0236.3650403 (221)

Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử trong Giao dịch Điện tử


Điều 22 luật Giao dịch điện tử quy định điều kiện để đảm bảo an toàn chữ ký điện tử: “Chữ ký điện tử được xem là bảo đảm an toàn nếu được kiểm chứng bằng một quy trình kiểm tra an toàn do các bên giao dịch thỏa thuận và đáp ứng được các điều kiện kiểm chứng”
Việc sử dụng hay không sử dụng chữ ký điện tử là thỏa thuận của các bên (điều 23)
Chữ ký điện tử điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu được coi là có giá trị pháp lý nếu “Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu”; “Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi” (điều 24)
Nếu thông điệp dữ liệu được ký bằng chứ ký điện tử của cơ quan tổ chức và đáp ứng các yêu cầu về kiểm chứng và có chứng thực thì được coi như văn bản có đóng dấu (điều 24)
Hiện nay, Việt nam đã thừa nhận giá trị pháp lý của thông tin điện tử, chữ ký điện tử và thừa nhận giá trị chứng cứ của các văn bản điện tử. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đó vẫn chỉ là những quy định thuần tuý mang tính lý luận, còn để những quy định này đi vào thực tiễn thì chưa thật đầy đủ. Về việc thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, không những cần đưa ra các quy định pháp luật thuần tuý mà còn phải xây dựng một cơ chế kiểm tra rất chặt chẽ để xác minh các chữ ký điện tử. Công nghệ được sử dụng và các thiết bị kỹ thuật phải được lựa chọn và trang bị đầy đủ.
Nên dựa trên nền tảng “chuẩn” quốc tế để thiết lập một bộ mã chung làm cơ sở mã hoá dữ liệu và chữ ký điện tử. Ngoài ra, cần phải thiết lập chu trình xác thực dữ liệu số và công chứng số. Cần phải thiết lập một cơ quan có chức năng xác minh căn cước và tính xác thực của những người có chữ ký điện tử.
Mặt khác, trong thương mại điện tử, vấn đề bản gốc luôn gắn liền với chữ ký điện tử. Việc sử dụng chữ ký điện tử đồng nghĩa với việc mã hoá tài liệu được ký kết. Để cho văn bản điện tử và văn bản viết truyền thống có giá trị pháp lý như nhau thì cần phải giải quyết trọn vẹn về mặt pháp lý 3 vấn đề liên quan mật thiết với nhau đó là “văn bản điện tử, chữ ký điện tử và bản gốc”.
Việc công nhận giá trị chứng cứ của văn bản điện tử đã được đưa vào các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, khi xác định một văn bản điện tử có giá trị chứng cứ, các thẩm phán, trọng tài cần phải có trách nhiệm kiểm định độ tin cậy của hệ thống bảo mật, mã hoá văn bản điện tử, đảm bảo yêu cầu về tính nguyên vẹn của thông tin chứa đựng trong văn bản.
 LÊ HOÀNG THIÊN TÂN