên và nhân lực giá rẻ. Chiều ngược lại thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Nhiều nhà đầu tư nhằm vào các nền kinh tế phát triển để khai thác đội ngũ chuyên gia và công nghệ. Điều đó giải thích vì sao Mỹ là nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, nhưng lại cũng đồng thời là nước luôn thu hút nhiều FDI nhất thế giới.
- Về những lợi ích tiềm tàng của thu hút FDI, gồm có:
+ Bổ sung cho nguồn vốn trong nước bị thiếu hụt trong nước: Trong các lý luận về tăng trưởng kinh tế, nhân tố vốnluôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Gia tăng nguồn vốn đầu tư để tăng trưởng nhanh hơn luôn được nhiều quốc gia quan tâm khi ban hành các chính sách. Khi khả năng tiết kiệm trong nước bị hạn chế, nguồn vốn trong nước không đủ, các chính sách thu hút vốn từ nước ngoài, trong đó có vốn FDI sẽ là hướng được nhiều chính phủ coi trọng.
+ Tiếp thu công nghệ và bí quyết quản lý: Đây là lý do rất quan trọng khi ban hành các chính sách khuyến khích thu hút FDI của nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Bởi vì những nền kinh tế này không chỉ thiếu vốn (tài chính), mà trong những nền kinh tế chậm phát triển, còn rất thiếu công nghệ - kỹ thuật và nhân lực có trình độ cao, có kỹ năng quản trị. Thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia sẽ mang lại cho các nền kinh tế kém phát triển có cơ hội tiếp thu công nghệ và bí quyết quản lý kinh doanh mà các công ty này đã tích lũy và phát triển qua nhiều năm và bằng những khoản chi phí lớn. Tuy nhiên, thành công của việc phổ biến các công nghệ và bí quyết quản lý chỉ phụ thuộc vào “người cho”, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tiếp thu của nước nhận đầu tư.
+ Tăng số lượng việc làm và đào tạo nhân công: Trong bất cứ nền kinh tế nào, tình trạng thất nghiệp luôn là một trong những vấn đề hàng đầu các chính phủ phải quan tâm giải quyết. Vì vậy, FDI luôn được hoan nghênh xét từ góc độ tạo thêm công ăn việc làm. Đối với những nước nghèo và dư thừa lao động, FDI vừa tạo cơ hội việc làm, vừa có cơ hội có thể có thu nhập cao hơn mức trung bình ở địa phương, nên sẽ có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Trong quá trình thuê mướn nhân công, các công ty FDI còn góp phần đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp, mà trong nhiều trường hợp là mới mẻ và tiến bộ ở các nước đang phát triển thu hút FDI. Điều này góp phần tạo ra một đội ngũ lao động có kỹ năng cho nước thu hút FDI. Không chỉ có lao động phổ thông, mà cả các nhà chuyên môn địa phương cũng có cơ hội làm việc và được bồi dưỡng nghiệp vụ ở các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
+ Tăng nguồn thu cho ngân sách: Đối với nhiều nước đang phát triển, hoặc đối với nhiều địa phương, thuế do các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp là nguồn thu ngân sách quan trọng.
+ Tham gia vào gia mạng sản xuất toàn cầu: Khi thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia, không chỉ xí nghiệp có vốn đầu tư của công ty đa quốc gia, mà ngay cả các xí nghiệp khác trong nước có quan hệ làm ăn với xí nghiệp đó cũng sẽ tham gia quá trình phân công lao độngquốc tế. Chính vì vậy, nước thu hút đầu tư sẽ có cơ hội lớn hơn tham gia mạng sản xuất toàn cầu, tham gia thị trường xuất khẩu thế giới và chuỗi giá trị toàn cầu.
+ Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế ở những nước nhận FDI: Đối với một số nền kinh tế vốn trì trệ, thể chế kinh tế không thuận lợi cho kinh doanh, sự xuất hiện của khu vực FDI sẽ góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế theo hướng tiến bộ. Sự cạnh tranh của khu vực FDI sẽ thúc ép các đối thủ phải quan tâm tới việc đầu tư đổi mới để vươn lên đứng vững trên thị trường, từ đó năng suất sản xuất được cải thiện. Những cách thức quản lý, kinh doanh của nền kinh tế thị trường hiện đại được du nhập qua kênh FDI là rất có ý nghĩa trong thực tế.
- Về những mặt hạn chế của việc thu hút FDI, các nhà phân tích đã chỉ ra rất rõ ràng là hoàn toàn có thể xảy ra, do động cơ hàng đầu của FDI là tìm kiếm lợi nhuận tối đa, hơn nữa lại ở nơi không phải là quê hương họ, đồng bào họ và xét về nhiều mặt, mức độ rủi ro còn cao hơn khi đầu tư ở trong nước.
+ Nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô lớn trước những biến động của kinh tế thế giới. Khi kinh tế gặp khó khăn hay xảy ra khủng hoảng, các chủ đầu tư FDI không chỉ phải hạn chế hoặc dừng đầu tư nói chung, mà địa bàn mà họ “tháo chạy” trước tiên thường sẽ là các nước nhận FDI. Vì vậy, các nhà phân tích còn cho rằng, một khi xảy ra sự cố, các nhà đầu tư sẽ ra đi mà chẳng để lại gì. Tuy nhiên, may mà thực tế đã cho thấy FDI cũng có nhiều diễn biến thăng trầm, nhưng thật hiếm khi có những ví dụ rõ rệt nào như vậy.
+ Không dễ tiếp nhận công nghệ - kỹ thuật. Các công ty đầu tư ra nước ngoài thường có xu hướng dấu bí quyết công nghệ kỹ thuật, coi đó như một trong những “bảo bối” trong thương lượng và cạnh tranh với nước chủ nhà. Trong khi đó, phía nước chủ nhà đôi khi cũng không sẵn sàng hoặc không có ý thức trong việc tranh thủ học hỏi công nghệ - kỹ thuật. Vì vậy, kỳ vọng chuyển giao công nghệ là một trong những nội dung dễ đem lại cảm giác thất vọng nhiều nhất đối với không ít nước nhận đầu tư.
+ Hy vọng đào tạo nhân lực bản địa cũng khó khăn. Tương tự như vấn đề chuyển giao công nghệ, hy vọng vào việc FDI đào tạo nhân lực bản địa cũng không dễ dàng do chỗ cả hai lĩnh vực này đều có nguy cơ tạo ra những người cạnh tranh mới đối với các doanh nghiệp FDI tại bản địa.
+Tranh chấp lao động có nguy cơ gia tăng do xu hướng khai thác tối đa sức lao động của các doanh nghiệp FDI cộng với những khác biệt về văn hóa, phong tục, ngôn ngữ… nên khu vực FDI thường dễ xảy ra tranh chấp lao động hơn.
+ Rủi ro môi trường lớn vì nhiều lý do: tâm lý tận khai nguồn tài nguyên của khu vực FDI, chi phí xử lý ô nhiễm môi trường lớn, tính trách nhiệm trong bảo vệ môi trường cho nước sở tại không cao, công tác quản lý của nước chủ nhà kém…
+ Công tác quản lý gặp nhiều thách thức hơn do tình trạng lách luật, lợi dụng khe hở của luật pháp, điển hình là hiện tượng chuyển giá, lãi thật lỗ giả để trốn thuế, gian lận trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ môi trường… Gần đây, một xu hướng mới gọi là phi vốn chủ sở hữu (non-equity mode – NEMs) cũng được áp dụng nhiều ở khu vực FDI với nội dung là tối thiểu hóa nguồn vốn thực đem vào nước chủ nhà. Thay vào đó, các công ty FDI huy động vốn ngay trên thị trường nội địa để đầu tư, họ chỉ có dự án và một chút vốn “mồi”, khi được chấp nhận, họ sẽ huy động vốn của nước sở tại theo kiểu “mỡ nó rán nó”, gây không ít hệ lụy đối với công tác quản lý và sự phát triển của nước nhận đầu tư. Ngoài ra, không hiếm trường hợp, do công tác quản lý yếu kém của nước chủ nhà nên nhân tố FDI đã phá vỡ nhiều quy hoạch của nước chủ nhà.
Tóm lại, với những điều trình bày ở trên, rõ ràng FDI vừa là xu hướng tất yếu, lại vừa là loại hình đầu tư mang tính hai mặt đặc biệt rõ rệt đối với cả nước nhận đầu tư cũng như với nhà đầu tư, nhất là nhìn từ yêu cầu của phát triển bền vững nền kinh tế.
Trước đây cũng như sau này, có lẽ đặc điểm chung của hoạt động FDI vẫn là với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận ở nước ngoài với hy vọng dễ hơn, nhanh hơn, nhiều hơn và cũng phải chịu nhiều áp lực rủi ro hơn nên xu hướng chung cũng ít quan tâm tới các mục tiêu xã hội và môi trường hơn. Nhận rõ điều này để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và nhất là tìm những giải pháp chính sách bảo đảm lợi ích của cả nước chủ nhà lẫn của các nhà đầu tư FDI chân chính.
Việc tối đa hóa lợi ích từ FDI đối với nước chủ nhà không phải từ sự “hảo tâm” của nhà đầu tư, mà là từ việc tìm ra điểm gặp hợp lý giữa lợi ích của cả hai phía, trong đó mức độ tác động tích cực của FDI tới tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào năng lực hấp thụ, quản lý, điều chỉnh, tương tác với FDI của chính nước chủ nhà.
Có thể nói rằng, trong xu thế chung gia tăng toàn cầu hóa, các mục tiêu tìm kiếm những lợi ích tiềm tàng của thu hút FDI vẫn không thay đổi. Sự thay đổi chủ yếu diễn ra do những điều kiện quy định nhu cầu và bối cảnh quốc tế đang có nhiều đổi thay nhanh chóng.
Vì vậy, trong khi khẳng định mạnh mẽ vị trí không thể thiếu của FDI trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, chúng ta cần có những nhận thức mới về huy động FDI trên tinh thần chủ động tìm kiếm điểm tương đồng về lợi ích của cả hai bên. Chỉ có như vậy, nền kinh tế mới có khu vực FDI phát triển bền vững trong một nền kinh tế phát triển bền vững.