GIAI ĐOẠN KHỞI SỰ DỰ ÁN ĐẦU TƯ (PHẦN 2)
3. Các cơ hội để hình thành ý tưởng dự án
- Cơ hội đầu tư chung: là cơ hội đầu tư được xem xét ở cấp độ ngành, vùng, cả nước hoặc cho một loại tài nguyên thiên nhiên của đất nước, ứng với mỗi cơ hội đầu tư, ta có một dự án. Nghiên cứu cơ hội đầu tư chung nhằm phát hiện những lĩnh vực, những bộ phận hoạt động kinh tế – xã hội cần và có thể được đầu tư trong từng thời kỳ phát triển kinh tế – xã hội của ngành, vùng, đất nước hoặc của từng loại tài nguyên thiên nhiên của đất nước, từ đó hình thành các dự án sơ bộ.
Trong giai đoạn này, các cấp quản lý kinh tế, các cấp chính quyền, các tổ chức quốc tế (nếu được mời), các doanh nghiệp, các tầng lớp dân cư có liên quan đến dự án sẽ tham gia (ở mức độ khác nhau) vào quá trình nghiên cứu và sàng lọc các dự án, chọn ra một số dự án thích hợp với tình hình phát triển và khả năng của nền kinh tế, với thứ tự ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của vùng, của đất nước hoặc chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ của ngành và hứa hẹn hiệu quả kinh tế, tài chính khả quan.
- Cơ hội đầu tư cụ thể: Là các cơ hội đầu tư được xem xét ở cấp độ tùng đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ nhằm phát hiện những khâu, những giải pháp kinh tế, kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của đơn vị cần và có thể được đầu tư trong từng kỳ kế hoạch, vừa để phục vụ cho việc thực hiện chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ của đơn vị vừa đáp ứng mục tiêu phát triển ngành, vùng và đất nước.
4. Đánh giá ý tưởng đầu tư để quyết định nghiên cứu dự án
Trước khi một ý tưởng đầu tư được quyết định nghiên cứu như là một dự án đầu tư, các nhà sáng kiến dự án cần phải trả lời được một cách chắc chắn các câu hỏi sau đây:
- Liệu có cần một dự án như thế hay không? Đã cần thực hiện vào lúc này hay chưa?
- Dự án có cơ hội thực hiện không? Mức độ chắc chắn của các cơ hội có được xác nhận không? Cá nhân được sự ủng hộ của các đối tượng liên quan không?
- Nếu cơ hội được lựa chọn thì khi thực hiện có gặp phải những khó khăn lớn hay không? Các khó khăn đó có hướng nào để giải quyết được không?
- Tại sao từ trước đến nay chưa có một dự án đề cập đến vấn đề này? Nguyên nhân của sự chậm trễ đó là gì? Cái gì là nguyên nhân chủ yếu và hiện nay các trở ngại đó sẽ ra sao nếu dự án được triển khai?
Việc trả lời được các câu hỏi trên một cách xác đáng sẽ là cơ sở để người có sáng kiến dự án thuyết phục chủ đầu tư chấp nhận sáng kiến của mình và chuyển sáng kiến đó thành dự án.
ThS. Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD