GIAI ĐOẠN KHỞI SỰ DỰ ÁN ĐẦU TƯ (PHẦN 1)
1. Ý tưởng về một dự án
Mục tiêu của giai đoạn này là nghiên cứu và phát hiện các cơ hội đầu tư, nghĩa là xem xét nhu cầu và khả năng cho việc tiến hành một công cuộc đầu tư, các kết quả sẽ đạt được nếu thực hiện đầu tư.
Đây là giai đoạn hình thành dự án và là bước nghiên cứu sơ bộ. Yêu cầu của giai đoạn này là phải đưa ra được các thông tin cơ bản phản ánh sơ bộ khả năng thực thi và triển vọng của từng cơ hội đầu tư đem lại hiệu quả và sự phù hợp với thứ tự ưu tiên trong chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của ngành, trong chiến lược phát triền kinh tế – xã hội của vùng, của đất nước.
Bản thân các doanh nghiệp cũng như Nhà nước luôn cần phải tìm kiếm các giải pháp cần thiết để giải quyết các vấn đề theo thứ tự ưu tiên nhất định. Tuy nhiên một ý tưởng về một phương án sản xuất mới, một sản phẩm mới, hay một phương thức kinh doanh mới không phải nhanh chóng được hình thành mà nó phải trải qua một quá trình nghiên cứu, cân nhắc phức tạp trong suy nghĩ của nhà sáng kiến. Đây chính là giai đoạn hình thành một ý tưởng về một vấn đề nào đó cần quan tâm nghiên cứu sâu hơn, điều này cũng hàm chứa cả mục tiêu cần phải giải quyết.
Một ý tưởng về một sản phẩm nào đó có thể sản xuất để bán về nguyên tắc có thể xem như là mục tiêu của một dự án. Như vậy, mục tiêu của dự án khá cụ thể và có thể đo được nội dung của nó. Song nếu xét đầy đủ các yếu tố để tạo ra và tiêu thụ được nó trên thị trường thì mục tiêu này còn rất mơ hồ và ẩn chứa nhiều rủi ro bên trong đòi hỏi người đưa ra sáng kiến cần phải trả lời trước khi triển khai thực hiện.
Các căn cứ để nghiên cứu và phát hiện các cơ hội đầu tư là:
- Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của vùng, của đất nước, của địa phương hoặc chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của ngành, của cơ sở.
- Nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới về các mặt hàng hoặc dịch vụ cụ thể nào đó.
- Tình hình cung cấp các mặt hàng hoặc hoạt động dịch vụ cụ thể nào đó trong nước và trên thế giới có còn chỗ trống cho dự án chiếm lĩnh không?
- Tiềm năng sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, vốn, sức lao động cần và có thể khai thác để thực hiện dự án, xác định những lợi thế so sánh nếu thực hiện đầu tư.
- Những kết quả sẽ đạt được nếu thực hiện đầu tư.
2. Mục đích của việc nghiên cứu ý tưởng đầu tư
Mục tiêu của việc nghiên cứu cơ hội đầu tư là xác đinh một cách nhanh chóng và ít tốn kém nhưng lại dễ thấy về các khả năng đầu tư trên cơ sở những thông tin cơ bản đưa ra đủ để làm cho người có khả năng đầu tư phải cân nhắc, xem xét và đi đến quyết định có triển khai tiếp sang giai đoạn nghiên cứu sau hay không. Bản chất của việc nghiên cứu cơ hội đầu tư là việc nghiên cứu còn sơ sài, được thể hiện ở việc xác định đầu vào, đầu ra, hiệu quả tài chính thường dựa vào các ước tính tổng hợp hoặc dựa vào các dự án tương tự để xem xét.
Giai đoạn nghiên cứu cơ hội đầu tư nhằm loại bỏ những dự kiến rõ ràng không khả thi mặc dù không cần đi sâu vào chi tiết. Tính không khả thi này được chứng minh bằng các sô liệu thống kê, các tài liệu thông tin kinh tế dễ tìm. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí của các nghiên cứu kế tiếp. Việc nghiên cứu và phát hiện các cơ hội đầu tư ở mọi cấp độ phải được tiến hành thường xuyên để cung cấp các dự án sơ bộ cho nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, từ đó xác định được danh mục các dự án đầu tư cần thực hiện trong từng kỳ kế hoạch.
ThS. Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD