0236.3650403 (221)

MẠNG LƯỚI XE BUÝT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG


Đỗ Văn Tính-Khoa QTKD

 

Xe buýt là một loại xe có bánh lớn, chạy bằng động cơ và được chế tạo để chở nhiều người ngoài lái xe. Thông thường xe buýt chạy trên quãng đường ngắn hơn so với những loại xe vận chuyển hành khách khác và tuyến xe buýt thường liên hệ giữa các điểm đô thị với nhau.

Hiện nay hệ thống mạng lưới xe buýt tại Đà Nẵng hiện nay có 5 tuyến chính:

Tuyến 1:KCN Hòa Khánh – chợ Hàn (15,5km/chiều): Tuyến này có 09 xe phục vụ, chạy theo lộ trình qua 37 trạm, lịch trình cách 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 15 phút/chuyến vào giờ bình thường. Các xe hoạt động từ 5 giờ đến 18h30 hàng ngày. Trong tuyến này, có 02 xe được hệ thống siêu thị BIGC tài trợ vé. Hành khách chỉ cần có phiếu mua hàng tại siêu thị BIGC Đà Nẵng sẽ có thể đi xe miễn phí.

Tuyến 2:Bến xe trung tâm – Hòa Khương (29km/chiều): Tuyến này có 08 xe phục vụ, chạy theo lộ trình qua 31 trạm, lịch trình cách 20 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 30 phút/chuyến vào giờ bình thường. Các xe hoạt động từ 5 giờ 30 đến 18 giờ hàng ngày.

Tuyến 3:xe buýt Đà Nẵng – Hội An (30km/chiều): Đây là tuyến xe buýt hỗ trợ người tàn tật, mỗi bến đều có cầu thang lên xuống cho người ngồi xe lăn. Tuyến có 08 xe phục vụ, lộ trình nối giữa 2 bến xe Đà Nẵng và Hội An, xuyên qua trung tâm thành phố Đà Nẵng; lịch trình 20 phút/chuyến. Các xe hoạt động từ 5 giờ 30 đến 18g30 hằng ngày.

Tuyến 4:xe buýt Đà Nẵng – Mỹ Sơn (60km/chiều): Tuyến này trực tiếp phục vụ du khách thăm quan khu di sản văn hóa Mỹ Sơn (Quảng Nam), có lộ trình xuất phát từ bến xe Đà Nẵng và ngược lại. Các xe hoạt động từ 5 giờ 30 đến 17 giờ hàng ngày, lịch trình 30 phút/chuyến.

Tuyến 5:xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ (70km/chiều): Tuyến này có lộ trình nỗi giữa bến xe Đà Nẵng và bến xe Quảng Nam, có đi vào các tuyến đường nối từ phía bắc về phía tây nam thành phố, lịch trình 30 phút/chuyến. Các xe hoạt động từ 5 giờ đến 17 giờ hàng ngày.

Hệ thống vé xe buýt được phân thành 2 loại chính: Vé lượt và vé tháng. Trong đó, vé lượt gồm loại vé có giá trị đi trong ngày và loại vé bán trước hay vé tập (có giá trị trong một thời hạn xác định, hành khách có thể mua một lần một lượng vé nhất định để đi dần trong thời hạn có hiệu lực. Hành khách có thể mua trực tiếp tại trạm bán vé, trên xe). Vé tháng là một thẻ có dán ảnh hay in ảnh (thẻ định danh), trên đó ghi các tuyến được phép đi. Hành khách chỉ cần trình thẻ này cho kiểm soát viên. Vé tháng gồm hai loại: Vé tháng đơn tuyến và vé tháng liên tuyến (đi được nhiều tuyến), cả hai loại này được phát hành cho mọi đối tượng theo quy định.

Mặc dù Đà Nẵng đang mạng lưới xe buýt bao phủ - lưu thông trên 5 tuyến, song hoạt động giao thông công cộng trên địa bàn TP còn manh mún, thiếu sự phối hợp hợp lý giữa quản lý và khai thác. Việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường là một trong những bước tiến mới trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành TP môi trường.

Sự cần thiết phát triển hệ thống mạng lưới xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng:

Cùng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế là quá trình gia tăng nhanh dân số, nhu cầu đi lại, dẫn đến sự gia tăng không ngừng phương tiện cá nhân cả về số lượng và chủng loại. Sự yếu kém của hạ tầng giao thông gây ra những hậu quả nghiêm trọng mang tính toàn cầu như tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông, sự khó khăn trong đi lại, ô nhiễm môi trường..., hiện nay tốc độ tăng trưởng ô tô bình quân ở Đà Nẵng là 12,3%/năm; tốc độ tăng trưởng mô tô bình quân 10,5%/năm. Sau 5 năm, số lượng phương tiện tăng gần xấp xỉ 2 lần. Sự bùng nổ sở hữu và sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân (ô tô cá nhân) mang lại nguy cơ tiểm ẩn cho giao thông đô thị của Đà Nẵng trong tương lai. Theo thống kê của UB an toàn giao thong thành phố, nhu cầu đi lại (dân cư > 6 tuổi) ở Đà Nẵng khoảng hơn 2,1 triệu chuyến/ngày; số chuyến đi bình quân/ngày là 2,62 chuyến. Đặc biệt, thời gian đi lại tích cực (từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày), nhất là vào thời gian cao điểm, chiều lưu lượng vượt trội; xe máy chiếm trên 80% tổng số phương tiện trong dòng giao thông. Trong khi đó, theo Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng, mạng lưới xe buýt Đà Nẵng hiện nay mới có 5 tuyến xe buýt nhưng chỉ có 1 tuyến nội thành; 4 tuyến còn lại hoạt động theo hình thức kế cận kết hợp với nội đô khiến mạng lưới có mức phủ tuyến, khả năng tiếp cận thấp. Cùng với đó là việc hiện nay có tới gần 10 doanh nghiệp vận tải cùng khai thác 1 tuyến, nảy sinh vấn đề phối hợp theo kế hoạch vận hành chung; việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá vé, quản lý, điều hành chưa được quản lý chặt chẽ; chất lượng dịch vụ chưa cao…   Do đó, phương án phát triển hệ thống mạng lưới xe buýt ở Đà Nẵng sẽ nhằm góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn và đây cũng là tiền đề để phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại (tàu điện, metro…) nhằm xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, hướng tới thành phố môi trường.

Thành phố cần hướng đến xây dựng hệ thống mạng lưới xe buýt an toàn, thông suốt, thân thiện môi trường và hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững. Đồng thời cần có lộ trình hướng tuyến, hệ thống quản lý và điều hành thông minh, nâng cấp các tuyến xe buýt cũ đang vận hành và sau đó sẽ mở thêm các tuyến mới. Nghiên cứu sử dụng loại xe cho phù hợp với giao thông Đà Nẵng. Song song với phương án liên quan tới địa điểm xây dựng các trạm dừng và nhà ga, Thành phố tiến hành khảo sát chọn vị trí xây dựng  nhà ga đầu và cuối, số lượng các trạm dừng đón và trả khách, kiến trúc các trạm dừng… Đồng thời, nghiên cứu những phương án tối ưu nhất để giảm dần số lượng phương tiện cá nhân nhằm thúc đẩy vận tải hành khách công cộng, hạn chế ùn tắc giao thông. Thực hiện bán vé lượt trên tuyến và vé tháng đơn tuyến. Song song với việc dùng vé giấy, sẽ tiến đến việc áp dụng thẻ thông minh thay cho vé giấy. Các loại vé này đều do Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng phát hành, quản lý và cấp phát cho doanh nghiệp xe buýt.