KINH TẾ TRI THỨC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC TẠI VIỆT NAM
Phần 2 tiếp theo
Thực trạng nền kinh tế tri thức ở Việt Nam
Ở Việt Nam, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang diễn ra mạnh mẽ, cuốn hút tất cả các nước khác nhau”. Gần đây nhất, Đảng ta đã xác định gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường”. (Văn kiện Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam), trong đó Đảng ta khẳng định, phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững. Như vậy có thể thấy ngay từ thời kỳ đầu, Đảng ta đã rất coi trọng việc tạo ra động lực cho việc hình thành và phát triển kinh tế tri thức. Tuy nhiên, hiện nay về cơ bản nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế mang những dấu ấn của kinh tế nông nghiệp, đang chuyển dần sang kinh tế công nghiệp. Vị trí của Việt Nam trong nền kinh tế tri thức toàn cầu là rất thấp. Những chỉ số về kinh tế tri thức của Việt Nam đều ở nửa dưới của bảng xếp hạng. Chỉ số KEI của Việt Nam hiện đang là 3,51, trong đó chỉ số sáng tạo chỉ là 2,72, trong khi đó chỉ số KEI của một số nước trong khu vực là rất cao: Singapore là 8,44; Malaysia là 6,07; Thái Lan là 5,52.
Xét phương diện những đặc trưng của nền kinh tế tri thức thì chúng ta thấy cơ cấu kinh tế - lao động của Việt Nam hiện nay vẫn là lạc hậu: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp trong GDP còn hạn chế, ngành nông nghiệp còn cao. Cơ cấu lao động cũng chưa chuyển biến mạnh mẽ: lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng rất cao, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế. Trong khi đó hiện nay ở Mỹ khoảng 80% lực lượng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng và triển khai.
Hiện nay, hàm lượng chất xám trong sản phẩm của Việt Nam là rất thấp, “đến 2020 giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP. Giá trị sản phẩm công nghệ chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản phẩm công nghiệp”. (Văn kiện Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam).
Sự đầu tư cho khoa học, công nghệ ở Việt Nam so sánh tương quan với các quốc gia trong khu vực là rất thấp. Hiện nay, Việt Nam chỉ dành khoảng 0,3% GDP cho hoạt động khoa học, công nghệ, trong khi đó con số này ở Malaysia là 1%, Singapore là 3%.
Theo Robert Walter Global – một công ty chuyên về tuyển dụng: năm 2012 mặc dù kinh tế khó khăn, nhiều công ty phá sản hoặc giảm quy mô hoạt động, Việt Nam vẫn “khát” nhân sự có trình độ. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam đạt khoảng 35%, đây là con số rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Một trong những tiêu chí quan trọng của kinh tế tri thức là sự ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh và quản lý. Phần lớn các doanh nghiệp ở nước ta đều thiếu thông tin về công nghệ. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu và Quản lý TW trên 82 doanh nghiệp, chỉ có 16 doanh nghiệp có ý tưởng đổi mới công nghệ. Xét một cách tổng quát, những yếu tố cho sự ra đời và phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay đang ở thời kỳ hình thành.
Nguyễn Đăng Tuyền