Lịch sử hình thành gian lận trong công táckiểm toán
Vào khoản thế kỷ thứ 18, với sự ra đời của thị trường chứng khoán và côngty cổ phần cũng như do sự mở rộng quy mô của các doanh nghiệp, dần dần đã diễn ra sự tách rời giữa quyền sở hữu của các cổ đông và chức năng điều hành của những nhà quản lý. Từ đó đã xuất hiện nhu cầu kiểm tra của các chủ sở hữu để chống lại sự gian lận của các nhà quản lý lẫn những người làm công, do đó kiểm toán độc lập đã ra đời để đáp ứng cho nhu cầu này.
Trách nhiệm của kiểm toán viên thay đổi không ngừng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trong thời gian này, do có sự chuyển dịch vốn từ quốc gia này sang quốc gia khác và hợp nhất các công ty lớn ở Anh trong ngành khai thác mỏ, đường sắt, nhiên liệu, điện... đã dẫn đến sự thay đổi trong quan điểm về mục đích, bản chất và nguồn vốn đầu tư vào các công ty. Từ đó, nhiệm vụ của kiểm toán viên chuyển sang phục vụ cho cổ đông trong cộng đồng hơn là lợi ích của các người chủ sở hữu vắng mặt.
Trong giai đoạn này, tại Hoa Kỳ, với sự ra đời của Luật Chứng khoán Liên bang vào năm 1933 và luật giao dịch chứng khoán năm 1934 trong đó yêu cầu Báo cáo tài chính của các công ty niêm yết cần được kiểm toán nhằm xác định tính trung thực của Báo cáo tài chính. Từ yêu cầu này đã dẫn đến sự thay đổi về trách nhiệm của kiểm toán viên. Vào thời gian này, các công ty kiểm toán bắt đầu điều chỉnh mục tiêu chính là tập trung vào tính khách quan và trung thực để bảo vệ cho người sử dụng báo cáo tài chính. Như vậy trong thế kỷ 20, trách nhiệm kiểm toán viên không còn là phát hiện gian lận mà xác định tình hình tài chính và kết quả hoạt động thực sự của doanh nghiệp. Trách nhiệm này được thể hiện rõ trong các chuẩn mực kiểm toán. Năm 1982 Uỷ ban thực hành kiểm toán quốc tế ban hành chuẩn mực kiểm toán IAG số 11 đầu tiên về trách nhiệm của kiểm toán viên và trách nhiệm đối với gian lận - sai sót. Sau đó, đến năm 1994, Uỷ ban thực hành kiểm toán quốc tế đã ban hành chuẩn mực kiểm toán 200 về mục tiêu, nguyên tắc chi phối cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính và chuẩn mực 240 bàn về gian lận và sai sót. Đây là hai chuẩn mực chính bàn về trách nhiệm của kiểm toán viên đối với gian lận và sai sót mà trong đó trọng tâm là chuẩn mực 240.
Vào năm 2000, hàng loạt vụ bê bối tài chính và kế toán nổ ra đưa đến sự sụp đổ các công ty hàng đầu trên thế giới và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của công chúng, trong đó có lỗi của các công ty kiểm toán. Đến năm 2004, Ủy ban chuẩn mực kiểm toán và dịch vụ đảm bảo đã hiệu đính các chuẩn mực kiểm toán theo hướng tăng cường trách nhiệm kiểm toán viên liên quan đến phát hiện gian lận và sai sót.
Th.S Mai Xuân Bình – Khoa QTKD