0236.3650403 (221)

KHÁI QUÁT CHUNG VỀ NGUỒN VỐN ODA


 

ĐỖ VĂN TÍNH

 

Khái niệm và đặc điểm nguồn vốn ODA

Nguồn gốc của ODA

ODA ra đời sau chiến tranh thế giới thứ II, cùng với kế hoạch Marshall để giúp các nước Châu Âu phục hồi các nghành công nghiệp bị chiến tranh tàn phá. Để tiếp nhận viện trợ của kế hoạch Marshall, các nước Châu Âu thành lập tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế ( OECD). Ngày nay, tổ chức này không chỉ có thành viên là các nước Châu Âu mà còn có Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong khuôn khổ hợp tác phát triển, các nước OECD lập ra những ủy ban chuyên môn, trong đó có ủy ban hỗ trợ phát triển (DAC) nhằm giúp các nước đang phát triển. ODA được thực hiện trên cơ sở đa phương hoặc song phương.

Khái niệm ODA

ODA là viết tắt của cụm từ Official Development Assítance, có nghĩa là Hỗ trợ phát triển chính thức hay còn gọi là Viện trợ phát triển chính thức.

Khái niệm chính thức đầu tiên của ODA do tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đưa ra vào năm 1969: “ODA là một giao dịch chính thức được thiết lập với mục đích chính là thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các nước đang phát triển. Điều kiện tài chính của giao dịch này có tính chất ưu đãi và thành tố viện trợ không hoàn lại chiếm ít nhất 25%”.

Khái niệm về ODA mà World Bank (WB) đưa ra năm 1999 trong “Đánh giá viện trợ – Khi nào có tác dụng, khi nào không và tại sao” thì : “ODA là một phần của Tài chính phát triển chính thức ODF (Official Development Finance) trong đó có yếu tố viện trợ không hoàn lại cộng với cho vay ưu đãi và phải chiếm ít nhất 25% trong tổng viện trợ thì gọi là ODA. Tài chính phát triển chính thức ODF là các nguồn tài chính của các nước phát triển và các tổ chức đa phương dành cho các nước đang phát triển.”

Theo PGS. TS Nguyễn Quang Thái ( viện chiến lược phát triển): Hỗ trợ phát triển chính thức ODA là các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay với điều kiện ưu đãi (về lãi suất thời gian ân hạn và trả nợ) của các cơ quan chính thức thuộc các nước và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO).

Khái niệm ODA bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam sau khi bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ (USA) và các tổ chức tài chính tiền tệ Quốc tế như: Quĩ tiền tệ Quốc tế (IMF), WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… vào tháng 10 năm 1993. Theo Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển được ban hành kèm theo Nghị định 87/CP ngày 05/08/1997 của Chính phủ Việt Nam thì vốn ODA được định nghĩa là sự hợp tác phát triển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Hình thức cung cấp vốn ODA bao gồm vốn ODA không hoàn lại, vốn ODA cho vay ưu đãi có yếu tố không hoàn lại ít nhất đạt 25% giá trị khoản vay.

Như vậy, qua các định nghĩa cho thấy ODA là nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài. Nguồn vốn ưu đãi này là những khoản cho vay không hoàn lại, có hoàn lại hoặc tín dụng ưu đãi có yếu tố không hoàn lại ít nhất đạt 25% các Chính phủ, các tổ chức liên Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc (United Nations -UN), các tổ chức tài chính quốc tế dành cho các nước đang và chậm phát triển.

Đặc điểm nguồn vốn ODA

Do chính phủ của một nước hoặc các tổ chức quốc tế cấp cho các cơ quan chính thức của một nước; không cấp cho những chương trình dự án mang tính chất thương mại, mà chỉ nhằm mục đích nhân đạo, giúp phát triển kinh tế, khắc phục khó khăn về tài chính hoặc nâng cao lợi ích kinh tế - xã hội của nước nhận viện trợ; tính ưu đãi chiếm trên 25% giá trị của khoản vốn vay.

Tuy nhiên viện trợ của các nước phát triển không chỉ đơn thuần là việc trợ giúp hữu nghị mà còn là một công cụ lợi hại để thiết lập và duy trì lợi ích kinh tế và vị thế chính trị cho các nước tài trợ.

Mang tính ưu đãi: Vốn ODA có thời gian cho vay( hoàn trả vốn dài), có thời gian ân hạn dài. Chẳng hạn, vốn ODA của WB, ADB, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) có thời gian hoàn trả là 40 năm và thời gian ân hạn là 10 năm. Sự ưu đãi còn thể hiện ở chỗ vốn ODA chỉ dành riêng cho các nước đang và chậm phát triển, vì mục tiêu phát triển. Có hai điều kiện cơ bản nhất để các nước đang và chậm phát triển có thể nhận được ODA là: Tổng sản phẩm quốc nội( GDP) bình quân đầu người thấp. Mục tiêu sử dụng vốn ODA của các nước này phải phù hợp với chính sách và phương hướng ưu tiên xem xét trong mối quan hệ giữa bên cấp và bên nhận ODA

Mang tính ràng buộc: ODA có thể ràng buộc ( hoặc ràng buộc một phần hoặc không ràng buộc) nước nhận về địa điểm chi tiêu. Ngoài ra mỗi nước cung cấp viện trợ cũng đều có những ràng buộc khác và nhiều khi các ràng buộc này rất chặt chẽ đối với nước nhận.

Có khả năng gây nợ: Khi tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA do tính chất ưu đãi nên gánh nặng nợ thường chưa xuất hiện nên thường có tâm lý chủ quan, sử dụng vốn không hiệu quả lâm vào vòng nợ nần do không có khả năng trả nợ. Vấn đề nữa là vốn ODA không có khả năng đầu tư trực tiếp cho sản xuất, nhất là cho xuất khẩu trong khi việc trả nợ lại dựa vào xuất khẩu thu ngoại tệ. Do đó, trong khi hoạch định chính sách sử dụng ODA phải phối hợp với các nguồn vốn để tăng cường sức mạnh kinh tế và khả năng xuất khẩu.

Phân loại nguồn vốn ODA

Theo phương thức hoàn trả

Viện trợ không hoàn lại: Là hình thức cung cấp vốn ODA mà nước nhận viện trợ không phải hoàn trả vốn và lại cho bên viện trợ. Thường được cấp dưới hình thức: Hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ nhân đạo bằng hiện vật, đầu tư các dự án bảo vệ môi trường.

Viện trợ có hoàn lại: Là khoản vốn vay ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ

Cho vay hỗn hợp: Là các khoản ODA kết hợp một phần ODA không hoàn lại và một phần tín dụng thương mại theo các điều kiện của tổ chức OECD

Theo nhà tài trợ

ODA song phương: Là các khoản ODA mà một Nhà nước hoặc một Chính phủ cấp cho một nước khác thông qua hiệp định được ký kết giữa hai Nhà nước hoặc Chính phủ

ODA đa phương: Là viện trợ chính thức của một tổ chức quốc tế: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF, WB...) hay tổ chức khu vực (ADB, liên minh châu Âu (EU),...) hoặc của một Chính phủ của một nước dành cho Chính phủ của một nước nào đó, nhưng có thể được thực hiện thông qua các tổ chức đa phương như: Chương trình phát triển Liên hiệp quốc ( UNDP), quĩ nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF)... có thể không

Theo mục tiêu sử dụng

Hỗ trợ cán cân thanh toán: Gồm các khoản ODA cung cấp để hỗ trợ ngân sách của Chính phủ, thường được thực hiện thông qua các dạng: chuyển giao trực tiếp cho nước nhận ODA hay hỗ trợ nhập khẩu (viện trợ hàng hoá).

Tín dụng thương nghiệp: Với các điều khoản "mềm" (lãi suất thấp, hạn trả dài) trên thực tế là một dạng viện trợ hàng hoá có kèm theo điều kiện ràng buộc.

Viện trợ chương trình ( Viện trợ phi dự án): Là khoản ODA dành cho một mục đích tổng quát với thời gian nhất định mà không phải xác định một cách chính xác nó sẽ được sử dụng như thế nào

Viện trợ dự án: Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn thực hiện ODA. Điều kiện được nhận viện trợ dự án là "phải có dự án cụ thể, chi tiết về các hạng mục sẽ sử dụng ODA"

Theo điều kiện

ODA không ràng buộc: Là khoản ODA mà nước tiếp nhận sẽ được sử dụng mà không bị ràng buộc bởi nguồn sử dụng hay mục đích sử dụng.

 

ODA ràng buộc: Là khoản ODA trong quá trình sử dụng, nước nhận ODA bị ràng buộc bởi nguồn sử dụng hay mục đích sử dụng. Ràng buộc bởi nguồn sử dụng, nghĩa là ODA được cung cấp chỉ dành để mua sắm hàng hóa, trang thiết bị hay dịch vụ chỉ giới hạn cho một số công ty do bên tài trợ sở hữu hoặc kiểm soát; ràng buộc về mục đích sử dụng, nghĩa là nước nhận ODA chỉ được sử dụng ODA vào những lĩnh vực nhất định hoặc một số dự án cụ thể.

Vai trò nguồn vốn ODA

ODA là nguồn bổ sung vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Với nguồn vốn lớn, điều kiện cho vay ưu việt như thời hạn cho vay thường 10-30 năm, lãi suất từ 0,25% đến 2%. Chính phủ các nước đang và chậm phát triển đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế như đường xá, điện, nước, thủy lợi và các hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế.

ODA giúp xóa đói, giảm nghèo cải thiện sự chênh lệch đời sống của người dân ở các nước đang và chậm phát triển, mục tiêu này biều hiện tính nhân đạo ODA.

ODA giúp các nước tăng cường năng lực và thể chế thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ công cuộc cải cách pháp luật, cải cách hành chính và xây dựng chính sách quản lý kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế.

ODA được sử dụng hiệu quả góp phần tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và tạo điều kiện để mở rộng đầu tư phát triển trong nước.

ODA giúp hoàn thiện cơ cấu kinh tế. Các nước tiếp nhận ODA thường dành một lượng vốn lớn ưu tiên vào phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cân đối giữa các ngành, các vùng trong cả nước.

ODA giúp cho việc thu hút thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó một lượng khá lớn ODA cũng được giành cho đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, các chương trình hỗ trợ lĩnh vực y tế, đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Nhờ vậy, các nước đang phát triển đã gia tăng đáng kế chỉ số phát triển con người của quốc gia mình.

ODA là nguồn bổ sung ngoại tệ và làm lành mạnh cán cân thanh toán quốc tế của các nước ần viện trợ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thủ tướng Chính Phủ (2016), Quyết định số 251/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016-2020”.
  2. Hỗ trợ phát triển chính thức ODA, Những hiểu biết căn bản và thực tiễ ở Việt Nam, NXB Giáo dục  1998.
  1. VietNam OER, Vai trò của vốn ODA đối với đầu tư phát triển  Việt Namhttps://voer.edu.vn/m/vai-tro-cua-von-oda-doi-voi-dau-tu-phat-trien-o-viet-nam/791a89a6.