KỸ NĂNG TIẾP NHẬN NỘI DUNG TÀI LIỆU VÀ VẬN DỤNG TRI THỨC ĐÃ ĐỌC VÀO THỰC TIỄN
Kỹ năng tiếp nhận nội dung tài liệu
Hiểu rõ nội dung thông điệp của tác giả; Nắm bắt những luận điểm chính của vấn đề cần nghiên cứu; Ghi nhớ những thông tin hay, có giá trị cao nhưng không nhớ theo kiểu sao chép, dịch một cách máy móc toàn bộ nội dung tài liệu mà cần tổng hợp, tái cấu trúc và diễn đạt lại bằng ngôn ngữ của riêng mình; Đặt câu hỏi, đánh giá, so sánh, liên hệ giữa các luận điểm, các tài liệu, các tác giả khác nhau nhằm đưa ra một cái nhìn phân tích, tổng hợp, phê bình đối với mọi tài liệu và thông tin nghiên cứu. Nói cách khác cần có tư duy phê phán, sáng tạo trong quá trình đọc. Đọc sách là một quá trình nhận thức chủ động, người đọc cần có chủ kiến, cần thể hiện năng lực phê bình (khách quan) đối với những quan điểm của tác giả.
Để có thể tiếp nhận tốt nhất nội dung tài liệu trong quá trình đọc, người đọc cần có phương pháp ghi chép trong khi đọc, lập phiếu thư mục và ghi chú, đánh dấu, tóm tắt, đánh giá, phân tích những thông tin cần thiết cho từng tài liệu. Khi có cách đọc đúng và ghi chép đúng cách và sẽ làm tăng hiệu quả đọc giúp người đọc ghi nhớ chính xác và có thể kết nối tri thức thành hệ thống. Người đọc cần có những kỹ năng như: kỹ năng xác định nội dung chính, xác định luận điểm cơ bản của mỗi đoạn trong tài liệu, kỹ năng lập đề cương cho nội dung, kỹ năng như xác định dẫn chứng minh họa kỹ năng mô hình hóa, hệ thống hóa tri thức và kỹ năng mở rộng, phê phán. Nhờ đó, người đọc có thể cảm thụ, lĩnh hội sâu sắc, đầy đủ những vấn đề đã đọc được, thu thập và tích luỹ có hệ thống các thông tin thu nhận được, khi cần tái hiện hay vận dụng sẽ không gặp khó khăn.
- Kỹ năng vận dụng tri thức đã đọc vào thực tiễn
Để vận dụng được tri thức đã đọc vào thực tiễn đòi hỏi người đọc phải hiểu rõ, hiểu đúng về nội dung tài liệu, cuốn sách đó có đúng không, đúng một phần hay đúng toàn bộ. Nếu đúng, cuốn sách đó đã khai sáng tư duy cho người đọc. Họ chấp nhận tư tưởng, quan điểm nhìn nhận về sự vật hiện tượng của tác giả, chấp nhận hành động theo cách mà tác giả đề xuất để đạt được kết quả. Nếu người đọc không có đủ năng lực phê phán khi đọc sẽ đi theo sự dẫn dắt của tác giả, có thể có những sai lầm ngụy biện. Ngược lại, nếu không khách quan mà nhầm lẫn giữa kiến thức và quan điểm cá nhân, người đọc có thể bất đồng, có định kiến với tác giả dẫn đến khó có thể tiếp cận với nội dung tài liệu. Đó là cả một quá trình đòi hỏi phải tư duy và sáng tạo.
Vận dụng tri thức đã đọc vào hoạt động sống một cách linh hoạt và sáng tạo là cách giúp lĩnh hội tri thức vững vàng hơn và có thể bổ sung thêm tri thức mới sau khi đã giải quyết vấn đề từ thực tiễn, kiến thức được ứng dụng vào hoạt động sống sẽ tạo hứng thú đọc tốt hơn. Cần phải nhớ một nguyên tắc là: Sách không thể giải quyết những vấn đề thực tiễn mà nó đề cập vì thực tiễn vô cùng sinh động. Nó chỉ có thể trợ giúp và người đọc cần đọc nhiều cuốn khác và vận dụng sáng tạo để có đủ công cụ cho việc thực hành. Sau khi đã áp dụng tri thức đọc được vào từng trường hợp cụ thể, người đọc cần đánh giá kết quả đạt được và bổ sung tri thức mới để có thể áp dụng thành công trong thực tiễn.
Trong kỹ năng đọc yếu tố nào cũng quan trọng, không được coi nhẹ một yếu tố nào. Nếu không biết vận dụng các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu đọc, đọc tài liệu nghiên cứu cũng như đọc tài liệu giải trí, không thể tiếp nhận được nội dung sâu sắc của tài liệu nghiên cứu. Vì mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung cốt lõi và biết vận dụng những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc. Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục đại học đã bắt đầu chuyển qua đào tạo theo học chế tín chỉ đòi hỏi sinh viên hình thành thói quen tích cực tự học. Tức là sinh viên cần phải “Tự nghiên cứu, tìm tòi- Tự thể hiện- Tự kiểm tra và điều chỉnh” nhằm hình thành phẩm chất cần cù, nghiêm túc, không ỷ lại, trông chờ, chủ động, tích cực và sáng tạo. Như vậy, bản thân mỗi sinh viên cần tự rèn luyện cho mình kỹ năng đọc để có thể đáp ứng được các yêu cầu trong học tập.
Đối với sinh viên, mục đích đọc của họ chủ yếu là phục vụ cho nhiệm vụ học tập, nghiên cứu khoa học. Nếu sinh viên đọc tham khảo nhiều, biết đọc một cách khoa học thì sẽ tăng hiểu biết và nắm vững thêm được nhiều kiến thức liên quan, giúp họ tự tin để tranh luận với giảng viên về những vấn đề mà giảng viên nêu ra, cùng giảng viên làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đang gây tranh cãi. Bên cạnh đó, trong quá trình làm bài kiểm tra, bài thi, bài tiểu luận, sinh viên có thể vận dụng thêm kiến thức đọc được vào bài làm để cho bài làm thêm phong phú, thể hiện được tính sáng tạo. Ngoài học tập, việc tham gia nghiên cứu khoa học chính là bước cao hơn giúp sinh viên khám phá tri thức mới, vận dụng tri thức vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề của thực tiễn.
Nguyễn Thị Thảo