MÔ HÌNH PPP VÀ CÁC HÌNH THỨC CỦA MÔ HÌNH PPP
Gần đây, mô hình PPP hay hợp tác công - tư thường được nhắc đến như là một cách thức mới và hiệu quả giúp giải quyết vấn đề quá tải cơ sở hạ tầng (CSHT) - một trong những nút thắt cơ bản của nền kinh tế Việt Nam. PPP sẽ ngày càng phổ biến và đa dạng về loại hình trong cả ngắn hạn và trung hạn nên PPP phải trở thành một cơ chế bền vững hơn cho việc cung cấp dịch vụ công thông qua việc xem xét sự tương xứng về giá trị tạo ra với chi phí đầu tư, vận hành trong suốt vòng đời của dự án
PPP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Public - Private - Partnership và dịch sang tiếng Việt là hợp tác công - tư. Theo Yescombe, tác giả cuốn Public - Private Partnerships: Principles of Policy and Finance (tạm dịch là Hợp tác công - tư: các nguyên lý chính sách và tài trợ), xuất bản năm 2007, thuật ngữ hợp tác công - tư bắt nguồn từ Hoa Kỳ với các chương trình giáo dục được cả khu vực công và khu vực tư cùng tài trợ trong thập niên 1950.
Sau đó, nó được sử dụng rộng rãi để nói đến các liên doanh giữa các chính quyền thành phố và các nhà đầu tư tư nhân trong việc cải tạo các công trình đô thị ở Hoa Kỳ trong thập niên 1960. Kể từ thập niên 1980, thuật ngữ hợp tác công - tư dần phổ biến ở nhiều nước và được hiểu là sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân để cùng xây dựng CSHT hay cung cấp các dịch vụ công cộng. Trên thực tế, mô hình này đã xuất hiện ở Pháp và Anh từ thế kỷ 18 và 19.
Ở Việt Nam, thuật ngữ PPP hay được dùng, nhưng trong tiếng Anh, có ít nhất sáu thuật ngữ tương tự là:
(1) Private Participation in Infrastructure (PPI), sự tham gia của tư nhân trong cơ sở hạ tầng;
(2) Private-Sector Participation (PSP), sự tham gia của khu vực tư;
(3) P3, viết tắt của PPP;
(4) P-P Partnership, được viết tách ra để phân biệt với viết tắt của thuật ngữ ngang bằng sức mua (PPP - purchasing power parity);
(5) Privately-Financed Projects, các dự án được tài trợ bởi tư nhân;
và (6) Private Finance Initiative (PFI), sáng kiến tài trợ tư nhân.
Có nhiều cách hiểu khác nhau về mô hình hợp tác công - tư, nhưng cách phổ biến nhất là nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng ký một hợp đồng để phân chia lợi ích, rủi ro cũng như trách nhiệm của mỗi bên trong việc xây dựng một CSHT hay cung cấp một dịch vụ công nào đó.
Các hình thức hợp tác công - tư
Giữa hai thái cực nhà nước hay tư nhân đứng ra làm toàn bộ, các hình thức còn lại, dù ít hay nhiều đều có sự tham gia của cả hai khu vực. Có năm hình thức hợp tác công - tư phổ biến trên thế giới:
Thứ nhất, nhượng quyền khai thác (Franchise) là hình thức mà theo đó cơ sở hạ tầng được nhà nước xây dựng và sở hữu nhưng giao (thường là thông qua đấu giá) cho tư nhân vận hành và khai thác.
Thứ hai, hơi khác với nhượng quyền khai thác, ở mô hình thiết kế - xây dựng - tài trợ - vận hành (Design- Build - Finance - Operate hay DBFO), khu vực tư nhân sẽ đứng ra xây dựng, tài trợ và vận hành công trình nhưng nó vẫn thuộc sở hữu nhà nước.
Thứ ba, xây dựng - vận hành - chuyển giao (Build - Operate - Transfer hay BOT) là mô hình mà ở đó công ty thực hiện dự án sẽ đứng ra xây dựng và vận hành công trình trong một thời gian nhất định sau đó chuyển giao toàn bộ cho nhà nước. Mô hình này khá phổ biến ở Việt Nam. Thứ tư, khác biệt một chút với mô hình BOT, trong mô hình xây dựng - chuyển giao - vận hành (BTO), quyền sở hữu CSHT được chuyển giao ngay cho nhà nước sau khi xây dựng xong, nhưng công ty thực hiện dự án vẫn giữ quyền khai thác công trình.
Cuối cùng là phương thức xây dựng - sở hữu - vận hành (Build - Own - Operate hay BOO). Ở mô hình này, công ty thực hiện dự án sẽ đứng ra xây dựng công trình, sở hữu và vận hành nó. Mô hình BOO rất phổ biến đối với các nhà máy điện cả ở Việt Nam và trên thế giới.
Trong hầu hết các dự án CSHT công cộng (trừ mô hình BOO), việc sở hữu tư nhân chỉ có tính chất tượng trưng. Ví dụ, một cây cầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp BOT, nhưng khi không có người sử dụng thì doanh nghiệp BOT hầu như không thể làm gì đó đối với cây cầu. Thêm vào đó, trong nhiều trường hợp rất khó xác định dự án được thực hiện theo cách thức nào, nhất là cách 2, 3 và 4.
Nguồn thu để trang trải các khoản chi phí đầu tư và vận hành chủ yếu từ: (1) thu phí người sử dụng đối với những dự án có thể thu phí như giao thông chẳng hạn và/hoặc (2) nhà nước trả cho các công ty vận hành khi thuê họ thực hiện một số loại hình dịch vụ không có nguồn thu như quản lý nhà tù hay vệ sinh các bệnh viện chẳng hạn hay các dự án có nguồn thu không đủ bù đắp chi phí. Đối với các dự án có thu phí người sử dụng thì nhà nước là người quyết định mức giá.
ThS. Hoàng Thị Xinh