0236.3650403 (221)

HỆ THỐNG TIỀN TỆ BRETTON WOODS (1944-1971) (BÀI 2)


3. Những tác động tích cực của Bretton Woods

Các quốc gia theo hệ thống Bretton Woods sẽ có nguồn dự trữ của họ dưới dạng tiền tệ của một nước duy nhất và chỉ có nước đó mới thực sự theo hệ thống bản vị vàng. Hệ thống hối đoái này cho phép các nước thành viên tiết kiệm được vàng vì họ có thể dùng vàng hoặc ngoại hối làm phương tiện thanh toán quốc tế. Hệ thống này còn cho phép các nước thành viên hưởng thu nhập trong việc nắm giữ ngoại hối, trong cất trữ vàng không đem lại thu nhập. Ngoài ra các nước còn giảm được chi phí giao dịch do việc chuyển dịch vàng giữa các nước với nhau. Dự trữ tiền tệ quốc tế được cung ứng dồi dào khi tỷ giá hối đoái ổn định tạo thuận lợi cho đầu tư và mậu dịch quốc tế suốt hai thập niên 50 và 60.

4. Sự sụp đổ của chế độ Bretton Woods

Tuy nhiên, vào cuối những năm 1950s và trong những năm 1960s, Mỹ đã chịu thâm hụt mậu dịch nặng nề với các nước khác. Tổng dự trữ vàng của Mỹ giảm thấp so với Đô la ngoại tệ. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle thúc đẩy ngân hàng Pháp bán vàng gửi trong ngân khố Mỹ nhằm tháo gỡ nguồn dự trữ Đô la của họ. Trong giai đoạn này, đồng USD cũng phải đối mặt với sự tấn công mạnh mẽ của những nhà đầu cơ tiền tệ trên thế giới, đứng trước sức ép phá giá so với vàng. Tuy nhiên, vì các thỏa ước của hệ thống Bretton Woods với chế độ tỷ giá cố định, đồng USD không thể phá giá so với vàng. Trong khi đó các nước có cán cân vãng lai thặng dư cũng không muốn tăng giá đồng tiền của mình hay thực hiện chính sách tiền tệ thu hẹp. Điều này khiến cho tình trạng dư thừa USD ngày càng sâu sắc hơn, hệ thống Bretton Woods đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Nhằm tránh những khủng hoảng hệ thống, ngăn cản những toan tính vào đồng USD, năm 1962, “Thỏa thuận chung về vay mượn – GAB” ra đời. Các nước tham gia GAB bao gồm Mỹ và 9 nước khác thỏa thuận cho IMF vay những khoảng vốn bổ sung trong trường hợp một trong các nước thành viên có nhu cầu vốn với quy mô lớn. Ngoài ra, NHTW Mỹ và 7 nước công nghiệp phát triển khác còn có những thỏa hiệp can thiệp lên giá vàng trên thị trường thế giới nhằm giữ giá vàng ở mức 35$/ounce. Tuy nhiên, đến năm 1967, người ta phát hiện ra rằng tổng lượng vàng dự trữ của Mỹ nhỏ hơn tài sản nợ của Mỹ tính bằng USD, và nếu NHTW các nước vẫn tiếp tục chuyển đổi USD ra vàng thì toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ. Vì vậy, các NHTW các nước quyết định ngừng không chuyển đổi USD ra vàng và ngừng can thiệp vào giá vàng trên thị trường thế giới. Từ đó hình thành hai giá vàng. Tuy nhiên vào đầu những năm 1970s, cuộc tấn công của những nhà đầu cơ vào đồng USD thật sự trở nên mạnh mẽ khi họ nhận ra USD và một số đồng tiền được định giá quá cao trong khi một số đồng tiền khác lại bị định giá quá thấp. Đô la Mỹ mất giá rõ rệt, nhất là trong tương quan với Mác Đức và Yên Nhật. Do vậy các NHTW Đức và Nhật đã phải can thiệp mạnh vào thị trường hối đoái để bảo vệ giá trị ngang giá của mình. Tuy nhiên, tình hình mất giá của Đô la Mỹ vẫn không được cải thiện. Cuối cùng trước sức ép của làn sóng đầu cơ vào USD, ngày 15/08/1971, tổng thống Richard Nixon đã tuyên bố chấm dứt việc chuyển đổi Đô la Mỹ ra vàng và trên thực tế hệ thống Bretton Woods đã sụp đổ.

Nguyên nhân sụp đổ chế độ Bretton Woods:

Giáo sư Robert Triffin đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ sụp đổ về lâu dài đối với chế độ hối đoái vàng. Do nhu cầu dự trữ ngày càng tăng, Hoa Kỳ phải liên tục chịu thâm hụt cán cân thanh toán và dần dần niềm tin vào đồng Đô la Mỹ sẽ bị thương tổn làm bùng nổ việc săn lùng Đô la. Các nước khác cũng phải dự trữ ngoại tệ để giải quyết thâm hụt cán cân thanh toán và nếu thâm hụt kéo dài sẽ đưa đến sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods. Mặt khác, nếu Mỹ áp dụng các biện pháp nhằm cải thiện cán cân thanh toán thì sẽ dẫn đến thiếu hụt thanh khoản của hệ thống, tạo áp lực thiểu phát nền kinh tế thế giới. Mâu thuẫn này được gọi là nghịch lý Triffin và đã bộc lộ rõ đầu những năm 70 và chế độ hối đoái này dựa trên Đô la Mỹ đã hoàn toàn sụp đổ.

                                                                                                                                                                        Lê Phúc Minh Chuyên