0236.3650403 (221)

NĂNG LỰC ĐỊNH HƯỚNG ĐỌC ĐẾN ĐỐI TƯỢNG ĐỌC CỦA CÁ NHÂN


Năng lực định hướng tới đối tượng đọc được thể hiện ở nhu cầu, hứng thú đọc; mục đích đọc và khả năng lựa chọn tài liệu phù hợp của mỗi người. Năng lực đó là kết quả của sự phát triển tinh thần, văn hóa của mỗi người. Bài viết này trình bày 2 vấn đề chính: nhu cầu đọc và mục đích đọc và thói quen đọc

Nhu cầu

- Nhu cầu là một hiện tượng tâm lý trong cấu trúc tâm lý chung của con người. Nhu cầu đọc là đòi hỏi khách quan của chủ thể (cá nhân, nhóm, xã hội) đối với việc tiếp nhận và sử dụng tài liệu nhằm duy trì và phát triển các hoạt động sống của con người. Nói cách khác, nhu cầu đọc là thái độ của chủ thể với việc đọc như một hoạt động sống không thể thiếu  được.

- Nhu cầu đọc được hình thành khi người đọc nhận thấy giá trị của những tri thức chứa đựng trong tài liệu có thể đáp ứng được những yêu cầu để giải quyết nhiệm vụ, vấn đề của họ. Tuy nhiên, nhu cầu đọc chỉ thực sự hình thành với điều kiện người đọc có thể hiểu được ngôn ngữ viết trong tài liệu và những tri thức chứa đựng trong tài liệu phải có mối liên hệ thiết thực với tư duy của người đọc.

Nhu cầu đọc bắt nguồn từ yêu cầu tiếp nhận thông  tin khi con người tham gia các hoạt động sống khác nhau, nhưng nó chỉ thực sự hình thành với điều kiện chủ thể có khả năng giải mã thông tin được mã hóa trong tài liệu. Khi đòi hỏi đối với việc đọc trở nên cấp bách, thường xuyên, nhu cầu đọc xuất  hiện. Nhu cầu đọc bao giờ cũng gắn liền với số lượng và chất lượng tài liệu được lưu hành trong  một xã  hội cụ thể.  Thư viện là nơi lưu trữ và truyền tải tri thức  thông qua vốn tài liệu và công tác phục vụ bạn đọc. Vì vậy, nhu cầu đọc là nguồn  gốc của hoạt động thư viện. Hoạt động thư viện không thể tồn tại và phát triển ở những nơi không có nhu cầu đọc.

Nhu cầu đọc và văn hóa đọc có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau, có sự ràng buộc, thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau. Nếu người đọc có văn hóa đọc phát triển, quá trình thỏa mãn nhu cầu đọc sẽ thuận lợi hơn, nhanh chóng, đầy đủ và đạt hiệu quả cao hơn. Trong quá trình thỏa mãn nhu cầu đọc, văn hóa đọc của người đọc cũng từng bước nâng cao, góp phần hoàn thiện kỹ năng đọc cá nhân. Do vậy có thể thấy rõ, mức độ đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu đọc là nhân tố kích thích các hứng thú đọc và thúc đẩy nhu cầu đọc, từ đó hoạt động đọc sẽ diễn ra thường xuyên và văn hóa đọc sẽ ngày càng nâng cao.

Mục đích đọc

Là yếu tố xác định động cơ dẫn đến việc đọc: trả lời câu hỏi đọc để làm gì, vì sao đọc. Có những mục đích đọc đúng đắn như: để nghiên cứu, rèn luyện, giải trí. Mục đích đọc chi phối toàn bộ quá trình đọc. Xác định được mục đích đọc sẽ giúp tránh được việc đọc tràn lan, kém hiệu quả. Mục đích đọc còn giúp cho người đọc lựa chọn một cách đọc hợp lí, phù hợp với nhiệm vụ và thời gian có thể dành cho đọc. Với những mục đích khác nhau sẽ có những tài liệu khác nhau, do đó phải xác định mục đích đọc rõ rệt trước khi đọc để đạt được hiểu quả cao trong việc đọc.

Thói quen đọc

Thói quen đọc là những hành vi tích cực được định hình trong hoạt động đọc và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong hoạt động sống của con người. Thói quen đọc không sẵn có mà là kết quả của quá trình sinh hoạt, học tập, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cá nhân trong cuộc sống hằng ngày. Tuy vậy, thói quen đọc cũng có thể bắt nguồn từ một nguyên nhân tình cờ hay do bị ảnh hưởng từ một cá nhân, nhóm, cộng đồng trong xã hội.

Thói quen đọc biểu hiện qua số lần đọc, lượt đọc nhiều, tần suất đọc thường xuyên, thời gian dành cho việc đọc nhiều,…Thói quen đọc ổn định sẽ tạo nên nhu cầu đọc thường xuyên, là bước đầu tiên để xây dựng văn hóa đọc, từ thói quen sẽ dẫn đến niềm yêu thích và sau đó sẽ là việc tạo dựng kỹ năng lựa chọn tài liệu, phương pháp đọc… Khơi dậy và lan tỏa thói quen đọc, tạo thói quen đọc bền vững là mục đích cao nhất của phát triển văn hóa đọc. Có những thói quen đọc sách bắt nguồn từ việc đọc sách thường xuyên trong thời gian dài ví dụ như một ngày luôn giành từ 2 đến 3 giờ đề đọc sách hay từ hứng thú đọc một loại sách nhất định như truyện tranh, tiểu thuyết, sách văn học, sách về khoa học viễn tưởng, … Vì vậy, nhu cầu đọc và hứng thú đọc là nhân tố kích thích hoạt động đọc làm cho hoạt động đọc đạt hiệu quả cao (tăng cường sức chú ý, cường độ đọc cao, có sự tham gia đến mức tối ưu của các quá trình tư duy, tưởng tượng, trí nhớ) dẫn tới việc thụ cảm tài liệu ở mức độ  cao.

Ngày nay, giới trẻ nói chung, sinh viên nói riêng ngày càng tiếp cận nhiều  hơn với các loại hình truyền thông đa phương tiện, trở nên “lười” đọc sách, thư viện cũng vì vậy ngày càng vắng bóng sinh viên. Bạn đọc có xu hướng  tìm kiếm  một cách nhanh chóng, ngắn gọn, dễ hiểu thay vì ngồi đọc, nghiền ngẫm suy nghĩ, ghi chép thông tin. Như vây, việc hình thành thói quen đọc sách và tạo hứng thú đọc cần được rèn luyện không chỉ trong môi trường giáo dục gia đình, Nhà trường mà cả sự quan tâm của Thư viện.

                                                                     Nguyễn Thị Thảo