Mục tiêu 35 tỷ USD doanh thu thương mại điện tử năm 2025
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022. Trong 4 năm trở lại đây, thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng trưởng trung bình 16 - 30% mỗi năm, tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.
Mặc dù Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, đồng thời giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng giá trị bán lẻ trực tuyến tại khu vực ASEAN, tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thị trường Việt hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai các chính sách, vấn đề niềm tin của người tiêu dùng vào bảo mật thông tin, hạ tầng công nghệ chưa đồng đều, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử đạt 35 tỷ USD, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và 50% thanh toán không dùng tiền mặt".
Song song với những khó khăn, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa trong tương lai. Sau đại dịch Covid, hành vi tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi trong đó mua sắm trực tuyến đã trở thành một thói quen của nhiều người. Sự phát triển của Internet và phổ biến của điện thoại thông minh cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc giúp nhiều người tham gia vào “chợ số”.
Thêm vào đó, sự phát triển của hạ tầng số và sự xuất hiện của những công nghệ mới cũng đang góp phần hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn đồng thời thúc đẩy ngành tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, những chính sách khuyến khích phát triển và hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện của Chính phủ cũng đang tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong ngành phát triển ổn định và bền vững.
Tại Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế số và xã hội số: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” ngày 6/6, TS. Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho rằng hai chiến lược quốc gia đóng vai trò là xương sống trong phát triển thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam là Quyết định số 645/2020/QĐ-TTg: Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 749/QĐ-TTg: Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2023.
Bên cạnh đó, khung pháp lý của ngành thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, nhằm đảm bảo lợi ích và bảo vệ người dùng và doanh nghiệp thông qua Luật giao dịch điện tử 2023, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và Nghị định 52/2013/ND-CP và Nghị định 85/ND-CP về thương mại điện tử,... Ngoài ra, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế, Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế và tài chính, đầu tư và phát triển hạ tầng thương mại số, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ,…
Nhằm thúc đẩy tăng cường giám sát thực thi pháp luật của các doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam, Nhà nước đã tập trung vào bốn nhóm vai trò chính.
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện các văn bản, chính sách về thương mại điện tử nhằm tạo ra khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thuận lợi cho sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số.
Thứ hai, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh trực tuyến, xử lý các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của thị trường thương mại điện tử.
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử. Thông qua việc tham gia các tổ chức quốc tế, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác, Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng các chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ tư, triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, các nền tảng công nghệ số, hỗ trợ các tổ chức doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhanh chóng, bền vững.
( Bài có tham khảo tài liệu mạng và một số nhà chuyên môn)
LÊ HOÀNG THIÊN TÂN