0236.3650403 (221)

LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA HỆ THỐNG JUST-IN-TIME


JIT là viết tắt của Just - In - Time có nghĩa là đúng lúc hoặc kịp thời, mục đích của hệ thống sản xuất này đó là sản xuất đúng chủng loại sản phẩm với đúng số lượng tại đúng nơi và vào đúng thời điểm. Trong sản xuất hay dịch vụ, mỗi công đoạn của quy trình sản xuất sẽ tạo ra một số lượng đúng bằng số lượng mà công đoạn sản xuất tiếp theo cần tới. Nói cách khác, JIT là hệ thống sản xuất trong đó các luồng nguyên vật liệu, hàng hoá và sản phẩm cần đến trong quá trình sản xuất và phân phối được lập kế hoạch một cách chi tiết sao cho quy trình tiếp theo có thể thực hiện ngay khi quy trình hiện thời chấm dứt. Qua đó, không có hạng mục nào rơi vào tình trạng để không, chờ xử lý, công nhân hay thiết bị không phải chờ đợi. Bất kỳ sự chậm trễ không cần thiết hay tồn kho trong quá trình sản xuất là lãng phí, vì vậy, lượng tồn kho được giữ ở mức tối thiểu.

JIT đã được áp dụng trong các dây chuyền lắp ráp của hãng ô tô Ford từ những năm 30 nhưng phải đến những năm 1970, quy trình sản xuất theo mô hình JIT mới được hoàn thiện và được Toyota Motors áp dụng. Sau Nhật, JIT được 2 chuyên gia về chất lượng là Deming và Juran phát triển ở Bắc Mỹ, từ đó lan rộng trên toàn thế giới. JIT là một triết lý sản xuất với mục tiêu là phát hiện và loại bỏ tất cả các nguồn gây lãng phí một cách không ngừng và triệt để nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống sản xuất. Theo phương thức quản lý của Toyota thì năng lực sản xuất hiện có của doanh nghiệp sẽ bằng sản xuất cộng với lãng phí, vì vậy việc phát hiện ra những lãng phí trong hệ thống sản xuất sẽ giúp nâng cao được năng lực sản xuất hiện tại. Qua nghiên cứu thực tế tại các doanh nghiệp trên thế giới, người ta nhận thấy có những lãng phí chủ yếu sau đây:

-        Sản xuất dư thừa, sản xuất nhiều hơn hay quá sớm hơn những gì được yêu cầu một cách không cần thiết. Việc này làm gia tăng rủi ro sự lỗi thời của sản phẩm, tăng rủi ro về sản xuất sai chủng loại sản phẩm.

-        Những khuyết tật bao gồm các sai sót về giấy tờ, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, giao hàng trễ, sản xuất sai quy cách, sử dụng quá nhiều nguyên vật liệu hay tạo ra phế liệu không cần thiết.

-        Lãng phí về tồn kho, cụ thể là dự trữ quá mức cần thiết về nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm. Hàng hóa và nguyên vật liệu để lưu kho quá lâu làm ảnh hưởng đến chất lượng và làm tăng chi phí lưu kho.

-        Di chuyển không hợp lý của công nhân, nguyên vật liệu, bán thành phẩm hoặc thành phẩm làm kéo dài thời gian chu kỳ sản xuất. Đó là việc tổ chức không hợp lý công đoạn vận chuyển, hoặc di chuyển nguyên vật liệu, các bộ phận, hoặc thành phẩm ra và vào kho hoặc giữa các quá trình.

-        Sự chờ đợi của công nhân hay máy móc bởi sự tắc nghẽn và thời gian trì hoãn của dòng sản phẩm, nguyên vật liệu, công cụ, lãng phí do thiết bị ngừng lặt vặt...

-        Lãng phí phát sinh do chuyển sang sản xuất sản phẩm khác dẫn đến phải vệ sinh, thay khuôn, chuẩn bị nguyên vật liệu khác,…

-        Thao tác thừa không cần thiết của các công nhân không gắn liền với quá trình sản xuất. Chẳng hạn như mất thời gian tìm kiếm hồ sơ do để không đúng theo quy định, không khoa học hoặc nhân viên nói chuyện điện thoại lâu về những công việc không liên quan…

-        Sửa sai hay gia công lại do nó không được làm đúng trong lần đầu tiên.

-        Gia công thừa vượt quá so với mức yêu cầu nhưng lại không cần thiết. Việc gia công không hợp lý là do sự yếu kém trong thiết kế sản phẩm và công cụ, tạo ra sự vận động thừa và những sản phẩm có khuyết tật. Sự lãng phí cũng phát sinh khi cung cấp các sản phẩm có chất lượng cao hơn mức cần thiết

-        Kiến thức rời rạc và không nắm rõ về các thủ tục quy trình, thông số kỹ thuật hoặc cách thức giải quyết công việc v.v...

Tóm lại, JIT là một hình thức quản lý dựa trên sự cải tiến không ngừng và giảm thiểu tối đa sự lãng phí trong tất cả các bộ phận của doanh nghiệp.

Ưu điểm của JIT là:

- Giảm các cấp độ tồn kho bán thành phẩm, thành phẩm và hàng hoá;

- Giảm không gian sử dụng;

- Tăng chất lượng sản phẩm, giảm phế liệu và sản phẩm lỗi;

- Giảm tổng thời gian sản xuất;

- Tận dụng sự tham gia của nhân công trong giải quyết vấn đề;

- Tăng năng suất và sử dụng thiết bị;

- Giảm nhu cầu về lao động gián tiếp.

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông thông tin, JIT đã trở thành khả năng cạnh tranh phải có đối với bất cứ doanh nghiệp nào.