GIÁ TRỊ VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
Th.S Phạm Thị Thu Hương
Hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng làm cho các doanh nghiệp ý thức sâu sắc hơn về vấn đề nâng cao chất lượng. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu đối với doanh nghiệp đó là vấn đề xây dựng hệ thống chất lượng để tạo ra khả năng cạnh tranh cao hơn trên thương trường quốc tế. Hệ thống chất lượng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thương lượng, đàm phán, ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Thông thường các doanh nghiệp nước ngoài thường luôn xem việc có giấy chứng nhận về chất lượng sản phẩm của các tổ chức quốc tế là điều kiện bắt buộc trong các cuộc thương lượng, đàm phán kiểu này.
Khi xây dựng hệ thống chất lượng chúng ta cần xuất phát từ những đặc điểm đặc thù của mỗi doanh nghiệp. Việc xây dựng hệ thống chất lượng cần phải được tính toán trên phương diện chi phí thấp nhất có thể để thiết kế và chế tạo ra sản phẩm. Người tiêu dùng luôn luôn mong muốn và tin tưởng rằng sản phẩm họ mua được luôn là tin cậy, chắc chắn đúng như những gì nhà sản xuất đã hứa hẹn và cam kết.
Trên phương diện lý thuyết và thực tế quản trị chất lượng chúng ta cần xem xét cả hai vấn đề: chất lượng sản phẩm và quản trị chất lượng. Bảo đảm chất lượng đòi hỏi chúng ta phải chi phí không ít tiền bạc và công sức. Chi phí về công sức lao động trực tiếp của người lao động trong việc nâng cao chất lượng là không hề nhỏ, nhưng chi phí cho lao động trí tuệ của đội ngũ các nhà quản lý, các nhà khoa học, các kỹ sư, các nhà tư vấn sẽ ngày càng tăng và có một vai trò cực kỳ quan trọng. Nhiệm vụ phối hợp hài hòa mọi cố gắng của mọi người, mọi cấp, mọi ngành nghề, ở bên trong, và bên ngoài của một tổ chức là hết sức cần thiết để nâng cao được chất lượng.
Đối với nhiều doanh nghiệp giá trị của chất lượng sản phẩm nằm ở chỗ, chỉ những sản phẩm có chất lượng thì mới nhận được giấy thông hành để xuất khẩu vào thị trường của các nước công nghiệp phát triển. Những cuộc thi chuyên ngành gián tiếp hay trực tiếp có liên quan đến chất lượng sản phẩm sẽ là một yếu tố tích cực trong việc thi đua nâng cao chất lượng trong các doanh nghiệp hiện nay, giúp họ nâng cao được khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Những cuộc thi mang nhiều màu sắc khác nhau để trao giải thưởng và danh hiệu danh dự cho các doanh nghiêp và các cá nhân làm ra, hay sử dụng có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ cũng thường được tổ chức hàng năm ở nhiều nước trên thế giới.
Hàng năm một số tổ chức có uy tín của Việt Nam cũng tổ chức công bố những giải thưởng có liên quan đến việc tôn vinh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngày 09/12/2007 tại Hà Nội 131 doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế được tôn vinh trong lễ trao giải Chất lượng Việt Nam 2007 do Tổng cục đo lường tiêu chuẩn Chất lượng- Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức. Đây là những gương mặt tiêu biểu của nền kinh tế đất nước trong công cuộc nâng cao chất lượng sản phẩm ở thời kỳ đầu tiên đất nước gia nhập WTO.