MÂU THUẪN CHỨC NĂNG VÀ PHI CHỨC NĂNG TRONG NHÓM, TỔ CHỨC
a) Mâu thuẫn chức nănghỗ trợ thực hiện được mục tiêu và nâng cao kết quả thực hiện công việc của nhóm. Mâu thuẫn có thể nâng cao hoạt động của nhóm như thế nào? Không dễ dàng hình dung một hoàn cảnh ở đó mâu thuẫn công khai hoặc có tính bạo lực có thể có ý nghĩa tích cực nhưng chúng ta có thể nhận thấy rằng mâu thuẫn ở mức độ thấp và ôn hoà có thể cải thiện hiệu quả hoạt động của nhóm.
Mâu thuẫn sẽ hữu ích khi nó nâng cao chất lượng các quyết định, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới, khuyến khích sự quan tâm của các thành viên trong nhóm, tạo ra môi trường giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả, xoá bỏ căng thẳng và thúc đẩy người lao động tự đánh giá và tự hoàn thiện bản thân mình. Thực tế cho thấy mâu thuẫn có thể nâng cao chất lượng việc ra quyết định, nhất là những quyết định quan trong trên cơ sở xem xét tất cả các quan điểm, đặc biệt những quan điểm bất thường hoặc ý kiến của nhóm thiểu số. Mâu thuẫn ngăn chặn những quyết định thiếu thận trọng dựa trên những nhận thức sai lầm, đánh giá phiến diện về tình hình thực tế. Mâu thuẫn thúc đẩy sự sáng tạo, tăng cường việc đánh giá lại các mục tiêu, hoạt động và nâng cao khả năng thích ứng của cá nhân đối với các thay đổi trong nhóm.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả hoặc phá sản do thiếu mâu thuẫn chức năng. Các doanh nghiệp này đã tuyển dụng và bổ nhiệm những người “ chỉ biết vâng lời”, không bao giờ chất vấn về các hoạt động của công ty. Phần lớn các giám đốc của các công ty này là những người bảo thủ. Họ chống lại các thay đổi, họ thích ngắm nhìn thành công trong quá khứ hơn là hướng về những thách thức trong tuong lai. Hơn nữa, các nhà quản trị cấp cao của công ty chỉ quanh quẩn trong trụ sở của họ, không nghe thấy những gì họ không muốn nghe và hình thành một “thế giới cách biệt” với những đổi thay đang diễn ra mạnh mẽ.
Nhiều dẫn chứng cho thấy mâu thuẫn làm xuất hiện các quyết định phù hợp và nâng cao hiệu quả của nhóm. Các nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng các nhóm mà quyết định được xây dựng trên cơ sở các ý kiến được tranh luận giữa các thành viên đưa ra thường hoạt đông có hiệu quả hơn những nhóm mà sự đồng thuận đạt được tương đối dễ dàng. Trên thực tế, những nhóm gồm các thành viên với lợi ích khác nhau có xu hướng đưa ra nhưng giải pháp hữu hiệu hơn khi giải quyết các vấn đề khác nhau so với những nhóm thuần nhất. Những phát hiện ở trên chứng tỏ mâu thuẫn trong nhóm có thể là dấu hiệu của sức mạnh hơn là dấu hiệu của sự yếu kém theo quan điểm truyền thống.
b) Mâu thuẫn phi chức nănglàm giảm kết quả thực hiện công việc của nhóm. Chúng ta có thể thấy, mâu thuẫn trong tổ chức không phải lúc nào cũng xấu. Tổ chức nên khuyến khích những hình thức mâu thuẫn chức năng để hoàn thành tốt công việc hay nhiệm vụ được giao đồng thời tìm cách loại bỏ những mâu thuẫn phi chức năng.
Hậu quả tiêu cực của mâu thuẫn đối với hoạt đông của nhóm hoặc tổ chức nhìn chung được nhiều người biết đến. Người ta cho rằng: Tình trạng đối lập làm phát sinh sự bất mãn, là yếu tố phá vỡ các mối quan hệ chung dẫn đến sự sụp đổ của nhóm. Thực tế đã chứng minh rằng các xung đột phi chức năng làm giảm hiệu quả hoạt động của nhóm. Hậu quả là việc truyền tải thông tin bị cản trở, sự gắn kết trong nhóm giảm sút và các mục tiêu của nhóm hoàn toàn phụ thuộc vào cuộc đấu tranh giữa các thành viên. Ở mức độ cao nhất, mâu thuẫn có thể chấm dứt hoạt động của nhóm, đe doạ sự tồn tại của nhóm.
Lập luận này đã đưa chúng ta trở lại vấn đề là những gì có tính chức năng và những gì là có tính phi chức năng. Nghiên cứu về mâu thuẫn đã đưa ra hai giả thuyết. Thứ nhất, mâu thuẫn ở mức độ cao thể hiện qua đấu tranh công khai và bạo lực hiếm khi có tính chức năng. Mâu thuẫn chức năng được đặt trưng bởi sự đối lập tinh tế và ở mức độ thấp và ôn hoà. Thứ hai, dạng hoạt động của nhóm là một yếu tố xác định tính chức năng của mâu thuẫn. Việc đưa ra quyết định của nhóm càng sáng tạo và không máy móc bao nhiêu, thì khả năng mâu thuẫn hữu ích càng lớn. Những nhóm phải giải quyết các vấn đề đòi hỏi những giải pháp mới – ví dụ, trong nghiên cứu hoặc trong quảng cáo – mâu thuẫn chức năng sẽ nhiều hơn những nhóm mà hoạt động được chương trình hoá cao độ, chẳng hạn, các đội làm việc trong dây chuyền lắp ráp ôtô.
Nguyễn Thị Thảo