MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN ĐẾN
1. Thực trạng kinh tế Việt Nam những năm gần đây
Nền kinh tế nước ta những năm gần đây đã thể hiện càng rõ nét đặc điểm của“một cơ thể vừa thiếu máu, vừa không tiếp nhận được máu”. DN thiếu vốn hoạt động, nhưng ngân hàng không tăng được tín dụng. Nợ xấu gia tăng, niềm tin thị trường giảm sút; DN thiếu phương hướng hoạt động. Một bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa kèm theo nhiều lo lắng đã kéo dài.
Số lượng doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động, phá sản, giải thể có xu hướng tăng nhanh từ đầu năm. Hệ thống ngân hàng thương mại lâm vào nguy cơ đổ vỡ dây chuyền do mất thanh khoản của một nhóm ngân hàng thương mại yếu kém. Nợ xấu tăng nhanh, đặc biệt các khoản tín dụng về bất động sản và cung cấp tín dụng tập trung thái quá vào một nhóm tập đoàn kinh tế, kể cả khu vực tư nhân làm tăng tính rủi ro của tín dụng và sự kém hiệu quả trong việc phân bố nguồn lực tài chính.
Thị trường bất động sản phải đối mặt với khủng hoảng, trầm lắng, diễn ra với hầu hết các phân khúc bất động sản, đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh, vốn bị tồn đọng không quay vòng được, tác động đến các ngành khác như xi măng, sắt thép, trang trí nội thất... đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả để tháo gỡ từng bước, “làm ấm” từng phần thị trường, tiến tới sự lành mạnh hóa hoạt động và phát triển bền vững trong những năm tới.
2. Một số giải pháp phát triển kinh tế Việt Nam thời gian đến
Nhiệm vụ tập trung vẫn là giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn; trong đó phải xử lý một phần nợ xây dựng cơ bản, mà ngân sách đang nợ DN.
Cần có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách thị trường hóa giá cả một số loại dịch vụ công, mà Nhà nước đang còn quy định giá và chính sách ngoại thương. Phải chuyển chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát chủ động. Mức lạm phát mục tiêu sẽ tạo ra dư địa cho chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cũng như lộ trình điều chỉnh giá cả dịch vụ, hàng hóa công cộng, mà không gây ra lạm phát do chi phí đẩy. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư xã hội trong 3 năm sắp đến. Ở đây đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa và qua đó huy động các nguồn lực bổ sung cho nhau nhằm bảo đảm tổng đầu tư xã hội.
Cần mạnh dạn tăng chi tiêu công dưới nhiều hình thức để kích thích tăng tổng cầu. Vẫn biết rằng, nhiệm vụ phải bảo đảm an toàn của nợ công là quan trọng, nhưng trong tình thế hiện nay, chính đầu tư công là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi mà chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế. Một khi nền kinh tế hấp thụ được vốn tốt hơn, có điều kiện để tăng tín dụng, thì sẽ giảm đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân, cân bằng mức nợ công như Quốc hội đã cho phép.
Lồng ghép vào các nhóm giải pháp trên trong chương trình trung hạn cần có sự đột phá trong nhiệm vụ tái cơ cấu khu vực DN nhà nước (DNNN). Hiệu quả sử dụng nguồn lực này là nhân tố chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Lực lượng DNNN không làm thay thị trường, nhưng là một lực lượng rất quan trọng để bổ khuyết những khuyết tật của thị trường. Trên quan điểm đó, thì không thể thành công nếu tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty riêng rẽ, mà phải thực hiện trên tổng thể lực lượng DNNN hiện hữu. Nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ của Chính phủ, chứ không phải là nhiệm vụ của từng đơn vị.
Về thị trường bất động sản: cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo lộ trình “làm ấm” từng phần dựa vào đặc thù của phân khúc thị trường, nhằm tạo sự tác động lan tỏa và có tác động tích cực đến nền kinh tế. Việc này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ Trung ương đến địa phương. Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để thị trường tự tái cơ cấu; Nhà nước thực hiện vai trò quản lý và điều tiết cung – cầu, hướng tới sự lành mạnh hóa hoạt động của thị trường bất động sản trong tương lai.
ThS. Nguyễn Thị Tiến