LÝ THUYẾT THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM
Đỗ Văn Tính – Khoa QTKD
Các khái niệm có liên quan
Việc làm
Đứng trên các góc độ nghiên cứu khác nhau, người ta đã đưa ra rất nhiều định nghĩa nhằm làm sáng tỏ: “Việc làm là gì”. Và ở các quốc gia khác nhau do ảnh hưởng của nhiều yếu tố (như điều kiện kinh tế, chính trị, luật pháp…) người ta quan niệm về việc làm cũng khác nhau. Chính vì thế không có một định nghĩa chung và khái quát nhất về việc làm.
Theo Điều 13, Bộ luật Lao động Việt Nam: “Mọi hoạt động tạo ra thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm”.
Trên thực tế việc làm nêu trên được thể hiện dưới 3 hình thức: Một là, làm công việc để nhận tiền lương, tiền công hoặc hiện vật cho công việc đó; Hai là, làm công việc để thu lợi cho bản thân mà bản thân lại có quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu (một phần hay toàn bộ) tư liệu sản xuất để tiến hành công việc đó; Ba là, làm các công việc cho hộ gia đ´nh mình nhưng không được trả thù lao dưới hình thức tiền lương, tiền công cho công việc đó. Bao gồm sản xuất nông nghiệp, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp do chủ hộ hoặc một thành viên khác trong gia đình có quyền sử dụng, sở hữu hoặc quản lý.
Theo quan điểm của Mac: “Việc làm là phạm trù để chỉ trạng thái phù hợp giữa sức lao động và những điều kiện cần thiết (vốn, tư liệu sản xuất, công nghệ,…) để sử dụng sức lao động đó). Sức lao động do người lao động sở hữu. Những điều kiện cần thiết như vốn, tư liệu sản xuất, công nghệ,… có thể do người lao động có quyền sở hữu, sử dụng hay quản lý.
Theo quan điểm của Mac thì bất cứ tình huống nào xảy ra gây nên trạng thái mất cân bằng giữa sức lao động và điều kiện cần thiết để sử dụng sức lao động đó đều có thể dẫn tới sự thiếu việc làm hay mất việc làm.
Theo khái niệm được đưa ra trong từ điển Tiếng Việt: “Việc làm là công việc được giao cho làm và được trả công” [tr.1076]. Khái niệm này tương đối rộng, tuy nhiên còn một thuật ngữ chưa mang tính phổ biến đó là mang tính chất công việc “được giao”. Người lao động hoàn toàn có thể tự tạo ra việc làm để có thu nhập mà không cần phải ai giao việc cho.
Theo giáo trình Kinh tế Lao động của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội [tr.19], khái niệm việc làm được hiểu là: “Trạng thái phù hợp về mặt số lượng và chất lượng giữa tư liệu sản xuất với sức lao động để tạo ra hàng hóa theo nhu cầu của thị trường”. Hiểu rộng ra có thể gọi việc làm là hoạt động có ích (sản xuất, dịch vụ, nghiên cứu, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật quản lý,….) tạo ra/có thu nhập.
Theo Đại từ điển Kinh tế thị trường: “Việc làm là hành vi của nhân viên, có năng lực lao động thông qua hình thức nhất định kết hợp với tư liệu sản xuất để được thù lao hoặc thu nhập kinh doanh”.
Từ các quan điểm trên tác giả thống nhất với khái niệm: Việc làm là hoạt động lao động của các cá nhân trong xã hội nhằm mục đích tạo ra thu nhập (được trả công bằng tiền, hiện vật, trao đổi công; tự làm để tạo thu nhập, tạo lợi ích cho gia đình không hưởng tiền công/lương).
Phân loại việc làm
Có nhiều cách nhìn nhận và phân loại việc làm nhưng cơ bản là đứng trên góc độ chủ thể hoạt động của việc làm là người lao động. Những hoạt động của người lao động thể hiện hình thức, tính chất, đặc điểm, yêu cầu và cả xu hướng của việc làm. Việc làm vì thế có thể phân loại theo chủ thể hoạt động lao động là người lao động và chủ thể tạo việc làm trong nền kinh tế.
Người có việc làm, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO): “Người có việc làm là những người đang làm một việc gì đó được trả tiền công hoặc những người tham gia vào các hoạt động mang tính chất tự thoả mãn lợi ích thay thế thu nhập của gia đình”.
Theo Tổng cục Thống kê: “Người có việc làm là những người đang làm việc trong thời gian quan sát và những người trước đó có việc làm nhưng hiện đang nghỉ tạm thời vì các lý do như ốm đau, đình công, nghỉ hè, lễ trong thời gian sắp xếp lại sản xuất do thời tiết xấu, máy móc hư hỏng…”. Người có việc làm có thể chia thành 2 nhóm là người đủ việc làm và người thiếu việc làm.
Người đủ việc làm là người có số giờ làm việc trong tuần lễ tham khảo lớn hơn hoặc bằng 36 giờ; hoặc những người làm việc có số giờ nhỏ hơn 36 giờ nhưng bằng hoặc lớn hơn số giờ chế độ quy định đối với các công việc nặng nhọc, độc hại. Người thiếu việc làm là người có số giờ làm việc trong tuần lễ tham khảo dưới 36 giờ; hoặc ít hơn số giờ theo chế độ quy định đối với các công việc nặng nhọc, độc hại.
Theo hoạt động của mỗi cá thể người lao động việc làm có thể chia thành: việc làm chính, việc làm phụ.
Việc làm chính: là công việc mà người lao động dành nhiều thời gian nhất so với công việc khác.
Việc làm phụ: là việc mà người thực hiện dành nhiều thời gian nhất sau công việc chính.
Trong trường hợp việc làm chính và phụ có thời gian bằng nhau thì việc làm nào có thu nhập cao hơn được xem là việc làm chính.
Theo phân loai của Cục điều tra thực trạng việc làm và thất nghiệp hằng năm của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội phân ra thành: Khu vực hành chính: cơ quan tổ chức hành chính Nhà nước (các cấp Bộ/Ban/Ngành ỏ Trung ương, Tỉnh, Huyện, Xã,…); Khu vực sự nghiệp: các đơn vị sự nghiệp (giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, truyền thông, thể thao,…) gồm cả công lập, bán công, tư thực, dân lập; Khu vực cộng đồng: các cơ quan Đảng, Đoàn, tổ chức chính trị, các hiệp hội; Khu vực sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trong nước: các doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; Khu vực hợp tác xã: hiện đang hoạt động theo Luận Hợp tác xã; Khu vực kinh tế hộ: kinh tế cá thể, hộ gia đình; Khu vực có yếu tố nước ngoài: việc làm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong các cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài khác.
Các chỉ tiêu đo lường
Tỷ lệ người có việc làm: là tỷ lệ % của số người có việc làm so với dân số hoạt động kinh tế.
Tỷ lệ người có việc làm đầy đủ: là tỷ lệ % của số người có việc làm đầy đủ so với dân số hoạt động kinh tế. Dân số hoạt động kinh tế (DSHĐKT) là một bộ phận dân số cung cấp hoặc sẵn sàng cung cấp sức lao động cho sản xuất của cải vật chất và dịch vụ.
DSHĐKT = Những người đang làm việc + Những người thất nghiệp
Những người đang làm việc = Những người trong độ tuổi lao động + ngoài độ tuổi lao động đang tham gia làm việc trong các ngành của nền kinh tế quốc dân.
Những người thất nghiệp là những người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, có nhu cầu tìm việc nhưng hiện tại chưa tìm được việc.
Thị trường lao động
Có rất nhiều khái niệm về thị trường lao động, mỗi một thị trường lao động lại có những đặc điểm riêng của mình. Thị trường lao động khác biệt so với thị trường hàng hóa ở chỗ, nó thể hiện phần lớn những biểu hiện kinh tế xã hội của cả xã hội và có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển của nó. Vì vậy, thị trường lao động của Mỹ, Nhật, Tây Âu, Nga, Trung Quốc và Việt Nam có rất nhiều khác nhau.
Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì: “Thị trường lao động là thị trường trong đó có các dịch vụ lao động được mua và bán thông qua quá trình để xác định mức độ có việc làm của lao động, cũng như mức độ tiền công”. Khái niệm này nhấn mạnh đến các dịch vụ lao động được xác định thông qua việc làm được trả công.
Các nhà khoa học Mỹ cho rằng: “… Thị trường mà đảm bảo việc làm cho người lao động và kết hợp giải quyết trong lĩnh vực việc làm, thì được gọi là thị trường lao động” ; hoặc, “… Thị trường - đó là một cơ chế, mà với sự trợ giúp của nó hệ số giữa người lao động và số lượng chỗ làm việc được điều tiết”.
Các nhà khoa học kinh tế Nga thì lại cho rằng: “Thị trường lao động được hiểu như một hệ thống quan hệ xã hội, những định mức và thể chế xã hội (trong đó có cả pháp luật), đảm bảo cho việc tái sản xuất, trao đổi và sử dụng lao động”; Hoặc: Hệ thống những quan hệ được hình thành trên cơ sở giá trị giữa những người sử dụng lao động (sở hữu tư liệu sản xuất) và những người làm thuê (sở hữu sức lao động) về vấn đề trước nhất là thoả mãn cầu lao động và vấn đề tiếp theo là làm thuê như nguồn phương tiện để tồn tại”.
“Thị trường lao động - đó là một dạng đặc biệt của thị trường hàng hóa, mà nội dung của nó là thực hiện vấn đề mua và bán loại hàng hóa có ý nghĩa đặc biệt - sức lao động, hay là khả năng lao động của con người. Như một phạm trù kinh tế thị trường sức lao động thể hiện quan hệ kinh tế giữa một bên là người làm chủ hàng hóa này, sở hữu sức lao động - người bán nó và bên kia, với người sở hữu vốn - mua sức lao động”.
Theo các nhà khoa học kinh tế Việt Nam khái niệm này còn đa dạng và phong phú hơn nhiều: “Thị trường lao động là toàn bộ các quan hệ lao động được xác lập trong lĩnh vực thuê mướn lao động (nó bao gồm các quan hệ lao động cơ bản nhất như thuê mướn và sa thải lao động, tiền lương và tiền công, bảo hiểm xã hội, tranh chấp lao động...), ở đó diễn ra sự trao đổi, thoả thuận giữa một bên là người lao động tự do và một bên là người sử dụng lao động”..
“Thị trường lao động (hoặc thị trường sức lao động) là nơi thực hiện các quan hệ xã hội giữa người bán sức lao động (người lao động làm thuê) và người mua sức lao động (người sử dụng sức lao động), thông qua các hình thức thoả thuận về giá cả (tiền công, tiền lương) và các điều kiện làm việc khác, trên cơ sở một hợp đồng lao động bằng văn bản, bằng miệng, hoặc thông qua các dạng hợp đồng hay thoả thuận khác”.
“Thị trường “sức lao động” là nơi thể hiện quan hệ xã hội giữa người lao động làm thuê và người thuê mướn lao động thông qua sự điều chỉnh giá cả tiền công”. “Thị trường lao động biểu hiện mối quan hệ giữa một bên là người có sức lao động và bên kia là người sử dụng sức lao động nhằm xác định số lượng và chất lượng lao động sẽ đem ra trao đổi và mức thù lao tương ứng”.
Bất kỳ khái niệm nào đều có những khía cạnh đúng. Chúng tôi trích dẫn trên đây chỉ một vài trong số nhiều khái niệm để nhấn mạnh tính phức tạp của chính khái niệm “thị trường lao động”, cùng với tính đa dạng và sự đặc biệt của nó. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, phương pháp tiếp cận của một vài tác giả trên đây sẽ dẫn đến sẽ đánh giá sai lệch một cách nghiêm trọng những tình huống đang xuất hiện trong lĩnh vực việc làm và triển vọng hình thành, phát triển của thị trường lao động trong nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ sang quan hệ thị trường.
Từ đó, trong khái niệm “Thị trường lao động” chúng tôi thấy cần thiết phải bổ sung thêm, dựa vào những gì thị trường lao động tồn tại và nó hoạt động trong bối cảnh không gian nào.
Khái niệm “Thị trường lao động” mà nhà khoa học kinh tế Nga Kostin Leonit Alecxeevich đưa ra là tương đối đầy đủ: “Thị trường lao động - đó là một cơ chế hoạt động tương hỗ giữa người sử dụng lao động và người lao động trong một không gian kinh té xác định, thể hiện những quan hệ kinh tê' và pháp lý giữa họ với nhau”. Hay nói chi tiết hơn, thị trường lao động là tập hợp những quan hệ kinh tế, pháp lý, xuất hiện giữa người sở hữu sức lao động (người lao động) và người sử dụng nó (người thuê lao động) về vấn đề chỗ làm việc cụ thể, nơi và hàng hóa và dịch vụ sẽ được làm ra.
Đối với người nắm giữ sức lao động sẽ được tạo ra cơ hội để nhận chỗ làm việc, nơi mà anh ta có thể làm việc, thể hiện khả năng, và nhận thụ nhập để tái sản xuất sức lao động của mình.
Đối với người thuê lao động sẽ có cơ hội tăng lợi nhuận kinh tế. Trên thị trường sẽ hình thành những quan hệ việc làm. Vì vậy, nó xác định nội dung đích thực của thị trường lao động như thị trường việc làm.
Các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng việc làm
Chọn cho mình một nơi làm việc phù hợp là đã tạo nên thành công trong tương lai. Và trong cuộc sống có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình định hướng chọn việc làm của bất kỳ một sinh viên nào.
Sự hấp dẫn của địa phương
Mỗi địa phương có một vị trí, đặc điểm và các thế mạnh khác nhau để thu hút các nguồn nhân lực từ các nơi khác đến. Chính vì thế, thu hút nguồn nhân lực là một chính sách được rất nhiều địa phương quan tâm thực hiện trong những năm gần đây
nhằm nâng con chất lượng đôi ngũ cán bộ công chức, đáp ứng được yêu cầu quản lý trong thời kỳ mới.
Những thành phố lớn là nơi thu hút được rất nhiều lao động từ trình độ thấp đến trình độ cao vì ở đây có nhiều khu công nghiệp, công ty,…nên nhu cầu về nguồn nhân lực là rất lớn. Do đó, cơ hội việc làm ở đây là rất cao. Bên cạnh đó yếu tố thu nhập được người lao động quan tâm nhất. Một trong những lý do các thành phố này thu hút được một số lượng lớn nhân lực là vì có sự hấp dẫn về chế độ đãi ngộ về cả vật chất lẫn tinh thần. Với mức lương cao sẽ khuyến khích người tài cống hiến sức lực.
Cơ sở hạ tầng vui chơi, giải trí là một đặc điểm có thể thu hút nguồn nhân lực trẻ. Sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi là khoảng thời gian được thư giãn vui chơi cùng bạn bè, gia đình và người thân. Vì thế nhu cầu về vui chơi, giải trí là một nhu cầu thiết yếu về tinh thần của bản thân. Ví dụ như Tp Hồ Chí Minh, một thành phố đông đúc nhất ở Việt Nam, có rất nhiều địa điểm vui chơi, giải trí thu nên thu hút được rất nhiều lao động từ trên khắp đất nước về đây sinh sống và làm việc.
Môi trường làm việc
Môi trường làm việc là một trong những yếu tố thu hút nhiều nhân tài từ nhiều nơi về để phục vụ cho công ty, giúp công ty phát triển. Nó góp phần tạo nên sự thành công của công ty. Một môi trường làm việc tốt sẽ kích thích nhân viên hăng hái trong công việc, tạo tâm lý thoải mái để làm việc. Nó gắn liền với các đặc điểm sau: hỗ trợ không kịp thời và công bằng của cấp quản lý; công việc nặng nhọc; hỗ trợ liên quan đến gia đình (nhà tập thể), và thiếu dụng cụ hỗ trợ làm việc. Nhân viên được làm việc trong một môi trường năng động, trang thiết bị phục vụ cho công việc tốt sẽ tạo nên sự hài lòng trong bản thân của mỗi nhân viên. Từ đó có thể làm hiệu suất làm việc tăng lên. Môi trường làm việc và học tập tốt hơn sẽ giúp họ có cơ hội nâng cao trình độ học vấn hoặc chuyên môn.
Năng lực bản thân
Sự nghiệp của bạn sẽ thăng hoa nếu bạn được làm công việc mình yêu thích. Và hiểu rõ về năng lực bản thân sẽ giúp chúng ta biến mọi cố gắng trở thành hiện thực.
Phải trả lời thật chính xác những câu hỏi cơ bản nhất về chính mình cũng như những vấn đề tâm lý có liên quan. Việc tìm hiểu về năng lực của cá nhân như chỉ số thông minh IQ, chỉ số sáng tạo CQ, chỉ số cảm xúc EQ hay những khả năng cụ thể khác như sắc giác, chú ý (sức tập trung, sức phân phối…), quan sát, tư duy không gian, trí nhớ sơ đồ, tưởng tượng sáng tạo, ngôn ngữ… là những yêu cầu tối quan trọng. Tuy vậy, điều quan trọng không kém là phải xác định thực sự được khả năng học tập, khả năng và tố chất của cá nhân. Khả năng này là khả năng triển vọng chứ không phải là điểm số thực tế học tập.
Năng khiếu của mỗi người là khác nhau và cùng bộc lộ một cách khác nhau. Đây có thể coi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chọn trường, chọn nghề của bạn.
Dù học bất cứ ngành nghề lĩnh vực nào đi nữa thì mỗi bạn sinh viên cũng cần tạo cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc thì mới có thể làm tốt công việc của mình. Tạo cho bản thân một niềm đam mê công việc, một sự nhiệt tình khao khát thể hiện bản thân. Sinh viên ngoài những kiến thức được học trên lớp còn những kĩ năng cả trong công việc và cuộc sống. Nó cũng là một trong những nhân tố không thể nào thiếu khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. Sinh viên có thể học các kĩ năng này bất kì đâu. Trong hoạt động giao tiếp hàng ngày, trong các tổ chức, trong các hoạt động chung của trường (trong các câu lạc bộ, các cuộc thi,..). Tất cả đều tạo cho sinh viên những kĩ năng, sự tự tin và khả năng thích ứng với công việc và môi trường mới.
Bên cạnh một kiến thức chuyên môn sâu và chắc chắn các bạn cần có phải có kiến thức về ngoại ngữ, tin học, khả năng làm việc theo nhóm, kĩ năng làm việc, cách trình bày diễn đạt tự tin, đam mê nghề nghiệp. Đó thật sự và không thể thiếu đòi hỏi các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Điều đó có thể nhận thấy trong thực tế hiện nay khi năm 2011 cả nước có 63% sinh viên ra trường thất nghiệp vì thiếu kỹ năng làm việc. Khó có bạn sinh viên nào khi ra trường lại chỉ cầm một tấm bằng đại học duy nhất bên cạnh tấm bằng đại học các bạn cần có thêm tấm bằng tiếng anh với chuẩn mực quốc tế, mọi kiến thức vững về tin học để có thể làm việc bằng máy tính. Chỉ có vậy sinh viên mới có cơ hội kiếm cho mình những việc làm theo như mong ước của mình.
Không ai hiểu bạn hơn chính bản thân bạn, người đã can đảm chọn đúng mục tiêu đời mình. Bạn sẽ không bao giờ thất vọng với việc học nếu các bạn đã xác định được mục tiêu của mình là học cái gì và học để làm gì. Và cá nhân phải biết mình là người có tính cách như: kiềm chế, trung thực, bảo mật, gan dạ, dũng cảm, cẩn thận … để hướng đến những nghề nghiệp phù hợp.
Tác giả tổng hợp từ:
1. Nguyễn Quang Hiển: “Thị trường lao động thực trạng và giải pháp, Nhà xuất bản thống kê 2009.
2. Nguyễn Quang Hiển: “Xu hướng vận động của thị trường lao động nước ta”. Tạp chí kinh tế dự báo số 1/2011.
3. Trần Đình Hoan và Lê Mạnh Khoa: “Sử dụng nguồn lao động và giải quyết việc làm ở Việt nam” Nhà xuất bản - Hà nội 2013.
4. Trần Minh Trung: “Để có việc làm cho người lao động”. Tạp chí thương mại, 12/2015
5. Một số nhiệm vụ và giải pháp có tính chiến lược về lao động xã hội. Đề tài cấp bộ - Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội 2014.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Giáo trình kinh tế chính trị Mác- Lênin, Dùng cho các khối ngành không chuyên kinh tế - Quản trị kinh doanh trong các trường đại học, cao đẳng, Nxb Giáo dục, Hà Nội.