KHÁI QUÁT VỀ TRƯỜNG PHÁI TÂM LÝ XÃ HỘI
Trải qua thời gian, các nhà quản trị đã nghiên cứu và đưa ra nhiều trường phái quản trị khác nhau. một trong những trường phái được các nhà quản trị quan tâm đó là trường phái quản trị theo tâm lý xã hội.
Vào năm 1927, Elton Mayo - giáo sư giảng dạy và nghiên cứu kỹ nghệ tại Đại Học đường Harvard, khởi công nghiên cứu tại nhà máy Western Electric’s Hawthorne Work để tìm hiểu động cơ nào đã thúc đẩy nhân công tại nhà máy này đạt thành tích cao. Khi công trình nghiên cứu hoàn tất năm 1932, ông kết luận rằng phương pháp làm việc có tính cách khoa học của ngành quản trị cổ điển với Frederick W. Taylor là đại diện, mang lại hiệu năng quản lý với kết quả tốt, nhưng không hoàn chỉnh. Lý do là một con người bằng xương bằng thịt với tất cả sinh khí và cảm xúc, không thể được đối xử như máy móc vô tri giác, và lại càng không nên áp đặt họ bằng một hệ thống mà không quan tâm tới nhu cầu của họ.
Mayo giới thiệu một phương pháp mới gọi là phương pháp quản trị theo tâm lý xã hội. Phương pháp này nhấn mạnh đến sự thoả mãn nhu cầu của con người, không phải là thứ nhu cầu vật chất, nhưng là tâm lý của họ trong một tổ chức. Tư tưởng chủ chốt của Mayo được tóm lược trong những điểm chính sau đây:
-
Tổ chức phải tạo bầu khí để nhân viên cảm thấy thoải mái và thân thiện khi làm việc.
-
Tạo cơ hội để nhân viên nhận ra chân giá trị của chính mình trong tổ chức.
-
Tạo được tinh thần đội ngũ trong các nhóm.
-
Nhân viên cần được quan tâm và tôn trọng
Mayo đề nghị giới quản trị nên thay đổi quan niệm về nhân viên qua cách quan sát và đối xử để đạt hiệu năng và duy trì hiệu năng lâu dài.
Cùng chủ trương với phương pháp của Mayo là Douglas Mc Gregor. Mc Gregor là một nhà tâm lý xã hội. Năm 1960, ông cho xuất bản cuốn “The Human Side of Enterprise” và trở nên nổi tiếng với lý thuyết “cây gậy và củ cà rốt”. Lý thuyết này được rất nhiều lý thuyết gia khoa quản trị học hiện đại nhắc nhở đến trong các tác phẩm của họ. Mc Gregor đặt ra 2 lý thuyết: Thuyết X gồm những người chưa trưởng thành và thuyết Y gồm những người đã trưởng thành. Thuyết X chỉ những nhân viên biếng nhác. Họ không thích làm việc nhưng phải làm việc để sống còn. Do đó, họ cần được điều khiển và không thể tự đảm nhận trách nhiệm. Để chỉ huy nhóm này, quản trị viên cần cả gậy lẫn cà rốt. Thuyết Y chỉ những nhân viên có ý thức, muốn làm việc và yêu thích làm việc. Họ có tinh thần độc lập, không muốn bị chỉ huy và sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm. Mc Gregore nhấn mạnh rằng con người là một con vật đầy ham muốn và ham muốn không bao giờ được thỏa mãn, do đó, đường lối quản trị kiểm soát không động viên được con người. Ông đề nghị:
-
Khi tổ chức tạo được những công việc thích thú, duy trì được những quan hệ tốt giữa các nhân viên thì nhân viên sẽ chấp nhận mục đích của tổ chức như của chính họ.
-
Một tổ chức sẽ đạt hiệu năng nếu điều kiện làm việc tốt và nội dung công việc rõ ràng.
-
Đối xử với nhân viên nên phù hợp với nhân cách và trình độ của chính họ.
-
Tổ chức nên quan tâm nhiều đến huấn luyện và hướng dẫn hơn là trừng phạt đè nén.
Mc Gregor cho rằng nhóm Y là khuôn mẫu lý tưởng phù hợp với các phương pháp quản trị. Nhưng ông nghĩ rằng thuyết Y không phù hợp với những tổ chức lớn.
Trên đây là phần khái quát hóa về quan điểm của trường phái quản trị theo tâm lý xã hội nhằm giúp các nhà quản trị có cách nhìn và quản lý vận hành vào tổ chức của mình tốt hơn.
TRẦN THỊ NHƯ LÂM