Giới thiệu Bộ tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9000 và những lợi ích của việc áp dụng ISO 9000
Ở nhiều nước, khách hàng thường đòi hỏi người cung cấp phải được chứng nhận có hệ thống quản trị chất lượng phù hợp với những yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9000 như là một điều kiện bắt buộc trước khi ký kết hợp đồng. Đặc biệt đối với những tổ chức có sản phẩm xuất nhập khẩu sang Liên hiệp Châu Âu (EU), Mỹ, Nhật bản, việc chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9000 là một trong những yêu cầu quan trọng để có thể tham gia thị trường. Việc áp dụng ISO 9000 góp phần tạo ra một tiếng nói chung cho các ngành công nghiệp, dịch vụ trên thế giới, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng khi lựa chọn người cung cấp.
- ISO 9000 là Bộ tiêu chuẩn Quốc tế về Hệ thống Quản lý chất lượng do Tổ Chức Quốc tế về Tiêu chuẩn hóa (ISO) ban hành lần đầu vào năm 1987 nhằm đưa ra các chuẩn mực cho Hệ thống quản lý chất lượng, không phải tiêu chuẩn cho sản phẩm, dịch vụ.
- ISO 9000 có thể áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (y tế, hành chánh công, giáo dục, đăng kiểm, kiểm định hàng hóa, ….) và cho mọi qui mô hoạt động (nhỏ hoặc lớn).
- Vòng đời quản lý của Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 thường là 05 năm soát xét và ban hành lại.
Tiêu chuẩn ISO 9000 là Tiêu chuẩn về hệ thống quản lý không phải tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đến nay đã được soát xét và ban hành được 04 lần:
Lần 1 - năm 1987 (ISO 9000:1987).
Lần 2 - năm 1994 (ISO 9000:1994).
Lần 3 - năm 2000 (ISO 9000:2000)
Lần 4 - năm 2008 (ISO 9001:2008)
Lần 5 - năm 2015 (ISO 9001:2015)
Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 gồm các tiêu chuẩn sau:
1. ISO 9000:2005 - Các thuật ngữ và định nghĩa. Hỗ trợ các thuật ngữ và định nghĩa trong các điều khoản của ISO 9001:2008.
Ví dụ: định nghĩa Chất lượng là gì? Đảm bảo chất lượng là gì, Năng lực là gì?,...
2. ISO 9001:2008 - Các yêu cầu. Đây là tiêu chuẩn để các tổ chức áp dụng theo đúng trình tự các điều khoản quy định và chứng nhận trên tiêu chuẩn này.
3. ISO 19011: Hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý chất lượng, Đây là tiêu chuẩn hỗ trợ các tổ chức áp dụng ISO 9001 trong hoạt động đánh giá phù hợp với quy định, cụ thể là điều khoản 8.2.2 trong tiêu chuẩn ISO 9001:2008 ( Đánh giá nội bộ).
4. ISO 9004: 2009-Hướng dẫn cải tiến, Tiêu chuẩn này hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng hiệu quản Tiêu chuẩn ISO 9001, Tiêu chuẩn này thông thường khi các tổ chức đã áp dụng thành công tiêu chuẩn ISO 9001.
Nhờ áp dựng ISO 9000, các tổ chức có thể thu được những lợi ích sau :
a.Lợi ích bên trong :
-Tổ chức có thể thực hiện các yêu cầu về chất lượng sản phẩm một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất, nâng cao khả năng cạnh tranh
- Tiết kiệm được nhiều chi phí do sản xuất hiệu quả hơn, vì các hệ thống hoạt động của tổ chức được kiểm soát từ đầu đến cuối
- Nhờ có một hệ thống tài liệu, tổ chức có thể đưa ra các biện pháp làm việc đúng ngay từ đầu, có thể xác định đúng nhiệm vụ và chỉ ra cách thực hiện để đạt được kết quả mong muốn.
- Nhờ việc xác định sự không phù hợp hoặc sai lỗi, và tiến hành các hoạt động khắc phục và phòng ngừa thích hợp, tổ chức có thể tránh được sự lặp lại các sai sót trong hệ thống
- Tổ chức có thể kiểm soát được chất lượng nguyên liệu và các chi tiết mua vào, bằng cách quản trị quá trình mua hàng theo yêu cầu
- Sau khi đã thiết lập được hệ thống quản trị chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn của ISO 9000, tổ chức có thể từng bước triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quản trị khác như quản trị môi trường hoặc áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến như phương pháp quản trị chất lượng đồng bộ TQM(Total Quality Management) và hướng tới những tiêu chí của Giải thưởng chất lượng Việt Nam và quốc tế.
b. Lợi ích đối với bên ngoài :
-Nhà sản xuất có thể chứng minh về khả năng cung cấp sản phẩm một cách ổn định, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và các yêu cầu chế định khác
- Tạo cho khách hàng niềm tin rằng sản phẩm sẽ được cung cấp đúng yêu cầu. Khi đó chứng nhận phù hợp với ISO 9000 sẽ trở thành “Giấy thông hành” trên thị trường trong và ngoài nước. Doanh nghiệp có thể quảng cáo việc được chứng nhận ISO 9000 để tăng uy tín của mình.
- Nếu tổ chức đã có chứng nhận ISO 9000, khách hàng của họ sẽ tin tưởng rằng sản phẩm và dịch vụ mà họ mua đã được sản xuất trong một hệ thống được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng nên giúp khách hàng giảm một phần chi phí thẩm định, đánh giá người cung cấp và chi phí kiểm tra chất lượng sản phẩm.
c. Lợi ích đối với nhân viên của Công ty :
-Nhờ việc tiêu chuẩn hóa các công việc, phân công trách nhiệm rõ ràng, nhân viên của tổ chức hiểu rõ hơn vai trò và nhiệm vụ của mình.
- Họ có thể thực hiện tốt công việc của mình mà không cần đến sự kiểm tra từ bên ngoài, nhờ vào hệ thống tài liệu chất lượng và những hướng dẫn thực hành theo các quy trình, quy phạm cụ thể.
- Nhân viên mới có thể nhanh chóng học được cách làm việc, bởi vì mọi chỉ dẫn chi tiết cần thiết cho những công việc liên quan đến chất lượng, đều được lập thành những quy trình với những văn bản rõ ràng.
- Với một hệ thống thông tin thông suốt, sẽ tạo ra sự tin tưởng và thông hiểu lẫn nhau giữa các nhân viên và giữa các bộ phận. Từ đó “ văn hóa tổ chức” cũng không ngừng được cải thiện.
Hồng Nhung