0236.3650403 (221)

NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ VỚI VẤN ĐỀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ


Đỗ Văn Tính

 

Năng lực cạnh tranh là khả năng của các doanh nghiệp, ngành, quốc gia, khu vực trong việc tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế (Theo Diễn đàn cao cấp về cạnh tranh công nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Có nhiều quan niệm khác nhau về DNNVV. Song, xét một cách chung nhất, DNNVV là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé về vốn, lao động hay doanh thu hoặc cả ba. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chia thành ba loại cũng căn cứ vào quy mô đó là doanh nghiệp siêu nhỏ (micro), doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa. Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng thế giới, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có dưới 10 lao động, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 50 người, còn doanh nghiệp vừa có từ 50 đến 300 lao động. Mỗi nước có tiêu chí riêng để xác định DNNVV nước mình. Ở Việt Nam, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ngày 30-6-2009, của Chính phủ quy định số lượng lao động trung bình hằng năm của doanh nghiệp có từ 10 người lao động trở xuống được coi là doanh nghiệp siêu nhỏ, từ 10 đến dưới 200 người lao động được coi là doanh nghiệp nhỏ và từ 200 đến 300 người lao động thì được coi là doanh nghiệp vừa. 

Hội nhập quốc tế là một quá trình phát triển tất yếu, do bản chất xã hội của lao động và quan hệ giữa con người.  Sự ra đời và phát triển của kinh tế thị trường cũng là động lực hàng đầu thúc đẩy quá trình hội nhập. Hội nhập diễn ra dưới nhiều hình thức, cấp độ và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, theo tiến trình từ thấp đến cao. Hội nhập đã trở thành một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Ngày nay, hội nhập quốc tế là lựa chọn chính sách của hầu hết các quốc gia để phát triển. Những năm gần đây, hội nhập quốc tế đã trở thành ngôn từ khá thân quen với hầu hết người Việt Nam. Trong công sở, nhà trường, ở quán nước trên hè phố, thậm chí cả ở thôn quê, người ta đều sử dụng nó một cách rất thông dụng. Tuy vậy, nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu khái niệm này; đặc biệt, hiểu nó một cách đầy đủ và ngọn nghành thì chẳng có mấy người. Giới học thuật và những nhà hoạch định chính sách cũng còn hiểu rất khác nhau và vẫn tiếp tục tranh luận về nhiều khía cạnh của hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh nước ta đang “tích cực, chủ động hội nhập quốc tế” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vừa qua, việc xác định đúng ý nghĩa, bản chất, nội hàm, xu hướng vận động cũng như hệ lụy của hội nhập quốc tế là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chiến lược, chính sách và các biện pháp cụ thể của nước ta trong quá trình hội nhập. (TS. Phạm Quốc Trụ, Học viện Ngoại giao)

Trong xu thế đó, khi lợi thế về nhân công giá rẻ mất dần do thu nhập của Việt nam đang ngày càng tăng cao, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có xu hướng chuyển vốn ra các nước khác để đầu tư. Ngoài ra, Việt nam cũng phải đưa mức thuế suất của các mặt hàng về mức 0% như đã cam kết trong thời gian tới. Đặc biệt, việc mở cửa các lĩnh vực dịch vụ tài chính sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt nam, mà đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - Chiếm tỷ lệ khoảng 98% trong tổng số các các doanh nghiệp (DN), có thể nói, DN nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế và vai trò này đã được Đảng ta khẳng định nhất quán qua các kỳ đại hội (từ đại hội VII đến nay).  Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) giữ một vị trí quan trọng và đóng góp đáng kể trong sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong nhữ năm qua, các DNVVN của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, quá trình hội nhập cũng đang đặt ra những thách thức lớn đối với các DNVVN. Trong khi đó, bản thân các DN này bộc lộ những yếu kém nhất định, cụ thể là: Khả năng cạnh tranh yếu về mặt tài chính; Khả năng cạnh tranh yếu về quản lý; Năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao làm yếu khả năng cạnh tranh của các DNVVN; Nhận thức và sự chấp hành luật pháp còn hạn chế làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Sự yếu kém về thương hiệu cũng góp phần làm yếu khả năng cạnh tranh…..

Nguyên nhân cơ bản của vấn đề này là chính sách hỗ trợ còn chưa đồng bộ và còn có sự xung đột, một số chính sách còn thiếu quy định cụ thể áp dụng cho DNNVV và còn mang nặng tính khuyến khích, chung chung như hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, tham gia mua sắm, cung ứng dịch vụ công; Trong điều kiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của từng chủ thể kinh tế, cơ chế chính sách đối với các loại hình DN nêu trên còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp; Năng suất, hiệu quả của nền kinh tế không cao; Tính liên kết giữa các DN trong nước và nước ngoài còn yếu; Khoảng cách giữa chủ trương chính sách với thực thi trên thực tế còn lớn. Quy mô hỗ trợ DNNVV cũng còn hạn hẹp, chất lượng và nội dung hỗ trợ chưa cao như hỗ trợ về thông tin tư vấn còn lạc hậu, chưa cụ thể, kịp thời; công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa bám sát nhu cầu thực tế của DNNVV; Các hỗ trợ theo cơ cấu vùng, miền và ngành nghề chưa hợp lý, nhiều chính sách còn thiếu hỗ trợ đặc thù cho khu vực nông thôn, miền núi và trong các ngành nông, lâm, thuỷ sản làm giảm hiệu quả đầu tư. Tác động của các chính sách đối với các DNNVV chưa thể hiện rõ, cơ chế trợ giúp DNNVV còn chồng chéo và phân tán, chưa có trọng tâm, hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp;….

Định hướng, Giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của DNVVN

Một là, Sửa đổi và hoàn thiện pháp luật cạnh tranh, Luật Cạnh tranh theo hướng quy định phản ánh trực tiếp, đầy đủ bản chất cạnh tranh của hành vi kinh doanh, góp phần giảm thiểu các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng vị trí thống lĩnh/độc quyền trên thị trường, giao dịch tập trung kinh tế…  Hoàn thiện và tăng cường thực thi hệ thống quy định pháp luật về giải thể, phá sản DN..

Hai là, phát triển năng lực quản trị chiến lược của cán bộ quản lý trong các DNVVN. Sự yếu kém về tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh doanh là một trong những nguyên nhân của sự thất bại trong phát triển dài hạn. Có DN hoạt động rất thành công ở quy mô nhỏ nhưng thất bại ngay khi bước vào giai đoạn mở rộng quy mô. Các DNVVN đều phải xây dựng khả năng phát triển một cách bền vững, nếu không sẽ khó trụ vững trong cuộc cạnh tranh. Những trường hợp DN phát triển rầm rộ trong một vài năm, sau đó suy yếu nhanh, thậm chí tan vỡ là các minh chứng (các vụ đổ vỡ như Minh Phụng, Epco, Tamexco… là những ví dụ đáng xem xét để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm hữu ích). Để bồi dưỡng, phát triển năng lực quản lý chiến lược và tư duy chiến lược cho đội ngũ giám đốc và cán bộ kinh doanh trong các DNVVN, cần chú trọng đặc biệt những kỹ năng: Phân tích kinh doanh, dự đoán và định hướng chiến lược, lý thuyết và quản trị chiến lược, quản trị rủi ro và tính nhạy cảm trong quản lý.

Ba là, chủ động và tích cực thực hiện liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường. Sự liên kết và hợp tác doanh nghiệp cần được thực hiện thông qua các biện pháp và hình thức phù hợp. Điều quan trọng nhất là giải quyết hài hòa lợi ích của các bên tham gia liên kết, chỉ như vậy mới thực sự phát huy hiệu quả của liên kết hợp tác, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và hiệu quả hội nhập quốc tế.

Bốn là, bồi dưỡng khả năng kinh doanh quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của DNVVN. Hiện nay, mặc dù đã có những bước tiến lớn nhưng nếu so với trình độ quốc tế thì hầu hết các DNVVN Việt Nam còn tụt hậu một khoảng cách đáng kể. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trên thƣơng trường quốc tế thì chính bản thân các giám đốc và cán bộ quản lý DN trước hết cần tăng cường khả năng đó. Đây là đòn bẩy nhân tố con người trong các tổ chức kinh doanh. Điều này các doanh nhân và nhà quản lý trong các DNVVN có thể thực hiện được (bằng chứng là đã có những doanh nhân Việt Nam thành công trên thương trường quốc tế). Tuy nhiên, con số này còn quá ít và phát triển còn mang tính tự phát. Đã đến lúc ở cấp vĩ mô cần quan tâm có tính hệ thống nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế.

Năm là, đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực, chuyên nghiệp luôn là động lực thúc đẩy sức sáng tạo và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Sáu là, hỗ trợ tư vấn về thiết bị, công nghệ mới hiện đại, thích hợp và cung cấp thông tin công nghệ, thị trường cho các DNVVN, tạo lập và phát triển thị trường công nghệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp này tăng cường cạnh tranh trong sản xuất, chế biến sản phẩm. Chính phủ cần thành lập một số tổ chức hỗ trợtư vấn (bằng những hình thức đa dạng) trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, giúp các DNVVN nângcao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, có thêm một tiềm lực mới trong công cuộc hội nhập quốctế.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Kỷ yếu Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức;
  2. Tư duy chiến lược của Michael Porter (2009), NXB Giáo Dục
  3. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức 2016;
  4. Tài liệu tổng hợp của Viện Khoa học quản trị DNNVV.
  5. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: http://vinasme.vn/