GIẢI PHÁP NÂNG CAO DOANH THU CỦA NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta trong thời gian tới nên chúng ta cần chú trọng phát triển du lịch theo hướng bền vững tức là phát triển du lịch phải dựa trên các dự án, kế hoạch đồng bộ và mang tính cộng đồng, bảo tồn các giá trị truyền thống nhưng vẫn phát huy được thế mạnh “vẻ đẹp tiềm ẩn” của du lịch Việt Nam.
Các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao doanh thu của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới như sau:
- Xác định các thị trường trọng điểm như việc tập trung khai thác thị trường ASEAN và châu Á nhằm tăng cường giao lưu văn hoá giữa các nước trong khu vực, đồng thời giữ vững tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến VN. Các nhóm thị trường có khả năng chi trả cao như Tây Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ cũng vẫn được quan tâm đúng mức. Với chính sách khuyến khích những người VN định cư ở nước ngoài về thăm và đầu tư phát triển kinh tế ở quê hương, hy vọng từ năm 2015, tỷ lệ kiều bào về thăm thân và đầu tư sẽ ngày càng tăng.
- Đẩy mạnh xúc tiến du lịch đặc biệt là ở nước ngoài, nhấn mạnh đến kế hoạch xúc tiến trên cơ sở sử dụng nguồn hỗ trợ của Chính phủ, từ quỹ hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động xúc tiến thông qua các kênh truyền hình và các kênh quốc tế lớn. Đẩy mạnh phát triển hợp tác quốc tế trong phát triển sản phẩm và xúc tiến điểm đến. Tăng cường tổ chức các sự kiện du lịch trong nước cùng với việc tham gia các sự kiện du lịch nước ngoài nhằm quảng bá và tăng thêm cơ hội hội nhập và thu hút đầu tư cho ngành du lịch Việt Nam.
- Tăng cường liên kết đa ngành, liên kết các địa phương nhằm phát triển đa dạng hoá sản phẩm du lịch Mục đích của việc hình thành nên các mối liên kết là nhằm hạn chế tình trạng nhập khẩu trong ngành du lịch, thay thế sản phẩm nhập từ nơi khác bằng các sản phẩm, dịch vụ của chính địa phương. Khi các mối liên kết tốt sẽ thúc đẩy du lịch phát triển. Hiện nay, việc liên kết nhiều ngành nghề kinh tế với nhau trong một khu vực sẽ là nhân tố cơ bản nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, tránh tình trạng chỉ có một ngành độc quyền tại một địa phương nào đó.
- Các cơ chế chính sách cho phát triển du lịch cần được tiếp tục được cải tiến và đổi mới để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch vào Việt Nam. Các chính sách đẩy lùi lạm phát cần được thực thi có hiệu quả để tác động một cách tích cực tới chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam, thu hút được lượng khách quốc tế.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ, các sản phẩm du lịch mới cần phải được tiếp tục khai thác để thu hút khách, đặc biệt là hai loại hình du lịch tàu biển và đường bộ. Các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ lao động trong ngành du lịch sẽ tiếp tục được triển khai nhằm cải thiện tình trạng thiếu nhân lực có tay nghề cao trong ngành.
- Du lịch là một công cụ xoá đói giảm nghèo hữu hiệu và có tác dung nhanh chóng và rõ rêt hơn hẳn các ngành kinh tế khác nên bên cạnh việc phát triển các dự án du lịch lớn cần chú trọng đến hoạt động du lịch cộng đồng và du lịch vì người nghèo.
Phạm Thị Uyên Thi – Khoa QTKD