LÝ THUYẾT CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN NGUỒN VỐN FDI
Có nhiều lý thuyết cố gắng giải thích các yếu tố quyết định đến thu hút dòng vốn FDI. Những lý thuyết này là bước đi quan trọng hướng tới sự phát triển của một khuôn khổ hệ thống cho sự xuất hiện của FDI.
Những nỗ lực đầu tiên để giải thích lý do tại sao FDI tồn tại và gia tăng trong những năm 1960. Trước thời điểm này, FDI như là mô hình hóa một phần của lý thuyết tân cổ điển, như Dunning (1981) và có hai vấn đề chính khi xem xét FDI theo lý thuyết này. Đầu tiên, FDI gia tăng là do sự chuyển nhượng vốn và quan trọng nhất là nó liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, kỹ năng tổ chức và quản lý. Thứ hai, các nguồn lực được chuyển giao trong công ty chứ không phải là giữa hai bên độc lập trên thị trường, như trường hợp đối với vốn. Những yếu tố này làm cho FDI có những lý thuyết riêng có, với những lý thuyết cơ bản thường được trích dẫn như: hoạt động quốc tế của các công ty đa quốc gia của Hymer (1960); lý thuyết vòng đời sản phẩm của Vernon (1966), lý thuyết theo chiều ngang và theo chiều dọc của Cave (1971); lý thuyết quốc tế của Buckley và Casson (1976); lý thuyết chiết trung của Dunning (1977); lý thuyết chiến lược FDI của Graham (1978).
Giả thuyết về FDI tăng trưởng theo định hướng xảy ra khi sự tăng trưởng của nền kinh tế nước chủ nhà trên cơ sở dòng vốn FDI. Lý thuyết kinh tế cung cấp các lý do khác nhau liên quan đến công ty đa quốc gia quyết định đầu tư vào các nước. Cụ thể, công ty đa quốc gia quyết định thành lập công ty con tại các nước và họ cố gắng xâm nhập vào các thị trường lớn hơn, nhằm mục đích để tận dụng lợi thế của yếu tố chi phí sản xuất thấp hoặc để có được quyền khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, công ty đa quốc gia được xác định là hoạt động với một số đặc điểm cụ thể về quyền sở hữu, kiểm soát và quản lý của các đơn vị sản xuất trong quốc gia khác nhau (Zhang, 2001). Vì vậy, khi thiết lập công ty đa quốc gia của FDI theo chiều dọc, họ cố gắng xâm nhập vào nguồn nguyên liệu giá rẻ hoặc chi phí lao động thấp. Do đó, FDI theo chiều dọc được gây ra bởi yếu tố chênh lệch giá. Trái ngược với FDI theo chiều dọc, FDI theo chiều ngang được xuất hiện bởi thị trường quan trọng hơn là yếu tố giá (Moudatsou, 2001). Kết quả là, FDI xuất phát ở nước đi đầu tư đã cải thiện điều kiện sản xuất và hoạt động kinh tế ở nước nhận đầu tư. Vì thế, các hoạt động kinh tế ở nước nhận đầu tư càng tốt càng khuyến khích thu hút lượng FDI nhiều hơn. Các điều kiện gồm: cơ sở hạ tầng được cải thiện, nguồn nhân lực có trình độ và quy mô thị trường (Zhang, 2001). Với việc gia tăng nguồn thu cho ngân sách, có nhiều cơ hội tạo ra và nâng cao lợi nhuận. Kết quả tạo điều kiện giúp tăng dòng vốn FDI nhiều hơn, vì vậy đây là trường hợp của tăng trưởng theo định hướng FDI (Moudatsou, 2001).
Zhang (2001) lập luận rằng động lực của FDI cũng cần thiết trong việc giải thích giả thuyết về FDI tăng trưởng theo định hướng. Chẳng hạn, FDI vào thị trường tìm kiếm xảy ra khi tập đoàn đa quốc gia thành lập doanh nghiệp ở các nước khác. Động cơ này được tạo ra bởi tiếp cận thị trường ở nền kinh tế nước chủ nhà trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác quy mô kinh tế. Động lực của FDI là FDI định hướng xuất khẩu bởi sự khác biệt về yếu tố giá, chẳng hạn như mức lương thấp, cùng với vốn và cơ sở hạ tầng. Vì vậy, phát triển quy mô thị trường, cải thiện nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc thu hút FDI. Kết quả này dẫn đến FDI tăng trưởng theo định hướng. Nói cách khác, quy mô thị trường của nền kinh tế nước nhận đầu tư (được đo bằng GDP) là yếu tố khuyến khích công ty đa quốc gia tăng cường đầu tư (Zhang, 2001). Mức độ cao của tổng cầu, được tạo ra bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế, dẫn đến kích thích nhu cầu cao hơn cho các khoản đầu tư và sau đó thu hút dòng vốn FDI nhiều hơn.
Để bắt kịp tốc độ tăng trưởng hiệu quả của các dự án FDI, các nền kinh tế nên cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi và phải đạt mức tối thiểu của phát triển kinh tế. Điều này phản ánh giả thuyết cho rằng tăng trưởng kinh tế cao hơn tạo ra dòng vốn FDI nhiều hơn (Nunnenkamp và Spatz, 2004). Lean (2008) lập luận rằng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ ảnh hưởng đến khả năng của nền kinh tế nước nhận đầu tư trong việc thu hút dòng vốn FDI. Điều này cũng được ủng hộ bởi Dowling và Hiemenz (1982). Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nói chung sẽ tạo ra sự thiếu hụt vốn trong nền kinh tế chủ nhà và do đó các nền kinh tế chủ nhà sẽ yêu cầu nhiều vốn FDI hơn bằng cách cung cấp các điều khoản thuận lợi hấp dẫn, ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là trường hợp tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, những người có ý định đầu tư vào các nền kinh tế ở nước tiếp nhận đầu tư.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cùng với sự gia tăng thu nhập bình quân sẽ tạo ra cơ hội để thu hút FDI. Những cơ hội không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất, mà còn trong các lĩnh vực tiêu dùng và các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tiện ích của các nền kinh tế chủ nhà. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng và trình độ phát triển kinh tế ở nước nhận đầu tư là yếu tố quan trọng trong việc xác định số lượng, chủng loại, cấu trúc của dòng vốn FDI (Lean, 2008).
LÊ HOÀNG THIÊN TÂN