GIẢI PHÁP TĂNG KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP
NGƯỜI THỰC HIỆN: NGUYỄN THỊ TIẾN
BÀI 2
GIẢI PHÁP TĂNG KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP
I. Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay
1. Vốn của doanh nghiệp
Vốn luôn là yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp. Nó là cơ sở nền tảng để doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh nhằm đạt lợi nhuận cao nhất có thể. Trong nền kinh tế hội nhập yếu tố vốn đối với DN càng trở nên quan trọng, nó là cơ sở để doanh nghiệp phát triển mở rộng quy mô tạo thế cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong khu vực và thế giới.
Thực tế cho thấy những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp là rất lớn, trong khi vốn tồn đọng còn nhiều trong các nguồn và việc huy động vốn trong dân vào đầu tư sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện, các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn tự có của cá nhân. Với khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế, các doanh nghiệp có tình trạng phổ biến là chiếm dụng vốn lẫn nhau, làm lây nhiễm rủi ro giữa các doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp không biết cách huy động vốn, hoặc là không muốn chịu trách nhiệm huy động vốn và khi huy động được vốn rồi thì lại không biết làm thế nào để kinh doanh có hiệu quả.
2. Về hoạt động thị trường:
Nhìn chung trong thời gian qua, nhất là những năm gần đây khi mà hội nhập kinh tế toàn cầu đã trở thành phổ biến đối với các quốc gia, thì cạnh tranh cũng trở nên ngày càng gay gắt. Muốn tồn tại và đứng vững trên thị trường quốc tế buộc các doanh nghiệp Việt nam phải tiến hành nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác nghiên cứu thị trường của các DNVN còn hạn chế và yếu kém, nhiều thị trường tiềm năng chưa được khai thác, nhiều công ty đã phải chịu thua lỗ lớn và mất thị trường do không đi sâu vào nghiên cứu thị trường. Tuy hầu hết các công ty đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu thị trường, song vốn ít, ngân sách dành cho việc nghiên cứu thị trường rất hạn hẹp, khả năng tham quan, khảo sát trị trường nước ngoài rất hạn chế vì mỗi chuyến đi chi phí khá tốn kém, hiệu quả không cao do khả năng tìm kiếm, khai thác và xử lý thông tin của cán bộ còn yếu, lợi ích đem lại không đủ bù chi phí. Các doanh nghiệp còn rất hạn chế trong việc sử dụng công nghệ thông tin, công cụ toán học, thống kê trong nghiên cứu thị trường.
3. Trình độ công nghệ
Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã có những đổi mới, nhiều máy móc thiết bị và công nghệ mới được chuyển giao từ các nước công nghiệp phát triển. Song tốc độ đổi mới công nghệ và trang thiết bị còn chậm, chưa đồng đều và chưa theo một định hướng phát triển rõ rệt. Hiện vẫn còn tồn tại đan xen trong nhiều doanh nghiệp các loại thiết bị công nghệ từ lạc hậu, trung bình đến tiên tiến, do vậy đã làm hạn chế hiệu quả vận hành thiết bị và giảm mức độ tương thích, đồng nhất giữa sản phẩm đầu vào, đầu ra.
Sự lạc hậu về công nghệ và kỹ thuật sẽ tạo ra chất lượng sản phẩm thấp và không ổn định làm cho doanh nghiệp khó khăn trong việc lựa chọn mặt hàng kinh doanh, hạn chế khả năng cạnh tranh bằng giá.
4. Nhân lực trong các doanh nghiệp
Nhiều ý kiến cho rằng, lao động là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam bởi chi phí lao động rẻ, trình độ dân trí của lao động Việt Nam cao, có truyền thống lao động cần cù, ham học hỏi, khéo tay, nhanh trí,.. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng chi phí lao động tuy rẻ nhưng năng suất lao động chỉ ở mức trung bình và thấp (trên 60%), chủ yếu lại là lao động thủ công, tác phong lao động công nghiệp còn kém. Do đó nếu so sánh lao động Việt Nam với lao động các nước trong khu vực thì có thể nói đây là điểm yếu của Việt Nam.
5. Chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển, bảo quản, bao gói
Lợi thế nổi bật của các doanh nghiệp Việt nam là sử dụng khá nhiều nguyên vật liệu có sẵn trong nước. Tuy nhiên số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cung ứng nguyên liệu cũng không nhỏ đó là do nguồn cung ứng không ổn định, doanh nghiệp ở xa nguồn nguyên liệu, vận chuyển khó khăn, cước vận chuyển lớn.
Đối với những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thì gặp khó khăn, chủ yếu là do: nhập khẩu phải có giấy phép, thuế nhập khẩu cao, doanh nghiệp còn gặp trở ngại liên quan đến thủ tục hải quan. Những khó khăn trên dẫn đến việc chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng và không ổn định làm cho các doanh nghiệp không kiểm soát được giá thành sản phẩm.
II. Giải pháp tăng khả năng cạnh tranh của các DNVN
1. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp việt nam do nguồn vốn hạn chế đã góp phần không nhỏ trong việc cản trở năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong điều kiện khó có thể tăng một cách nhanh chóng nguồn vốn về số lượng, thì vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn là con đường phù hợp nhất để giải quyết những khó khăn về tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần lựa chọn các nguồn vốn phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, có thể huy động thông qua đội ngũ lao động trong doanh nghiệp để tạo nguồn vốn kịp thời với phí tổn thập cho doanh nghiệp và tăng cường gắn bó quyền lợi của người lao động với doanh nghiệp
Doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh tỷ trọng vốn lưu động nằm trong các khâu của quá trình kinh doanh cho hợp lý. Muốn quá trình kinh doanh được thực hiện một cách trôi chảy và tiết kiệm được chi phí thì ở mỗi khâu, mỗi giai đoạn phải có định mức hợp lý, tối ưu và đồng bộ với nhau để quá trình chuyển hóa các hình thái vốn được thuận lợi từ đó có thể xem xét được toàn diện các mặt dự trữ, lưu thông.
2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp.
Để có được đội ngũ lao động đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu kinh doanh trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường mở cửa, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Tiến hành sắp xếp bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý và lao động hiện có ở các doanh nghiệp. Cần phát hiện người có năng lực, bố trí họ vào những công việc phù hợp với ngành nghề, trình độ và năng lực sở trường. Bổ sung những cán bộ, lao động đủ tiêu chuẩn, có triển vọng phát triển, đồng thời thay thế những cán bộ, nhân viên không đủ năng lực, không đủ tiêu chuẩn, vi phạm pháp luật và đạo đức. Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ hiện có mà chưa cần đến việc đào tạo, bồi dưỡng.
Tạo sự gắn bó về quyền lợi và trách nhiệm của người lao động với doanh nghiệp bằng các chính sách như: đầu tư cho đào tạo, bảo đảm công ăn việc làm ổn định cho người lao động kể cả khi có biến động, xây dựng chế độ tiền lương và thưởng theo hướng khuyến khích người lao động có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đa dạng hóa các kỹ năng và đảm bảo khả năng thích ứng của người lao động khi cần có sự điều chỉnh lao động trong nội bộ doanh nghiệp. Biện pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng điều chỉnh lao động khi có những biến động, giảm được chi phí để tuyển dụng hay thuyên chuyển lao động.
Tiêu chuẩn hóa cán bộ, lao động trong doanh nghiệp. Ở mỗi ngành nghề, vị trí công tác, cung bậc công việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng về chuyên môn khác nhau. Do đó tiêu chuẩn hóa cán bộ phải cụ thể hóa đối với từng ngành nghề, từng loại công việc và phải phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ. Khi xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, cần phải tham khảo điều kiện khu vực và đặc thù của Việt Nam, tôn trọng tính văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp.
Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, lao động để có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, sử dụng thành thạo vi tính, am hiểu thị trường thế giới và luật lệ buôn bán quốc tế.
Hiện nay đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ, vốn ít, trình độ học vấn, kiến thức kinh doanh, hiểu biết luật pháp (nhất là luật pháp quốc tế) không cao, trình độ tay nghề của người lao động thấp… Trong điều kiện này, để thực hiện chiến lược cạnh tranh cần phải và nhất thiết phải thực hiện phương châm liên kết và hợp tác để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Sự liên kết và hợp tác không phải là phép tính cộng tổng số các doanh nghiệp, mà chính là tạo ra sức mạnh bội phần của các nhóm, các tập đoàn kinh tế cùng sản xuất kinh doanh một (hoặc một số) sản phẩm nhất định và cùng thực hiện chiến lược thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm trên thị trường.
3. Giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm
Nâng cao nhận thức của mọi thành viên trong từng doanh nghiệp, không chỉ từ đội ngũ lãnh đạo, quản lý mà ngay cả đội ngũ người lao động về ý nghĩa sống còn của việc giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Khơi dậy khả năng sáng tạo, phát huy trí tuệ của từng cá nhân và tập thể nhằm tìm cách tối thiểu hóa chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí nguyên liệu, chi phí quản lý doanh nghiệp... Ngoài ra, từng thành viên trong doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ lao động trực tiếp làm ra sản phẩm cần tự trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ tay nghề.
Với hiện trạng công nghệ và thiết bị sản xuất lạc hậu như hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam đã dẫn tới tình trạng định mức tiêu hao về chi phí nguyên vật liệu lớn và phát sinh thêm nhiều chi phí cho sửa chữa, bảo dưỡng. Do đó, trước mắt cần đẩy mạnh đầu tư và thay thế một số loại thiết bị, máy móc sản xuất đã quá lạc hậu, cho năng suất thấp và tiêu hao nhiều năng lượng. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều doanh nghiệp còn thiếu vốn, tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh để đầu tư đồng bộ công nghệ và thiết bị thì các doanh nghiệp này cần chủ động trong việc liên kết và hợp tác kinh doanh với nhau. Sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp thuộc các ngành khác nhau sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu những khó khăn về tài chính, công nghệ, vốn, thị trường... và đẩy mạnh nội lực phát triển cho doanh nghiệp.
Người viết
Nguyễn Thị Tiến