Kinh tế tri thức và đào tạo ĐH trong nền kinh tế tri thức đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH đất nước
CNH là một giai đoạn tất yếu của mỗi quốc gia. Lịch sử CNH trên thế giới đã trải qua hàng trăm năm, đầu tiên là ở nước Anh đã tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ thứ 18 với nội dung chủ yếu là chuyển đổi từ lao động thủ công sang lao động cơ khí đã đánh giá bước khởi đầu cho CNH trên thế giới, nhưng nước Anh mất đến 120 năm để thực hiện. Các nước tiến hành CNH về sau rút ngắn được thời gian thực hiện quá trình này. Việt Nam là một nước thực hiện CNH - HĐH có thuận lợi cơ bản là nước đi sau, học tập kinh nghiệm thành công của các nước đi trước.
CNH - HĐH là quá trình chuyển đổi căn bản và toàn diện nền sản xuất xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính với năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp sang sử dụng lao động được đào tạo ngày càng nhiều hơn cho năng suất chất lượng và hiệu quả cao hơn dựa trên phương pháp sản xuất công nghiệp, vận dụng những thành tựu mới của khoa học - công nghệ tiên tiến. CNH - HĐH cũng là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Có thể nói, thực chất và nội dung cơ bản của CNH, HĐH là sáng tạo và ứng dụng tri thức do giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ tạo ra vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Theo tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), “Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống”, (Đặng Hữu, 2000) [12].
Trên thế giới, các nước phát triển đều chứa đựng nhiều đặc điểm của nền kinh tế tri thức như công nghệ cao chiếm tỷ trọng lớn, lao động trí tuệ có chuyên môn kỹ thuật cao. Thế giới nghề nghiệp và nhu cầu lao động nghề nghiệp đã và đang có những thay đổi cơ bản về cơ cấu và trình độ nghề nghiệp với tính linh hoạt và đa dạng. Từ đó lao động sáng tạo trở thành đội ngũ nhân lực chủ chốt trong các trường ĐH đặc biệt là ĐH nghiên cứu và các DN công nghệ cao.
Giáo dục là một lĩnh vực hoạt động cơ bản của xã hội, là sản phẩm của hình thái kinh tế - xã hội, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong đó, giáo dục ĐH là một bộ phận quan trọng trong nền giáo dục của bất kỳ quốc gia nào. Trong thời đại ngày nay, giáo dục ĐH không đơn thuần là truyền thụ kiến thức, cung cấp thông tin mà hướng vào sự phát triển tư duy sáng tạo, năng lực hành động của mỗi người học. Giáo dục ĐH tạo ra các sản phẩm tri thức ở mỗi cá nhân đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội.
Nền kinh tế tri thức làm thay đổi toàn diện nền giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng của mỗi quốc gia. Nội dung thay đổi lớn mạnh nhất đi từ đội ngũ giảng viên cho đến học liệu đáp ứng nhu cầu đào tạo. Trong đó, cần coi trọng phương thức đào tạo phù hợp với tình hình mới.
ThS. Nguyễn Thị Hạnh- Khoa QTKD