MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH TRONG DOANH NGHIỆP
Khái niệm về phân tích tài chính
Phân tích tài chính là một tập hợp các khái niệm, phương pháp, công cụ theo một hệ thống nhất định cho phép thu thập và xử lý các thông tin kế toán cũng như các thông tin khác trong quản lý doanh nghiệp nhằm đưa ra những đánh giá chính xác, đúng đắn về tình hình tài chính, khả năng và tiềm lực của doanh nghiệp, giúp nhà quản lý kiểm soát tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng như dự đoán trước những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai để đưa các quyết định xử lý phù hợp tuỳ theo mục tiêu theo đuổi.
Đối tượng của phân tích tài chính
Đối tượng của phân tích tài chính là các mối quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình hình thành, phát triển và biến đổi vốn dưới các hình thức có liên quan trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Mục đích, ý nghĩa của phân tích báo cáo tài chính
Có nhiều đối tượng quan tâm đến tình hình tài chính của doanh nghiệp như: chủ doanh nghiệp, nhà tài trợ, nhà cung cấp, khách hàng…Mỗi đối tượng quan tâm với các mục đích khác nhau nhưng thường liên quan với nhau.
+ Đối với chủ doanh nghiệp và các nhà quản trị doanh nghiệp, mối quan tâm hàng đầu của họlà tìm kiếm lợi nhuận và khả năng trả nợ. Ngoài ra, các nhà quản trị doanh nghiệp còn quan tâm đến mục tiêu khác như tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu, giảm chi phí... Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện các mục tiêu này nếu họ kinh doanh có lãi và thanh toán được nợ. Một doanh nghiệp bị lỗ liên tục rút cục sẽ bị cạn kiệt các nguồn lực và buộc phải đóng cửa, còn nếu doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn trả cũng buộc phải ngừng hoạt động.
+ Đối với các chủ ngân hàng và các nhà cho vay tín dụng, mối quan tâm của họ hướng chủ yếu vào khă năng trả nợ của doanh nghiệp. Vì vậy họ đặc biệt chú ý đến số lượng tiền và các tài sản khác có thể chuyển đổi thành tiền nhanh, từ đó so sánh với số nợ ngắn hạn để biết được khả năng thanh toán tức thời của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ cũng rất quan tâm đến số lượng vốn chủ sở hữu vì đó là khoản bảo hiểm cho họ trong trường hợp doanh nghiệp gặp rủi ro.
+ Đối các nhà đầu tư, họ quan tâm đến lợi nhuận bình quân vốn của Công ty, vòng quay vốn,khả năng phát triển của doanh nghiệp...Từ đó ảnh hưởng tới các quyết định tiếp tục đầu tư và Công ty trong tương lai
Phương pháp phân tích tài chính
-Phương pháp tỷ số
Phương pháp này dựa trên ý nghĩa chuẩn mực các tỷ lệ của đại lượng tài chính trong các quan hệ tài chính. Sự biến đổi các tỷ lệ là sự biến đổi các đại lượng tài chính. Về nguyên tắc, phương pháp tỷ lệ yêu cầu cần phải xác định được các ngưỡng, các định mức để nhận xét, đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, trên cơ sở so sánh các tỷ lệ của doanh nghiệp với giá trị các tỷ lệ tham chiếu.
Trong phân tích tài chính doanh nghiệp, các tỷ lệ tài chính được phân thành các nhóm tỷ lệ đặc trưng, phản ánh những nội dung cơ bản theo các mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Đó là các nhóm tỷ lệ về khả năng thanh toán, nhóm tỷ lệ về cơ cấu vốn, nhóm tỷ lệ về năng lực hoạt động kinh doanh, nhóm tỷ lệ về khả năng sinh lời.
Mỗi nhóm tỷ lệ lại bao gồm nhiều tỷ lệ phản ánh riêng lẻ, từng bộ phận của hoạt động tài chính trong mỗi trường hợp khác nhau, tuỳ theo giác độ phân tích, người phân tích lựa chọn các nhóm chỉ tiêu khác nhau để phục vụ mục tiêu phân tích của mình.
-Phương pháp so sánh
Về nguyên tắc cần phải đảm bảo các điều kiện có thể so sánh được của các chỉ tiêu tài chính (thống nhất về không gian, thời gian, nội dung, tính chất, và đơn vị tính toán...)
Gốc so sánh được lựa chọn là gốc về mặt thời gian hoặc không gian
Kỳ phân tích được lựa chọn là kỳ báo cáo hoặc kỳ kế hoạch
Giá trị so sánh có thể được lựa chọn bằng số tuyệt đối, số tương đối hoặc số bình quân.
Nội dung so sánh bao gồm:
+ So sánh giữa số thực hiện kỳ này với số thực hiện kỳ trước để thấy rõ xu hướng thay đổi về tài chính doanh nghiệp.
+ So sánh giữa số thực hiện với kỳ này với số kế hoạch để thấy mức độ phát triển của doanh nghiệp.
+ So sánh giữa số liệu của doanh nghiệp với số liệu trung bình ngành, doanh nghiệp khác để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp mình.
+ So sánh theo chiều dọc để xem xét tỷ trọng của từng chỉ tiêu so với tổng thể, so sánh theo chiều ngang của nhiều kỳ để thấy được sự biến đổi cả về số lượng tương đối và tuyệt đối của một chỉ tiêu nào đó qua các niên độ kế toán liên tiếp.
-Phương pháp phân tích Dupont
Phương pháp này sẽ giúp các nhà phân tích tài chính nhận biết được nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng tốt hay xấu trong doanh nghiệp. Bản chất của phương pháp này là tách một tỷ số tổng hợp phản ánh sức sinh lợi của doanh nghiệp như thu nhập trên tài sản (ROA), thu nhập sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE), thành tích số của các chuỗi tỷ số có mối quan hệ nhân quả với nhau.
Nguồn thông tin để phân tích tài chính
-Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính mô tả thực trạng về tình hình tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định (thường là thời điểm kết thúc một niên độ kế toán).
-Bảng báo cáo kết quả kinh doanh
Báo cáo kết quả kinh doanh là báo cáo tài chính phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời kì nhất định (thường là một quí hoặc năm).
-Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hay báo cáo dòng tiền mặt là một loại báo cáo tài chính thể hiện dòng tiền ra và dòng tiền vào của một tổ chức trong một khoảng thời gian nhất định (tháng, quý hay năm tài chính).
Báo cáo này là một công cụ giúp nhà quản lý tổ chức kiểm soát dòng tiền của tổ chức.
-Bảng thuyết minh báo cáo tài chính
Thuyết minh BCTC được lập để giải thích và bổ sung thông tin về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, tình hình tài chính cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo mà các bảng báo cáo khác không thể trình bày rõ ràng và chi tiết. Qua đó, nhà đầu tư hiểu rõ và chính xác hơn về tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp.
Thuyết minh BCTC gồm những nội dung cơ bản sau:
- Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp.
- Kỳ kế toán, đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán.
- Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng.
- Các chính sách kế toán áp dụng.
- Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong bảng cân đối kế toán.
- Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
- Thông tin bổ sung cho khoản mục trình bày trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ./.
Nguyễn Thị Minh Hà