0236.3650403 (221)

Lợi ích trong hoạt động kinh doanh phái sinh tiền tệ của Ngân hàng thương mại


1  Phòng ngừa rủi ro ngoại hối cho NHTM

            Rủi ro ngoại hối là rủi ro thường thấy trong hoạt động của ngân hàng. Loại rủi ro này có thể làm tăng chi phí vay nợ của ngân hàng (trong trường hợp tỉ giá tăng) hoặc có thể làm giảm kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng (trong trường hợp tỉ giá giảm). Các công cụ phái sinh tiền tệ là những công cụ hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro trên. Mặt khác, công cụ phái sinh có thể cho ngân hàng xác định được trước và chính xác chi phí vay nợ, từ đó có thể xác định được trước kết quả kinh doanh để lên kế hoạch cho phù hợp.

            Các ngân hàng thường kết hợp sử dụng các hợp đồng phái sinh tiền tệ với nhau để phòng ngừa được rủi ro tỉ giá bất lợi cho mình và kiếm lời từ chênh lệch tỉ giá. Hơn nữa, các công cụ phái sinh tiền tệ còn đảm bảo số lượng ngoại tệ bất thường cho ngân hàng, giúp ngân hàng giữ vững tính thanh khoản của mình. Ngân hàng có thể sử dụng các công cụ phái sinh như quyền chọn, kỳ hạn, tương lai, hoán đổi tiền tệ để tự phòng ngừa rủi ro tỉ giá.

            Nhìn chung, các công cụ phái sinh tiền tệ mang lại cho ngân hàng nhiều sự lựa chọn hơn trong việc phòng ngừa rủi ro. Nếu có thể kết hợp sử dụng các hợp đồng phái sinh tiền tệ, ngân hàng có thể phòng ngừa được rủi ro tỉ giá tại một mức chi phí hợp lí.

2 Cung cấp dịch vụ bảo hiểm rủi ro cho khách hàng

            Giống như ngân hàng, các doanh nghiệp cũng đứng trước những rủi ro như lãi suất, tỷ giá, tín dụng. Công cụ phái sinh là một trong những phương tiện rất hiệu quả giúp doanh nghiệp phòng chống các loại rủi ro này. Tuy nhiên, do đối tượng của doanh nghiệp nhắm tới khi sử dụng các công cụ phái sinh không chỉ đơn thuần là tiền tệ, mà còn là hàng hóa; và quan hệ trao đổi giữa các doanh nghiệp (trong nước với nhau, trong nước và ngoài nước) cũng phức tạp hơn cho nên cách nhìn nhận vai trò của công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro, đầu cơ ở doanh nghiệp cũng phong phú hơn. Đứng trước nhu cầu lớn về sử dụng các công cụ phái sinh để phòng vệ cũng như đầu cơ của các doanh nghiệp, ngân hàng có thể thu được lợi nhuận khi cung cấp cho doanh nghiệp các dịch vụ phái sinh tiền tệ, lãi suất, tỉ giá. Thứ nhất, ngân hàng có thể thu phí từ hoạt động tư vấn cho khách hàng về cách sử dụng các loại hình dịch vụ phái sinh của ngân hàng. Thứ hai, ngân hàng có thể thu lợi trực tiếp từ các hợp đồng đó, như là phí quyền chọn, phí hợp đồng tương lai. Ngoài ra, việc tham gia cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp sẽ khiến các ngân hàng nâng cao được khả năng chuyên môn của mình để áp dụng cho các danh mục đầu tư khác đồng thời cũng thúc đẩy các nghiệp vụ khác phát triển. Tuy nhiên, mọi loại hình dịch vụ và kinh doanh của ngân hàng liên quan tới công cụ phái sinh ngoài thu phí lấy lãi ra thì đều mang tính chất bảo hiểm rủi ro.

Khi bản thân các công cụ phái sinh cũng tiềm ẩn rủi ro cho các bên tham gia, ngân hàng có thể sẽ nhận rủi ro khi cung cấp các dịch vụ phái sinh cho khách hàng. Tuy nhiên, ngân hàng là một chủ thể tài chính có những ưu thế nhất định để có thể xóa bỏ những rủi ro đơn lẻ bằng việc đa dạng hóa danh mục. Trong trường hợp ngân hàng không thể tự lập được một vị thế bù lại dịch vụ phái sinh đã cung cấp, nó có thể chỉ đóng vai trò là trung gian và tìm một đối tác khác để chuyển nhượng lại rủi ro này. Chính vì vậy mà nhìn chung, việc cung cấp các dịch vụ công cụ phái sinh tại ngân hàng thường mang lại cho ngân hàng những khoản thu nhập khác hơn là gánh lấy rủi ro.

3 công cụ quan trọng cho mục đích đầu cơ của các NHTM

            Đầu cơ vào các công cụ phái sinh là tham gia vào một vị thế trong hợp đồng phái sinh nhằm hưởng lợi trên sự biến đổi về giá trị của tài sản cơ sở. Các công cụ phái sinh nhằm mục đích đầu cơ của NHTM chủ yếu là hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn:

            - Đầu cơ hợp đồng tương lai:NHTM có thể dùng hợp đồng tương lai lãi suất, tương lai chỉ số chứng khoán, tương lai tiền tệ để tiến hành hoạt động đầu cơ sinh lợi của mình. Trong đó tương lai lãi suất khá tương đồng với tương lai tiền tệ, đều dựa trên suy đoán của ngân hàng về độ tăng giảm lãi suất cũng như tỉ giá trong tương lai. Còn các giao dịch tương lai chỉ số chứng khoán lại dựa trên dự đoán về động thái thị trường chứng khoán nói chung nhằm thu lợi nhuận. Thông thường thì giao dịch này được sử dụng khi NHTM không có tiền mặt mua chứng khoán ngay. Với mức tiền mặt eo hẹp, NHTM vẫn có thể đầu cơ vào sự biến động chỉ số chứng khoán nhằm thu lợi nhuận.

            - Đầu cơ quyền chọn mua:NHTM đóng vai trò là bên mua trong hợp đồng quyền chọn mua nếu dự đoán rằng giá của tài sản cơ sở sẽ tăng trong tương lai. Trong trường hợp này, NHTM với tư cách là bên mua trong hợp đồng quyền chọn mua sẽ được cho vay một khoản tiền để mua tài sản cơ sở. Khi hợp đồng đáo hạn, bên mua sẽ phải thanh toán các khoản lỗ ròng và hoàn trả lại số tiền ban đầu đã được cho vay (có thể kèm theo lãi). Khoản vay để bên mua tham gia vào hợp đồng quyền chọn tương tự như khoản vay để mua tài sản cơ sở theo cơ chế giao dịch đòn bẩy. Vì vậy, quyền chọn mua còn được gọi là công cụ đầu tư đòn bẩy. Hơn nữa, theo tính toán thì đầu tư vào quyền chọn mua mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn khi giá tài sản cơ sở trên thị trường tăng và tổn thất ít hơn khi giá tài sản cơ sở trên thị trường giảm. Chính điều này đã khiến quyền chọn mua trở thành một công cụ đầu tư mạnh mẽ hơn cả bản thân tài sản cơ sở. Ngược lại, NHTM có thể đóng vai trò là bên bán trong hợp đồng quyền chọn khi dự đoán giá cả của tài sản cơ sở sẽ giảm trong tương lai. Khi đó, lãi của NHTM là khoản phí quyền chọn thu được từ khách hàng. Khác với hợp đồng tương lai, số lỗ và lãi của hợp đồng là rất lớn, không thể biết trước, nếu NHTM đầu cơ vào hợp đồng quyền chọn mua, thì có thể giới hạn được số lỗ tối đa của mình. Ngoài ra, NHTM có thể sử dụng kết hợp hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn với nhau cũng nhằm mục đích đầu cơ sinh lợi nhuận.

                                                                                               

                                                                                                ThS. Lê Phúc Minh Chuyên