0236.3650403 (221)

MỐI QUAN HỆ GIỮA BỘI CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ LÀM PHÁT


Luật NSNN 2002 đã khẳng định: “Bội chi NSNN là bội chi ngân sách trung ương được xác định bằng chênh lệch thiếu giữa tổng số chi ngân sách trung ương và tổng số thu ngân sách trung ương của năm ngân sách”. Bội chi NSNN ở mức cao đều có nguy cơ gây ra lạm phát. Bởi vì, khi ngân sách bị bội chi có thể được bù đắp bằng phát hành tiền hoặc vay nợ, đều gây nên nguy cơ lạm phát tăng.

Thứ nhất, khi Ngân hàng Trung ương phát hành tiền trực tiếp để bù đắp bội chi NSNN sẽ làm tăng cung tiền tệ trên thị trường, từ đó có thể gây lạm phát cao, đặc biệt khi việc tài trợ thâm hụt lớn và diễn ra liên tục thì nền kinh tế phải trải qua lạm phát cao và kéo dài. Điển hình đó là giai đoạn 1986 – 1990, Nhà nước sử dụng biện pháp này để bù đắp bội chi, khiến cho lạm phát trong những năm này gia tăng nhanh chóng (luôn trên ba con số, ví dụ năm 1986, lạm phát nước ta lên đến trên 700%). Sự gia tăng cung tiền có thể không làm tăng lạm phát nếu nền kinh tế đang đà tăng trưởng, mức cầu tiền giao dịch tăng lên phù hợp với mức tăng của cung tiền. Tuy nhiên, trong trường hợp khu vực tư nhân đã thỏa mãn với lượng tiền họ đang nắm giữ (mức cầu tiền tương đối ổn định) thì sự gia tăng của cung tiền làm cho lãi suất thị trường giảm, nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa dịch vụ, nhu cầu đầu tư sẽ tăng lên kéo theo sự tăng của tổng cầu nền kinh tế, mặt bằng giá cả sẽ tăng lên gây áp lực lạm phát. Người ta gọi trường hợp khi chính phủ tài trợ thâm hụt ngân sách bằng cách tăng cung tiền là hiện tượng chính phủ đang thu "thuế lạm phát" từ những người đang nắm giữ tiền.

Thứ hai, bù đắp thâm hụt bằng nguồn vay nợ trong nước hoặc nước ngoài, việc vay nợ trong nước bằng cách phát hành trái phiếu ra thị trường vốn, nếu việc phát hành diễn ra liên tục thì sẽ làm tăng lượng cầu quỹ cho vay, do dó, làm lãi suất thị trường tăng. Để giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương phải can thiệp bằng cách mua các trái phiếu đó, điều này làm tăng lượng tiền tệ gây lạm phát. Hay vay nợ nước ngoài để bù đắp bội chi ngân sách bằng ngoại tệ, lượng ngoại tệ phải đổi ra nội tệ để chi tiêu bằng cách bán cho Ngân hàng Trung ương, điều này làm tăng lượng tiền nội tệ trên thị trường tạo áp lực lên lạm phát. 

Thực tế những năm qua, thâm hụt ngân sách Việt Nam được tài trợ phần lớn bằng cách vay nợ thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Lượng trái phiếu này có thể được mua bởi Ngân hàng Nhà nước (hình thức cấp tín dụng trực tiếp cho Chính phủ) sẽ làm tăng lượng tiền cơ sở. Hoặc lượng trái phiếu được mua bởi các ngân hàng thương mại, sau đó các ngân hàng thương mại đem cầm cố chúng tại Ngân hàng Nhà nước thông qua nghiệp vụ thị trường mở hoặc nghiệp vụ tái cấp vốn (cấp tín dụng gián tiếp cho Chính phủ). Điều này cũng làm tăng lượng tiền cơ sở và tăng cung tiền gây lạm phát. Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), khối lượng trái phiếu Chính phủ và Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đang lưu hành có giá trị lên tới 336.000 tỷ đồng, tương đương hơn 13% GDP danh nghĩa và gần 12% cung tiền M2 năm 2011. Ngoài ra, bên cạnh việc vay nợ trong nước, Việt Nam còn vay nợ nước ngoài để tài trợ thâm hụt, số tiền vay nợ nước ngoài chiếm 1/3 thâm hụt NSNN, tương đương 1,5 – 1,7% GDP. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát cao ở Việt Nam trong những năm 2007 - 2008 và 2010 - 2011.

Th.S Phạm Thị Uyên Thi