0236.3650403 (221)

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN CÁC KHU KINH TẾ VEN BIỂN VIỆT NAM


1.     Những thuận lợi và hạn chế của các khu kinh tế ven biển hiện nay

Các khu kinh tế ven biển tại Việt Nam hiện nay có những điều kiện thuận lợi cơ bản sau: Có vị trí địa lý, tự nhiên thuận lợi, tạo ra lợi thế so sánh trong mối tương quan so với các vùng, miền, địa phương xung quanh. Có nguồn nhân lực chất lượng cao tập trung nhiều hơn các nơi khác, cùng với chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, viễn thông khá hoàn chỉnh. Cơ chế chính sách dành cho khu kinh tế ven biển thông thoáng, với khá nhiều điều kiện ưu đãi về thuế, giao đất… Có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, như: thu hút  các nguồn vốn đầu tư cả trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, dịch vụ hậu cần logistics…

Tuy nhiên, sự phát triển các khu kinh tế ven biển tại Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế cơ bản, cụ thể:

Thứ nhất,hiệu quả đem lại từ các khu kinh tế ven biển chưa thực sự rõ nét. Sự phát triển của các khu kinh tế ven biển vẫn diễn ra với tốc độ chậm, chưa tạo nên động lực thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển và tạo động lực đưa nền kinh tế đất nước đi lên.

Thứ hai, có tình trạng chạy đua phát triển theo kiểu phong trào, bùng nổ theo một giai đoạn phát triển nhất định, dẫn đến sự phân tán các nguồn lực đầu tư, không đủ nguồn vốn cho đầu tư phát triển (cả vốn trung ương và vốn địa phương), thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ, cơ chế chính sách thiếu tính đồng bộ… Nền kinh tế Việt Nam nói chung, các khu kinh tế ven biển tại Việt Nam nói riêng, đều chịu tác động, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, kéo theo sự sụt giảm mạnh của các nguồn lực đầu tư (cả trong nước và ngoài nước). Tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng có sự sụt giảm và hiện nay vẫn duy trì ở mức thấp.

Thứ ba,mới chỉ có số ít khu kinh tế ven biển có điều kiện thuận lợi để phát triển trong thời gian tới. Điển hình như KKT Chu Lai (Quảng Nam) đã có sân bay quốc tế Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà, các tuyến đường đấu nối với hệ thống giao quốc gia, như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất… KKT Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) đã có Sân bay Cát Bi, Cảng quốc tế Lạch Huyện, hệ thống các khu công nghiệp được quy hoạch, hệ thống giao thông kết nối, nằm trong hành lang vành đai kinh tế ven biển… và một số khu kinh tế ven biển khác có điều kiện thuận lợi tương tự như vậy. Tuy nhiên, phần lớn các khu kinh tế ven biển khác vẫn đang trong tình trạng mới hoàn thành quy hoạch chung và đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ thuật… và phải đối mặt vói những thách thức về xã hội như phát triển bền vững, đô thị hóa, chuyển đổi có cấu ngành nghề…

Thứ tư,việc đầu tư vốn nhà nước vào phát triển 15 khu kinh tế ven biển đang dẫn tới sự dàn trải, phân tán các nguồn lực, hiệu quả đầu tư thấp. Hầu hết các khu kinh tế ven biển đều được thành lập dựa trên việc phát huy yếu tố bên trong và kỳ vọng với các tiềm năng sẵn có, cùng với đầu tư của Nhà nước… Trong điều kiện phát triển hiện nay, kỳ vọng như thế không còn phù hợp.

2.     Các biện pháp phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam hiện nay

Thứ nhất,phải đánh giá được chính xác các điều kiện thuận lợi sẵn có của các khu kinh tế ven biển trong việc tạo động lực, nhu cầu phát triển cho bản thân khu kinh tế ven biển đó và cho cả các vùng lân cận. Nói cách khác, một khu kinh tế ven biển phải tạo ra được nhu cầu cho vùng, miền xung quanh nó phát triển, nhu cầu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư để thu được lợi ích. Có như vậy, thì việc đầu tư của Nhà nước vào khu kinh tế ven biển mới không bị lãng phí, không dàn trải và phát huy được hiệu quả đầu tư.

Các khu kinh tế ven biển tại Việt Nam phải có được mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển, đường sắt và đường không đồng bộ, liên thông với mạng giao thông quốc gia và quốc tế. Nhà đầu tư phải nhìn thấy được các khu kinh tế ven biển là “cửa ngõ” cho hàng hóa và dịch vụ, không chỉ của Việt Nam, mà còn của khu vực ASEAN và thế giới, có thế mạnh trọng việc kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư với khu vực và thế giới.

Thứ hai,cần xác định được hướng phát triển có thế mạnh của mỗi một khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư, không nên đầu tư phát triển tất cả các lĩnh vực. Từ đó, có thể lựa chọn nhà đầu tư, gắn bó nhu cầu và quyền lợi nhà đầu tư vào phát triển các khu kinh tế ven biển.

Một bộ phận nhà đầu tư tại các khu kinh tế ven biển hiện nay có thể thoải mái để đất bỏ hoang nhiều năm không tiến hành đầu tư vẫn không bị ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp đã hưởng lợi từ ưu đãi thuế hoặc có hành vi chuyển giá để trốn thuế. Việc đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển không thể tiến hành theo trình tự là: cứ tự quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, thậm chí kêu gọi các nguồn lực từ bên ngoài vào đầu tư theo các hình thức BOT, BT, PPP…, sau đó, lại kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư vào các lĩnh vực khác. Thực tế đã chứng minh, chỉ cần lựa chọn sai nhà đầu tư, nhà thầu thi công, nhà cung cấp thiết bị không đạt chuẩn, hậu quả sẽ rất lớn, làm chậm tiến độ phát triển. Thay vào đó, ta có thể thông qua đàm phán, thương lượng để tìm kiếm, lựa chọn và trao quyền đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển cho một, hoặc một nhóm các nhà đầu tư tiềm năng, tiến hành đầu tư phát triển từ đầu theo một định hướng có thể chấp nhận được. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư có thể tham gia quy hoạch, định hướng, tập hợp những nhóm các nhà đầu tư khác nhau, thảo luận xem nên phát triển khu kinh tế ven biển này theo hướng nào là tốt nhất, mở cửa cho nhà đầu tư đó vào tham gia đầu tư theo định hướng phát triển cụ thể.

Thứ ba,chính quyền các địa phương cần nâng cao chất lượng công tác quản lý và quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu - phát triển (R&D) tại các cơ quan hành chính công. Cơ chế chính sách hiện nay áp dụng cho các khu kinh tế ven biển tập trung chủ yếu vào chính sách ưu đãi thuế và ưu đãi về đất đai. Song, bên cạnh đó, việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI và việc quản lý doanh nghiệp sử dụng đất vẫn còn rất lỏng lẻo. Hiện tượng doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, chuyển giá, trốn thuế, lãng phí đất đai vẫn diễn ra nhiều và khó quản lý. Một bộ phận nhà đầu tư tại các khu kinh tế ven biển hiện nay có thể thoải mái để đất bỏ hoang nhiều năm không tiến hành đầu tư vẫn không bị ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp đã hưởng lợi từ ưu đãi thuế hoặc có hành vi chuyển giá để trốn thuế. Vấn đề này tiếp tục gây thất thu thuế hàng năm rất lớn cho Việt Nam, chưa nói tới hậu quả lâu dài của tình trạng lãng phí các nguồn lực, nhất là đất đai. Do đó, chính quyền địa phương cần tập trung nâng cao năng lực quản lý, nâng cao năng lực khai thác, tìm kiếm nhà đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh vào lĩnh vực R&D, với các chính sách phát triển các mô hình vườn ươm công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất… trong các khu kinh tế ven biển, với mục tiêu là tạo nên các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào R&D, chuyển giao công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu ra khỏi thị trường. Thực tế cho thấy, đầu tư vào khoa học, công nghệ tại Việt Nam còn rất khiêm tốn. Nhưng, nếu đầu tư bài bản, cơ chế khuyến khích rõ ràng, thì tác dụng của nó đối với phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn; tăng năng suất và chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu, nâng cao năng suất lao động; tăng hiệu quả khai thác kinh tế biển đảo, du lịch sinh thái.../.

Nguyễn Thị Tiến - Khoa QTKD