HOẠT ĐỘNG BUÔN BÁN HÀNG RONG TẠI VIỆT NAM
Đỗ Văn Tính – Khoa QTKD
Khái niệm
Tại điều 2, Quy định số 46/2009/QĐ-UBND “Quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã nêu rõ: “Người bán hàng rong là cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh, không có địa điểm kinh doanh cố định và không gọi là " thương nhân" theo quy định của Luật Thương mại.”
Theo đó, cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật thương mại.
Quy định về hàng rong, Điều 5, Nghị định số 39/2007/NĐ-Cp quy định: các cá nhân hoạt động thương mại được phép kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, trừ các loại hàng hóa, dịch vụ sau đây: Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; Hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng, hàng không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; hàng không bảo đảm chất lượng, bao gồm hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động, thực vật bị dịch bệnh; Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Buôn bán hàng rong là một bộ phận của khu vực phi chính thức về bản chất là một dạng hoạt động buôn bán để kiếm sống của một bộ phận người dân nhằm đáp ứng những nhu cầu về dịch vụ và hàng hóa giá rẻ tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho cư dân đô thị. Buôn bán hàng rong là khái niệm để chỉ các hoạt động mua bán, kinh doanh của người dân có liên quan đến vỉa hè, đường hẻm khu vực đông dân cư (không phải là tại các chợ, nơi được quy hoạch chính thức). Buôn bán hàng rong có thể tạm chia thành hai nhóm đối tượng hoạt động chính: Nhóm cố định (có mặt tiền nhà kết hợp với không gian công cộng – vỉa hè) và nhóm lưu động ( không có mặt tiền nhà, buôn bán ngay lòng lề đường,trên vỉa hè, đường hẻm khu dân cư).
Từ lâu hoạt động buôn bán hàng rong đã gắn liền với sự phát triển không gian đô thị và quá trình tăng trưởng kinh tế, sự quần cư đô thị. Các loại hàng hóa và dịch vụ của hoạt động buôn bán hàng rong luôn đa dạng và phong phú về chủng loại, đáp ứng được nhiều các nhu cầu về ăn, uống, mặc,vui chơi,giải trí… của đông đảo dân cư. Bên cạnh những tác động xấu do hoạt động buôn bán hàng rong đem lại cho không gian văn hóa và văn minh đô thị như mất trật tự, ô nhiễm môi trường, kẹt xe, không có không gian đi bộ, không gian nghỉ ngơi. Hoạt động buôn bán hàng rong cũng đã góp phần rất quan trọng đến việc ổn định thu nhập và đời sống của hàng nghìn người dân, kể cả những đơn vị quản lý hành chính cấp phường xã. Dù vậy, từ lâu các nhà quản lý, quy hoạch xây dựng đô thị vẫn chưa quan tâm đúng mức và cẩn trọng đến loại hình hoạt động buôn bán hàng rong.
Phân loại hoạt động bán hàng rong
Theo Điều 3, Nghị định 39/2007/NĐ-CP, bán hàng rong bao gồm các hoạt động thương mại:
Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong; Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định; Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định; Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ; Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định; Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Đặc điểm của buôn bán hàng rong.
Các dạng hoạt động buôn bán hàng rong được phân thành hai nhóm chính là kinh doanh cố định và dạng kinh doanh lưu động.
Vì vậy giữa hai đối tượng buôn bán này có sự khác nhau là đại đa số những người buôn bán lưu động đều có nguồn gốc tại các tỉnh khác đến, chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Duyên Hải miền Trung. Trong khi đó, số người buôn bán cố định hầu hết đều có nguồn gốc tại các tỉnh thành sở tại. Như vậy số lao động thu hút vào khu vực hoạt động buôn bán hàng rong, nhất là buôn bán lưu động có liên quan với số người nhập cư từ các tỉnh khác đến.
Thời gian sinh sống tại các tỉnh thành sở tạiđã có sự khác biệt giữa 2 đối tượng kinh doanh cố định và kinh doanh lưu động. Một điểm cần lưu ý là số người buôn bán cố định thường có thời gian sinh sống tại các tỉnh thành sở tạikhá lâu, trong khi số buôn bán lưu động lại có thời gian sinh sống tại các tỉnh thành sở tạimới chỉ vài năm gần đây thôi.
Thời gian sinh sống có liên quan đến việc khai báo về tình trạng hộ khẩu. Nếu như những người kinh doanh cố định có thời gian sinh sống tại các tỉnh thành sở tạilâu hơn những người buôn bán lưu động thì việc khai báo thường trú của những người buôn bán cố định sẽ chiếm tỉ lệ cao hơn những người kinh doanh lưu động. Như vậy, mối tương quan giữa thời gian sinh sống, nơi sinh và tình trạng hộ khẩu có mối quan hệ khá rõ nét. Trong mối quan hệ này, những người buôn bán lưu động bao giờ cũng thường rơi vào trường hợp khai báo chưa có hộ khẩu thường trú.
Mặt hàng kinh doanh của đối tượng buôn bán hàng rong khá đa dạng, từ văn phòng phẩm sách báo cho đến thực phẩm thuốc lá và dịch vụ ăn uống. Ngoài ra còn có một vài thứ khác như bách hóa tạp phẩm, quần áo vải nón kính v.v… cũng khá phổ biến và chiếm một tỷ trọng nhất định trong tổng số. Tuy nhiên, khác với đối tượng kinh doanh cố định, đối tượng buôn bán lưu động chủ yếu tập trung nhiều nhất vào 2 loại hàng hóa là thực phẩm và thuốc lá. Đây là loại hàng hóa có nhu cầu phục vụ tận nơi nhất là trong các ngõ hẻm cách đường khá xa, hoặc tại các nơi sinh hoạt đông đúc nhưng khả năng cung ứng còn hạn chế.
Buôn bán hàng rong có đặc điểm là có thể phục vụ trên diện rộng nhưng cũng chính vì thế mà rất là khó khăn trong việc tập hợp họ. Nhưng để quản lý tốt khu vực kinh doanh này đi vào hoạt động sao cho bảo đảm mỹ quan và trật tự đô thị, trong bước đầu hướng đến giải pháp hiện đại thay đổi hoàn toàn với các sinh hoạt còn mang dáng dấp truyền thống hiện nay; vẫn là bài toán đặt ra nan giải.
Tình hình buôn bán hàng rong ở các vùng đô thị
Việt Nam là một đất nước đang trong quá trình phát triển cho nên vẫn mang theo những tập quán tiểu nông của đại bộ phận người dân và có những tập quán cố ăn sâu vào tiềm thức người dân không dễ gì từ bỏ, hàng rong đã trở thành một đặc thù của hầu hết các đô thị Việt Nam. Thật ra, không chỉ ở Việt Nam mới có hàng rong mà nhiều nước trên thế giới cũng có hàng rong. Nhưng hàng rong Việt Nam có nét riêng khó trộn lẫn với nơi khác.Cũng chính vì thế mà hàng rong có những ảnh hưởng không tốt đến với sự phát triển của đô thị Việt Nam, như là gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, làm cản trở sự quy hoạch đô thị. Nhưng cũng không thể phủ nhận nhũng gì mà hàng rong mang lại. Vì những thứ bán đó nói chung là rẻ phù hợp với túi tiền của những người có thu nhập thấp. Như đã nói từ đầu hoạt động buôn bán hàng rong nó đi đôi với sự phát triển của các đô thị. Trong đó ở Việt Nam có hai đô thị lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh có tỉ lệ người buôn bán hàng rong rất đông.Và một số thành phố khác cũng có hoạt động buôn bán này.
Đúng là hàng rong có mặt ở khắp mọi nơi và số lượng người hoạt động trong nghề này tương đối nhiều. Theo thống kê của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ y tế (2007) thì hiện cả nước ta có 10,771 xã phường, 671 quận huyện, các xã phường đều có hàng rong và hoạt động của lực lượng buôn bán này rất khó quản lý.
Tại các đô thị Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn vỉa hè là đất sống của hàng trăm nghìn người bán hàng rong và nhiều thứ khác. Có thể thấy hoạt động buôn bán hàng rong diễn ra trên vỉa hè, lòng lề đường rất sôi động đến mức chức năng chính của vỉa hè là phục vụ người đi bộ cũng bị ảnh hưởng.
Những người buôn bán hàng rong thường xuyên vi phạm về an toàn giao thông, cản trở sự lưu thông của các phương tiện và một điều mà những người hoạt động trong lĩnh vực này hay vi phạm là buôn bán ở trên những con đường cấm, những địa điểm cấm bán hàng rong. Các thành phố lớn hiện nayđã triển khai việc cắm biển cấm bán hàng rong tại nhiều tuyến phố. Tuy nhiên, tình trạng bán hàng rong, chợ cóc họp lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè đang tái diễn. Ởcácthành phố này, mặc dù trên nhiều tuyến đường của thành phố đã có biển cấm họp chợ lề đường, cấm lấn chiếm vỉa hè, lề đường buôn bán, cấm xả rác.. nhưng không được người dân chấp hành. Tình trạng này diễn ra ngày càng trầm trọng hơn.
Đó là tình hình buôn bán hàng rong ở Việt Nam, còn các đô thị trên thế giới đã có những biện pháp hạn chế nhất định.
Ở Singapore: Xây dựng các khu trung tâm buôn bán thực phẩm, chợ... để đưa người buôn bán hàng rong vào buôn bán.
Singapore: Đầu tư nâng cấp hàng rong.
|
Ngay từ năm 1971, Singapore đã có kế hoạch đối phó với tình trạng người bán hàng rong chiếm lĩnh khắp các đường phố. Vào năm này, Singapore bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng các khu trung tâm buôn bán thực phẩm, chợ... để đưa người bán hàng rong vào buôn bán. Ở đó, người bán hàng rong có nơi bày hàng tử tế, có nước máy, điện để dùng, có chỗ bỏ rác nên không phải vứt bừa bãi làm bẩn môi trường.Đến năm 1996, tất cả người bán hàng rong của Singapore đều đã có nơi buôn bán, được cấp giấy phép, được dự các khóa học về vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng. Được chính quyền giúp đỡ, tạo điều kiện, hàng rong của Singapore trong những năm gần đây đã có những phát triển mới. Do tình trạng thiếu việc làm ở Singapore, hàng ngàn người trẻ, đã tốt nghiệp đại học, không tìm được việc làm ở các công ty, công sở đã gia nhập đội ngũ... bán hàng rong. Vừa trẻ vừa có kiến thức, họ đã làm cho quầy hàng của mình hấp dẫn hơn, thu hút hơn.
Kuala Lumpur: Ngưng cấp phép bán hàng rong
Năm 1990, Malaysia hình thành kế hoạch quốc gia về người bán hàng rong. Theo kế hoạch này, thành phố Kula Lumpur đưa người bán hàng rong vào các trung tâm và chợ để họ buôn bán ổn định, cấp giấy phép.
Người bán hàng rong cũng được vay vốn để nâng cấp phương tiện bán hàng và tổ chức huấn luyện để cung cấp kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người bán hàng rong (có khoảng trên 30.000 người bán hàng rong được cấp giấy phép).Sau năm 1996, việc cấp phép cho người bán hàng rong bị ngưng vì số lượng người bán hàng rong tăng quá nhiều. Không có giấy phép, người bán hàng rong không được hưởng những quyền lợi như người được cấp phép nhưng họ vẫn bán hàng. Đối tượng này lại gây ra những vấn đề trật tự, vệ sinh cho thành phố mà chính quyền thành phố kiểm soát và ngăn chặn không xuể.
Hàng rong vẫn là một vấn đề gây trăn trở của Kuala Lumpur và nhiều thành phố trong khu vực.
Nguyên nhân của việc buôn bán hàng rong
Nguyên nhân khách quan
Buôn bán hàng rong là như là một công việc làm để mưu sinh của một bộ phận dân cư có thể là không kiếm được việc làm, mà chủ yếu là của những người từ các tỉnh khác về các thành phố lớn để kiếm sống. Hàng rong luôn gắn với đời sống của những người nghèo, kể cả người bán cũng như người mua. Có vẻ như hàng rong là lối thoát khá hiệu quả đối với một khối lượng sản phẩm lớn của những người sản xuất nhỏ.Các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở các vùng quê phụ thuộc một cách đáng kể vào nhũng gánh hàng rong trên đường phố, thông qua việc bao tiêu sản phẩm của họ. Không ngẫu nhiên mà hoạt động kinh tế buôn bán hàng rong lại tồn tại cho đến bây giờ ở các đô thị Việt Nam, nó cũng phải có những sự tác động nào đó và những nguyên nhân khách quan dẫn tới có một bộ phận bán hàng rong tồn tại ở các đô thị lớn. Do Việt Nam đi lên từ điểm xuất phát thấp, tỉ lệ người dân nghèo còn nhiều. Dân số ngày càng đông trong khi để kiếm được một việc làm không phải là điều dễ dàng dẫn tới người thất nghiệp ngày càng tăng với lại do nhu cầu và thói quen mua hàng rong của người dân ở các đô thị lớn cũng rất lớn.Buôn bán hàng rong đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thiết yếu của người dân đô thị Viêt Nam.
Nguyên nhân chủ quan
Ở Việt Nam những người đi buôn bán hàng rong vì thấy ở nông thôn thu nhập thấp không đáp ứng đủ với nhu cầu tiêu dùng của họ, với lại ở quê không có công ăn việc làm, vì đất đai hạn hẹp, vì mất nghề truyền thống nên đã đổ xô ra thành phố kiếm sống. Vì vậy bán hàng rong trở thành một giải pháp, bán hàng rong cung cấp việc làm và là nghề duy nhất để kiếm sống của rất nhiều người không chỉ sống bằng nghề bán hàng rong mà cả những lao động khi nông nhàn hay ở những vùng đất đai khan hiếm hoặc do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong thời gian gần đây. Hơn nữa họ hi vọng ở thành phố sẽ kiếm được nhiều tiền hơn với công việc này.Với lại người dân trong hoạt động buôn bán hàng rong chưa tha thiết với việc học nghề, học việc, mà hầu hết là họ đều hài lòng với công việc và khoản thu nhập có được trong hoạt động buôn bán hàng rong. Một nguyên nhân nữa là do thói quen ưa “tự do” về thời gian của người Việt Nam,vì họ có thể ngừng công việc và bắt đầu công việc của mình lại bất cứ lúc nào tùy thích, rồi lại phù hợp với năng lực, tuổi tác của những người dân nông thôn.
Tóm lại là những người dân nghèo Việt Nam đều có những nguyên nhân khách quan, chủ quan nhất định để hoạt động trong lĩnh vực buôn bán hàng rong.
TÀI LIỆU TỔNG HỢP THEO
Nghị định số 39/2007/NĐ-Cp của Chính phủ
Quy định số 46/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội
Street vendors in Asia: A review Sharit K Bhowmik International status of street hawkers, Report on Stress Hawkers
Sampling Singapore street fare at Whole foods, tác giả Rosemary Black, đăng trên Daily news
Triết lý kinh tế của hàng rong - TS Nguyễn Sĩ Dũng
http://southasia.oneworld.net - Saving the street vendors of 'Incredible India'
http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=30846#ixzz0td8 Ssbn0 - “Tôi đã mất ngủ cả đêm trƣớc khi nói về hàng rong”