LIÊN MINH CHIẾN LƯỢC VÀ CHIẾN LƯỢC THUÊ NGOÀI TRONG QUẢN TRỊ CHIẾN LƯỢC
1. Chiến lược thuê ngoài (outsourcing): thu hẹp quy mô hoạt động
Nhà quản trị cần cân nhắc đến chiến lược thuê ngoài bất cứ khi nào:
- Một hoạt động có thể được xử lý tốt hơn với chi phí thấp hơn bởi các chuyên gia bên ngoài.
- Một hoạt động không phải là thiết yếu đối với khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững của công ty vàkhông làm mất đi năng lực cốt lõi hoặc bí quyết kĩ thuật của công ty đó.
- Việc thuê ngoài làm cải thiện tính linh động của tổ chức và tiết kiệm thời gian kinh doanh.
- Việc thuê ngoài giúp giảm thiểu các nguy cơ về thay đổi công nghệ và/hoặcsở thích khách hàng.
- Việc thuê ngoài cho phép công ty tập trung vào các hoạt động kinh doanh chủ chốt, nâng cao các nguồn lực quan trọng và năng lực cốt lõi, do đó giúp công ty làm tốt hơn đối với những vấn đề công ty vốn đã làm rất tốt.
- Rủi ro lớn đối với chiến lược thuê ngoài Mối nguy hiểm lớn nhất đối với chiến lược thuê ngoài đó là việc một công ty chọn sai các hoạt động cần thuê ngoài do đó làm mất đi năng lực của chính công ty mình. Trong các trường hợp như vậy, một công ty hoàn toàn có thể bị đánh cắp những hoạt động và kiến thức quan trọng, những yếu tố quyết định sự thành công trong tương lai của công ty.
2. Liên minh chiến lược và hợp tác kinh doanh
Công ty thuộc tất cả các ngành nghề có quyền lựa chọn để hợp thành liên minh chiến lược hoặc hợp tác cùng kinh doanh để bổ sung cho nguồn lực và năng lực còn thiếu và tăng cường sức mạnh cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Một liên minh chiến lược là sự đồng thuận của hai hoặc nhiều công ty đơn lẻ mà sự đồng thuận này được xem là phù hợp về mặt hợp tác chiến lược, cùng nhau đóng góp nguồn lực, chia sẻ rủi ro, công tác quản lý và phụ thuộc lẫn nhau.
Một liên doanh là việc hợp tác giữa hai hay nhiều công ty để thành lập và quản lý một thực thể kinh doan mới.
- Lý do thất bại của liên minh chiến lược và hợp tác kinh doanh
Phần lớn các liên minh chiến lược có mục tiêu chia sẻ công nghệ hoặc giúp đỡ tiếp cận thị trường thường chỉ xảy ra trong một giai đoạn rất ngắn, trong khoảng một vài năm vì mục đích tạo lập nên liên minh chiến lược đã được thỏa mãn, đôi bên cùng có lợi.
Một số lượng lớn các liên minh chiến lược khác thương không bao giờ thích ứng với kì vọng. Tỉ lệ đổ vỡ của các liên minh chiến lược này thường do một số nguyên nhân, một số nguyên nhân thường gặp có thể là:
- Chia rẽ trong mục tiêu và các vấn đề ưu tiên hàng đầu.
- Không thể làm việc chung.
- Môi trường thay đổi khiến cho mục tiêu ban đầu của liên minh trở nên lạc hậu.
- Sự phát triển của công nghệ mới hấp dẫn hơn.
- Các liên minh trên thị trường cạnh tranh lẫn nhau.
- Những nguy cơ dễ phát sinh trong liên minh chiến lược phụ thuộc về nguồn lực và năng lực
Gót chân Achilles của chiến lược liên minh và hợp tác đó là một công ty trở nên phụ thuộc vào các công ty khác về chuyên môn và nguồn lực.Để trở thành công ty dẫn đầu trên thị trường (và ít ra cũng là một địch thủ đáng gờm trên thị trường), nhà quản trị doanh nghiệp phải biết cách phát triển nguồn lực và năng lực của chính doanh nghiệp trong những khu vực mà việc kiểm soát chiến lược nội bộ là cực kì quan trọng để duy trình và xây dựng sức mạnh và lợi thế cạnh tranh.
ThS. Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD