MỘT VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU NHƯ THẾ NÀO LÀ TỐT
Một số đề tài nghiên cứu đòi hỏi những kĩ năng đặc biệt hoặc sự đầu tư thời gian và công sức nhiều hơn bình thường, nhưng nhìn chung đối với sinh viên nghiên cứu khoa học, một đề tài có kết quả tốt nếu làm việc một cách có phương pháp, có sự tìm tòi và có chút thông minh. Về mặt phương pháp, một đề tài tốt phải khuyến khích một quá trình học tập có tính sáng tạo và lâu dài của sinh viên về các phương pháp nghiên cứu cũng như trình bày ý tưởng và kết quả thu thập được.
Khi xác định vấn đề nghiên cứu, thường ta có tâm lý hướng đến những vấn đề nghiên cứu quan trọng, được xã hội quan tâm, có ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh tế-xã hội. Tuy nhiên một vấn đề nghiên cứu được gọi là tốt đối với xã hội lại chưa chắc là tốt, hoặc phù hợp với nhà nghiên cứu. Khi chọn lựa một vấn đề nghiên cứu, nhà nghiên cứu buộc phải suy nghĩ xem liệu có đủ năng lực giải quyết vấn đề đặt ra hay không.
Khi lựa chọn vấn đề nghiên cứu ta cần lưu ý các vấn đề sau:
- Ta cần phải thích thú với vấn đề: Nghiên cứu là một hành vi mang tính tự nguyện rất cao, và hiếm khi nào nhà nghiên cứu buộc phải tham gia thực hiện một nghiên cứu mà họ không quan tâm, không thích thú. Sự thích thú của nhà nghiên cứu tạo ra động lực nghiên cứu.
- Vấn đề phải có ý nghĩa thực tiễn và có đóng góp đối với cộng đồng khoa học và xã hội. Nếu thực hiện lại một đề tài đã làm thì rất phí công, hoặc sẽ chẳng có ai đọc. Vấn đề càng có ý nghĩa thực tiễn và được xã hội quan tâm thường được chú ý nhiều hơn, và đề xuất nghiên cứu cũng được phê duyệt nhiều hơn.
- Sự tương thích giữa tầm cỡ của vấn đề nghiên cứu và khả năng giải quyết của nhà nghiên cứu là một vấn đề quan trọng, cần được cân nhắc cẩn thận. Vấn đề của ta nên cụ thể, không quá rộng về phạm vi và không quá khó về học thuật so với kiến thức và khả năng giải quyết của người nghiêu cứu.
- Nguồn lực của ta có đủ để giải quyết vấn đề nghiên cứu hay không. Nghiên cứu cần rất nhiều nguồn lực khác nhau như nhân lực, vật lực, tài lực, quỹ thời gian và thậm chí cần các kỹ năng quản lý, điều phối của người lãnh đạo nghiên cứu. các nguồn lực này thay đổi tùy theo nhu cầu và quy mô của các vấn đề nghiên cứu khác nhau và khả năng cung ứng nguồn lực của nhà nghiên cứu hoặc tổ chức nghiên cứu. Vì vậy chỉ nên chọn những vấn đề nghiên cứu phù hợp với nguồn lực của ta
- Một vấn đề nghiên cứu phải có tính khả thi. Ta phải đảm bảo là có thể thu thập được những thông tin, dữ liệu cần thiết kế để tiến hành nghiên cứu. Nguồn dữ liệu cho nghiên cứu là vấn đề mang tính thực tế. Rõ ràng là dù vấn đề nghiên cứu có quan trọng, có ý nghĩa đến mức nào đi nữa, nhưng ta không thể thu thập được thông tin dữ liệu liên quan thì ta không thể giải quyết được vấn đề nghiên cứu. Tóm lại, một đề tài nghiên cứu được gọi là tốt khi:
· Có phạm vi giới hạn: vì phạm vi càng hẹp vấn đề sẽ càng được đào sâu, trong khi một vấn đề có phạm vi rộng sẽ dễ dẫn đến nguy cơ dàn trải, thiếu tập trung, xử lí các vấn đề chỉ ở trên bề mặt;
· Có tính mới và độc đáo: kết quả nghiên cứu phải mang lại một sự tiến bộ nhất định trong tri thức khoa học chuyên ngành, không trùng lắp với những kết quả, công trình đã công bố trước đó;
· Xử lí vấn đề tương đối trọn vẹn: sao cho kết quả thu được giúp rút ra những kết luận rõ ràng, góp phần giải quyết hầu hết các vấn đề cơ bản cần nghiên cứu đã đặt ra (thể hiện qua tên đề tài);
· Thể hiện bằng một bản báo cáo kết quả nghiên cứu: chặt chẽ trong phương pháp tiến hành, rõ ràng trong phong cách trình bày và dễ đọc
Giảng viên: Mai Thị Hồng Nhung