0236.3650403 (221)

GIẢI PHÁP NÀO CHO DU LỊCH MIỀN TRUNG THỜI HẬU COVID - 19


Đỗ Văn Tính

 

Nằm ở vị trí trung độ của cả nước với tổng diện tích tự nhiên 82.832 km2 (chiếm 23% tổng diện tích cả nước) Miền Trung gồm 7 tỉnh, thành trải dài từ Thanh Hóa tới Bình Thuận. Với quy mô dân số các tỉnh thành miền Trung có trên 20 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, GDP chiếm khoảng 20% cả nước. Miền Trung có vị trí chiến lược quan trọng, là đầu mối giao thông của cả nước và khu vực Tiểu vùng sông Mêkông trên Hành lang kinh tế Đông – Tây (1450km). Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, miền Trung đang được biết đến như một khu vực tăng trưởng năng động đối với các nhà đầu tư và kinh doanh trong và ngoài nước. Đặc biệt hơn nữa, trải dài trên 1.500 km bờ biển, là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây nối từ Myanmar qua Thái Lan và Lào. Do vậy, một trong những bức hoạ thiên nhiên tươi đẹp và cũng là lợi thế so sánh của miền Trung với những vùng miền khác, trước hết phải kể đến đó là biển.

Đến với du lịch Miền Trung là đến với một dải đất nối 2 đầu đất nước, nơi thiên nhiên đầy thử thách mà rất đỗi nên thơ; con người chân chất, cởi mở, thấm đượm tình yêu quê hương đất nước. Xuôi theo dải đất này, ta sẽ bắt gặp vô vàn cảnh sắc hữu tình, công trình lịch sử giàu giá trị truyền thống hay những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc. Du khách đến và nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật miền Trung, vừa đáp ứng những đòi hỏi phải tăng cường tri thức lí luận và thực tiễn về một vùng văn hóa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của nó, đồng thời góp phần đáng kể vào việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam nói chung. Với tính chất “động”, vùng văn hóa này đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả, trong và ngoài nước. Nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật Miền Trung, không chỉ nhằm tôn vinh những giá trị, chuẩn mực của nó, mà còn hướng tới mục đích vì sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của miền Trung, ở đây văn hóa - nghệ thuật, mà giá trị cao nhất là bản lĩnh - tính cách con người miền Trung như tiềm năng và động lực cho sự phát triển xã hội, như là hệ điều chỉnh cho chính sách phát triển kinh tế, xã hội miền Trung trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Miền Trung có tiềm năng về hệ thống cảng biển nước sâu, sân bay đều khắp các địa phương, những khu công nghiệp, khu kinh tế với cơ chế, chính sách vượt trội và định hướng phát triển một số ngành công nghiệp lớn có sức lan tỏa được phát huy một cách triệt để… nơi đây sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Và du lịch sẽ được lựa chọn là một trong những lĩnh vực ưu tiên và thu hút đầu tư trong thời gian tới của Miền Trung bởi vì với những di sản văn hóa thế giới như cố đô Huế - Quần thể di tích Cố đô Huế  là những di tích lịch sử, văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa, nay thuộc phạm vi thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, Việt Nam; Hay đến với Đà Nẵng - với bãi biển Bắc Mỹ An nằm trong top 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh do tạp chí Forbes bình chọn; Vịnh Nha Trang được kết nạp vào câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới; Hoặc đến phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn,…cùng với những trang sử sống động và việc sở hữu hàng loạt di sản vật thể và phi vật thể tầm cỡ thế giới do UNESCO công nhận; Hay những điểm đến khác của Miền Trung được thiên nhiên ưu đãi với những núi non, sông biển… đã tạo ra cho miền Trung có một tiềm năng phát triển du lịch hơn hẳn so với các địa phương khác, là cơ sở để Miền Trung nhận diện được lợi thế cạnh tranh nổi bật của mình, cũng như giúp cho ngành du lịch Miền Trung có thể tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt du lịch Miền Trung còn gắn với những bãi biển đẹp đầy nắng gió, ẩm thực mang đặc trưng hương vị biển và những con người Miền Trung hiền hòa mến khách có thể làm hài lòng du khách, đồng thời du lịch ở đây còn hội tụ các yếu tố khác như nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài nguyên đất đai phong phú để phục vụ cho việc phát triển những dự án du lịch, công nghiệp quy mô lớn có thể tập trung phát triển ở khu vực này.

Nhưng trên đây chỉ phần nào thể hiện thế mạnh tương đối của miền Miền Trung vì nó chưa thể hiện sự khác biệt cơ bản về sản phẩm dịch vụ so với các điểm du lịch khác của các nước trong khu vực. Cụ thể là tài nguyên du lịch của miền Trung thực chất vẫn còn ở dạng tiềm năng, còn rất thô sơ nên thu nhập về du lịch vẫn còn thấp; Sự liên kết giữa các địa phương trong việc thu hút các nhà đầu tư vẫn chưa chặt chẽ, đồng bộ; Hệ thống giao thông, hạ tầng vẫn còn yếu nên việc kết nối cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch văn hóa chưa thực sự hấp dẫn; Lao động hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch còn thiếu và yếu về năng lực - giới kinh doanh khách sạn ở miền trung đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn nhân lực. Số lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm tới 70% tổng số lao động trong ngành du lịch miền trung; trong đó số được đào tạo qua các hệ đại học, cao đẳng và trung cấp chiếm không quá 8%; Hệ thống lưu trú của miền Trung cũng chưa xứng tầm để khuếch trương du lịch; Việc quảng bá dành cho miền Trung cũng chưa thực sự đúng mức… ;Số dự án đầu tư được thu hút vào lĩnh vực văn hóa – thể thao và du lịch vào Miền Trung có tăng mạnh, nhưng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu phát triển để thực hiện những mục tiêu chiến lược.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho kinh tế du lịch Miền Trung trong năm 2015 được xác định là 410,6 triệu USD và giai đoạn 2016 – 2020 tổng mức đầu tư là 1.642 triệu USD; Tổng vốn FDI của vùng thu hút đạt gần 58 tỷ USD (theo số liệu của Bộ KH&ĐT năm 2019) chiếm 16,3% vốn FDI cả nước. Vấn đề đặt ra là tập trung khai thác và phát triển thị trường du lich quốc tế, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch và phát huy lợi thế sản phẩm du lịch của Miền Trung, đẩy mạnh phát triển không gian du lịch, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỷ thuật, nhất là giao thông, xúc tiến và quảng bá du lịch ra nước ngoài và trong nước như xây dựng các thương hiệu cho sản phẩm du lịch…Tuy nhiên, cho đến nay kết quả đạt được từ lĩnh vực này còn quá thấp, lượng khách quốc tế đến Miền Trung vẫn còn ít; trong khi đó tỷ lệ khách quay trở lại lần 2 cũng quá manh mún. Đó là chưa kể đến chất lượng phục vụ, sự tiện ích của các dịch vụ du lịch còn kém xa so với các nước trong khu vực.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                (Nguồn: Tổng Cục Du Lịch)

 

 

 

 

Tuy nhiên, hiệu quả vẫn không cao, phát triển du lịch thiếu cân đối giữa các địa phương trong vùng. Cụ thể là du lịch ven biển phát triển mạnh với nhiều khu du lịch, trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế (như Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Phan Thiết,…), hàng năm thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. Hầu hết các tỉnh có biển đã thu hút đầu tư phát triển nhiều khu du lịch ven biển có quy mô lớn, chất lượng cao. Nhiều địa phương thu hút được những nhà đầu tư chiến lược trong nước có tiềm lực tài chính như FLC, Vingroup, Sungroup… và quốc tế đầu tư phát triển các dự án hạ tầng du lịch ven biển đẳng cấp quốc tế. Kết quả là doanh thu từ sản phẩm du lịch của Miền Trung chưa được 20% cả nước..., tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn vùng đạt khoảng 7,62%/năm.

Miền Trung còn phải đối mặt với những vấn đề còn tồn tại khác nữa đó là cơ sở hạ tầng về giao thông, du lịch và cơ sở vui chơi, giải trí còn thiếu, cũng như việc tiếp ứng những cơ chế ưu đãi của Chính phủ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho du lịch Miền trung trong những năm qua hơn 1000 tỷ đồng, chiếm 38% tổng nguồn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch cả nước, nhưng kinh tế du lịch Miền Trung vẫn chưa bức phá. Các sản phẩm du lịch còn quá nghèo nàn, một số địa phương quá dựa dẫm vào các di sản văn hóa thế giới mà không biết cách khai thác cũng như quảng bá đúng tầm, nên cũng chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho mình để có thể thu hút nhà đầu tư. Cụ thể là so với mục tiêu đặt ra trước đây là đến đến năm 2020 Miền trung thu hút hơn 2,5 triệu du khách quốc tế và 10 triệu khách du lịch nội địa, thì thực tế con số này vẫn còn khá khiêm tốn.

Mặt khác, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Miền Trung nói riêng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm rất mạnh, từ khoảng 1,9 triệu lượt vào tháng 1/2020 xuống chỉ còn hơn 400.000 lượt vào tháng 3/2020. Cũng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong nước cũng như trên thế giới và do thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/3/2020, nên lượng du khách đến nước ta liên tục giảm. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 chỉ đạt 26,2 nghìn lượt người; trong tháng 5 chỉ đạt 22,7 nghìn lượt người, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm tới 98,3% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Miền Trung, theo thống kê của ngành du lịch, trong tháng 5, thành phố biển Đà Nẵng đón hơn 612.000 lượt khách (tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm 2016). Tỉnh Thanh Hóa đón hơn gần 1 triệu lượt khách (tăng 7,2%), trong đó khách quốc tế tăng gần 20% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt gần 1.300 tỷ đồng. Tỉnh Nghệ An đón hơn 0,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 150 tỷ đồng (lượt khách đến và doanh thu đều tăng hơn 55%). Tại các tỉnh Bình Thuận, Quảng Trị, Quảng Ngãi, lượng du khách tăng nhẹ. Theo đó, đã có 380.000 lượt khách đến Bình Thuận trong tháng 5, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 800 tỷ đồng (tăng 20%). Quảng Trị đón 155.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 125 tỷ đồng. Tại Quảng Ngãi, lượng khách quốc tế đạt 8.000 trong tổng số 82.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 72 tỷ đồng.

Lượng khách du lịch quốc tế đến miền Trung trong suốt thời gian từ 2016 - 2020 luôn dao động trong khoảng từ 20 - 22% tổng lượng khách quốc tế đi lại giữa các địa phương trong cả nước. Lượng khách nội địa đến khu vực hết sức khiêm tốn, chỉ khoảng 5- 7,5%.

(Nguồn: Tính toán từ số liệu Niên giám thống kê các địa phương và cả nước qua các năm)

Kết quả là tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng đạt khoảng 5%/năm (giai đoạn 2016 - 2020), là một trong những vùng miền có lợi thế du lịch lớn nhất cả nước nhưng ngành du lịch Miền Trung chỉ đóng góp chưa đến 8% tổng thu nhập toàn ngành. Hiện nay, đóng góp của ngành du lịch Miền Trung chỉ chiếm dưới 10% tổng thu nhập du lịch toàn quốc. Đây là một con số đáng báo động vì Miền Trung đang lãng phí nguồn tài nguyên du lịch mà không phải nơi nào cũng có.

Giải bài toán cho du lịch Miền Trung trong bối cảnh “đại dịch toàn cầu do chùm virus corona (Covid - 19), gắn với các bất ổn khác trên quy mô toàn cầu đang tác động mạnh tới nền kinh tế nước ta, mà cụ thể là chiến thương mại, các biến cố chính trị, quân sự tại Trung Đông…vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và mới ở giai đoạn đầu với sự tác động còn rất lớn” là rất khó và đòi hỏi những giải pháp đồng bộ cả tầm vĩ mô lẫn vi mô mang tính đột phá, kiên trì, và sáng tạo. Cụ thể là:

Cần có sự kết nối tích cực giữa những địa phương Miền Trung trong hoạt động du lịch, văn hóa. Cần tạo ra các mối liên kết giữa các địa phương với các Bộ Ngành liên quan trong việc tiến hành các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động du lịch, cần có sự chia sẻ của lãnh đạo địa phương với các nhà đầu tư trong việc giải quyết những khó khăn phát sinh trong thực tế, chia sẻ thông tin, hỗ trợ xúc tiến quảng bá. Ngành du lịch Miền Trung cần xác định rõ rằng, chìa khóa thành công trong kinh doanh nói chung và kinh doanh du lịch nói riêng bao giờ cũng là vị thế trên thương trường, định vị và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch Miền Trung cần đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá, xúc tiến nhằm đưa nhiều thông tin hơn nữa tới du khách trong và ngoài nước. Cần có sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý du lịch địa phương, các đơn vị cung ứng dịch vụ để tạo ra lợi thế về sản phẩm, giới thiệu nhiều hơn nữa những sản phẩm mới và sản phẩm liên kết, hướng đến lợi ích của khách hàng, khai thác mạnh mẽ nguồn khách trong và ngoài nước.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngành du lịch Miền Trung nói chung cần thận trọng trong việc lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực và thực sự muốn đầu tư chứ không phải đến Miền Trung để giữ đất đầu cơ; tạo ra cơ chế, chính sách thuận lợi cho đầu tư du lịch, khuyến khích đầu tư vào các khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích phát triển các loại hình du lịch gắn với bảo tồn tự nhiên và văn hoá, tranh thủ sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch; Có chích sách thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài về phát triển du lịch, các dự án phát triển hạ tầng nông thôn. Hỗ trợ kinh phí ngân sách phát triển hạ tầng du lịch, ưu tiên cho vùng miền núi và vùng các dân tộc thiểu số. Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn và có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế tiến tới xây dựng thương hiệu du lịch Miền Trung.

Mặt khác, cần có biện pháp để trấn an tâm lý du khách thông qua tăng cường các biện pháp y tế, như phân bố nguồn lực để đảm bảo vệ sinh cho dịch vụ vận tải, cung cấp giấy chứng nhận y tế;… Đồng thời, cần có đánh giá tác động đến người lao động dễ bị tổn thương trong lĩnh vực du lịch, như phụ nữ, cộng đồng dân tộc thiểu số vì xu hướng du lịch sinh thái gần đây đã mang lại nhiều lợi ích cho họ; Cần hiểu rõ hơn sự phát triển của lĩnh vực này bằng cách thu thập dữ liệu có tần suất cao thông qua các khảo sát nhanh, cần phải phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội tư nhân đánh giá tình hình tài chính của ngành du lịch. Đánh giá này cần xem xét sự khác biệt giữa các khu vực và đặc điểm của từng nhóm doanh nghiệp dịch vụ du lịch, như về quy mô, nội địa, quốc tế, công lập, tư nhân,… Để hoạch định chính sách hiệu quả, cần cập nhật thông tin về cả nguồn cung và cầu trong lĩnh vực này; Kết hợp các giải pháp về giảm giá dịch vụ song song với nâng cao chất lượng phục vụ nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch và điểm đến. Về giá cả, trong ngắn hạn, có thể sử dụng các công cụ tiêu chuẩn như giảm thuế, phí, lệ phí. Do vậy, để hiệu quả hơn, cần tập trung vào chất lượng các sản phẩm du lịch.

Tóm lại, Trong thời gian tới, Miền Trung cần có sự gắn kết, nỗ lực tối đa các địa phương trong Vùng thông qua các giải pháp như đã nêu trên. Bên cạnh nguồn vốn ưu tiên ,Miền Trung cần tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư cho khu vực vì mục tiêu liên kết phát triển KTXH nói chung và lĩnh vực phát triển du lịch nói riêng vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Vùng.

 

            Tài liệu tham khảo:

[1] Trung tâm xúc tiến đầu tư Miền Trung, http://centralinvest.mpi.gov.vn

[2] Sở Văn hóa-thể thao và du lịch TP.Đà Nẵng, http://cst.danang.gov.vn

[3] Tổng cục du lịch Việt Nam, http://www.vietnamtourism.gov.vn

[4] Cục thống kê Tp.Đà Nẵng, http://www.cucthongke.danang.gov.vn

[5] Tổng cục thống kê, http://www.gso.gov.vn

 

Files đính kèm