0236.3650403 (221)

Khó khăn trong hoạt động tái cấu trúc ngân hàng


Vấn đề tái cấu trúc và M&A hệ thống ngân hàng không phải là một vấn đề mới, nó đã được đặt ra và nghiên cứu trong nhiều năm trở lại đây. Ở giai đoạn 2010 trở về trước, hoạt động tái cấu trúc cũng có diễn ra nhưng chủ yếu được thực hiện ở dạng các tập đoàn nước ngoài mua lại cổ phần của các ngân hàng trong nước, còn việc tự tái cơ cấu trong nước thì chưa có biến chuyển triệt để lớn nào. Trong 2 năm gần đây, đặc biệt, sau Nghị quyết Trung ương 3 - Khóa XI, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mới được đặt ra như là một hoạt động then chốt và có lộ trình cụ thể.

Sáng 25/11/2011, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đưa ra 4 mục tiêu của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là:  “Phải làm lành mạnh hệ thống ngân hàng; Phải làm cho hệ thống ngân hàng có đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước, trong môi trường thế giới hết sức biến động. Phải cấu trúc lại cơ cấu hoạt động của hệ thống ngân hàng để đảm bảo giữa cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế một cách hợp lý. Phải làm sao đáp ứng được hệ thống ngân hàng của chúng ta ngoài việc có tình hình tài chính lành mạnh nhưng cũng phải hòa nhập và có sức cạnh tranh với quốc tế”

Trong quá trình thực hiện hoạt động tái cơ cấu, các ngân hàng gặp phải những khó khăn nhất định về việc lựa chọn đối tác phù hợp khi sáp nhập, gây mâu thuẫn nội bộ, nhân sự bị xáo trộn, niềm tin của khách hàng có thể bị lung lay do sự bất ổn trong thời kỳ ngân hàng tái cơ cấu, sẽ có không ít khách hàng hoài nghi về hiệu quả hoạt động của ngân hàng mới; việc tích hợp hệ thống thông tin, dữ liệu khi sáp nhập cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết. Mặt khác, hành lang pháp lý của nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế đối với hoạt động này. Mặc dù NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2010/TT-NHNN, ngày 11/02/2010 hướng dẫn về hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng, nhưng Thông tư này còn nhiều bất cập chưa rõ ràng.

Chính vì lẽ đó, tuy hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một hành động cần thiết và quan trọng hiện nay. Song nó chứa đựng nhiều rủi ro và khó khăn mà không dễ dàng giải quyết được trong thời gian ngắn. Trên cơ sở nhân định những khó khăn đó, ta cần phải có những giải pháp cụ thể và bền vững cho hoạt động này.

Chính phủ cần phải đưa ra một hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động sáp nhập. Những văn bản cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển chung sẽ giúp hoạt động tái cấu trúc được thực hiện tốt hơn. Về phía Ngân hàng nhà nước, cần phải làm rõ hơn trách nhiệm quản lý hệ thống ngân hàng của mình, nắm vững các thông số, tình hình của các ngân hàng vừa và nhỏ để có biện pháp xử lý thích hợp trong tình huống xấu, cũng như tìm kiếm một đối tác và phương pháp hợp lý để tái cấu trúc các ngân hàng cho phù hợp.

Nhưng quan trọng hơn cả, đối với các ngân hàng thương mai cổ phần, cần phải chủ động trong các hoạt động của mình, chủ động trong việc sáp nhập. Xác định rõ hướng đi của mình và xây dựng một kế hoạch chiến lược dài hạn, đa dạng hóa sản phẩm cũng như có phương án kinh doanh và cơ cấu thích hợp khi tiến hành tái cấu trúc ngân hàng của mình.

Mai Xuân Bình – Khoa QTKD