MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN ĐỐI VỚI NGƯ DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
NGƯỜI THỰC HIỆN: NGUYỄN THỊ TIẾN
BÀI 2
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN ĐỐI VỚI NGƯ DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
1. Những thuận lợi và khó khăn đối với ngư dânthành phố Đà Nẵng
1.1. Những thuận lợi:
Thành phố Đà Nẵng nằm ở trung độ của cả nước, nên gần các ngư trường trọng điểm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khai thác thủy sản; ngoài ra với đặc điểm tự nhiên đã hình thành nơi lý tưởng để neo đậu tàu thuyền trú gió bão. Từ đó tạo cho Thành phố hội đủ yếu tố thuận lợi để phát triển khai thác thủy sản thành một trong những trung tâm lớn của khu vực.
Đội tàu khai thác thủy sản đông, phạm vi hoạt động rộng, phân bố từ ven bờ đến vùng khơi xa. Nếu biết tổ chức hợp lý thì khai thác thủy sản sẽ giữ vững được vai trò thế mạnh của mình trong nền kinh tế chung của thành phố và khu vực miền Trung.
Đà Nẵng là một đô thị lớn, nơi có sức mua mạnh, có khả năng tiêu thụ khối lượng lớn hàng thủy sản tươi sống từ khai thác thủy sản để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.
Khu Công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang bao gồm khu khu chế biến thủy sản, cảng cá, chợ Thủy sản đầu mối, khu công nghiệp đóng sửa tàu thuyền nghề cá...sẽ tạo tiền đề để khai thác thủy sản phát triển mạnh theo hướng xuất khẩu; đồng thời đây cũng là nơi thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm khai thác để phục vụ cho công nghiệp chế biến, giải phóng nhanh tàu thuyền để chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo.
Chính thức đưa vào hoạt động từ đầu tháng 10/2004, Âu thuyền Thọ Quang đã đáp ứng kịp thời nhu cầu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền, cung ứng kịp thời các dịch vụ hậu cần cho tàu cá.
1.2. Những khó khăn, hạn chế:
Phần lớn ngư dân thành phố thuộc diện nghèo hoặc có mức sống trung bình nên khả năng huy động vốn tự có rất thấp, huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng càng khó khăn hơn vì thiếu điều kiện về tài sản để thế chấp, trong khi đó yêu cầu đầu tư cho khai thác thủy sản nhất là khai thác xa bờ cần nguồn vốn lớn vượt quá khả năng của ngư dân. Vì vậy mặc dù nhiều hộ ngư dân có nhu cầu và nguyện vọng đóng tàu công suất lớn hơn để khai thác vùng khơi, nhưng vẫn không thể thực hiện được.
Năng lực khai thác thủy sản tuy nhiều về số lượng, lớn về tổng công suất, nhưng lại là tàu thuyền có công suất nhỏ, máy móc đã quá cũ kỹ, nghề chủ yếu khai thác vùng ven bờ và vùng lộng, khó có khả năng vươn khơi. Cơ cấu tàu thuyền, nghề khai thác còn bất hợp lý nên chưa có khả năng khai thác được những lợi thế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Mặc dù Âu thuyền Thọ Quang đã được đưa vào khai thác, nhưng việc neo đậu trú gió bão cho tàu thuyền công suất nhỏ vùng bãi ngang vẫn chưa được quan tâm, tàu thuyền không thể chạy vòng bán đảo Sơn Trà để vào Âu thuyền nên thường bị động mỗi khi có gió bão.
Công tác quản lý ngành chưa thật sự mạnh vì bộ phận chuyên trách mới thành lập, một số cán bộ mới tiếp xúc với lĩnh vực thủy sản nên còn lúng túng, bị động, đa số lại không đúng chuyên môn nghiệp vụ, vì vậy công tác làm chức năng tham mưu cho địa phương trong thời gian đầu còn hạn chế.
2. Một số giải pháp phát triển kinh tế biển đối với ngư dân Thành phố Đà Nẵng
Để phát triển kinh tế thủy sản một cách đồng đều, ổn định và bền vững, đòi hỏi những người làm nghề phải phát huy sự hợp tác, liên kết để tổ chức quản lý cộng đồng trong sản xuất, phát huy mọi nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh.