LÃNH ĐẠO BẰNG SỰ TÍN NHIỆM
Chuyên môn cao khiến người khác trầm trồ, ngưỡng mộ, nhưng một người được tín nhiệm cao sẽ được mọi người nể phục và đi theo.
Một trong những khả năng của nhà lãnh đạo là tự cân bằng các công việc hằng ngày của mình. Dưới đây là một số nguyên tắc đáng để các nhà lãnh đạo quan tâm:
1. Cởi mở:
Hãy thông báo rõ ràng, công khai, cởi mở cho mọi người biết được tiến trình ra quyết định, nguyên nhân đưa đến quyết định đó. Chia sẻ khó khăn và thể hiện mong muốn đối với những người cộng sự.
2. Công bằng:
Trước khi ra quyết định hay làm một việc gì đó, hãy xem xét người khác nghĩ gì về tính công bằng của sự việc. Phải khen thưởng đúng đối tượng, khách quan, vô tư trong đánh giá thành tích và lưu ý về sự công bằng trong khen thưởng.
3. Chân tình
Nếu nhà quản lý cùng chia sẻ cảm nghĩ của mình thì sẽ được tiếp nhận chân tình. Những sự chân tình đó cần có tính chân thật. Một khi bạn nói dối và bị phát hiện, khả năng phục hồi lòng tin gần như không còn. Con người có thể dễ tha thứ khi biết và được chia sẻ “sự thật” hơn là khi biết sếp nói dối.
4. Trước sau như một
Hãy là con người vững vàng với chính niềm tin và phán đoán của mình. Nhân viên và những người cộng sự có thể dựa vào tính vững chắc đó để tự chịu trách nhiệm để ra quyết định giúp bạn trong những lúc khó khăn.
5. Giữ lời hứa
Sự tín nhiệm là rất quan trọng để người khác có thể tin tưởng. Vì vậy, hãy tôn trọng lời nói và cam kết của mình.
6. Bảo mật
Người ta tin tưởng vào những người kín đáo, không đưa nhưng chuyện riêng tư của người khác ra bàn hay phản bội tâm sự của họ. Khi người ta nhìn bạn là người đã tiết lộ tâm sự riêng tư của họ thì bạn không phải là người đáng tin cậy.
Sái Thị Lệ Thủy