FAKE OOH và một số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng tại Việt Nam
Fake OOH
Fake OOH (Out-Of-Home) hay Faux OOH (FOOH) là thuật ngữ chỉ việc sử dụng các hình ảnh, clip quảng cáo hoặc các nội dung giả mạo để tạo ra ấn tượng và thu hút sự chú ý. Một điển hình là việc sử dụng CGI (Computer Generated Imagery) để tạo ra các hình ảnh hoặc cảnh quảng cáo như thật, khi thực chất đó chỉ là sự mô phỏng. Với nhiều lợi thế, gần đây nhiều chiến dịch quảng cáo dùng fake OOH gây viral lớn và được đánh giá cao.
Tuy nhiên tại Việt Nam, việc sử dụng Fake OOH, hay CGI nếu không có sự cân nhắc có thể gây hiểu lầm cho người xem, dẫn đến một số nguy cơ về mặt pháp lý.
Lợi thế của Fake OOH
Đầu tiên nằm ở việc tiết kiệm chi phí. Quảng cáo ngoài trời khá đắt đỏ, thường yêu cầu thời gian thực hiện cũng như sản xuất dài. Doanh nghiệp sử dụng Fake OOH chỉ cần tốn chi phí thiết kế trên máy thông thường tốn vài trăm đến vài ngàn USD.
Kế đến, Fake OOH có thể thực hiện gần như mọi ý tưởng. Sản xuất và vị trí quảng cáo có những giới hạn của nó, cũng như nhiều vị trí không thể thực hiện quảng cáo ngoài trời. Nếu thực hiện trên máy tính thì có thể chọn mọi vị trí và mọi loại hình.
Khi sử dụng Fake OOH cần chú ý:
- Không được cắt ghép các di tích lịch sử vào trong clip
Về nguyên tắc luật quảng cáo 2012 quy định hạn chế hoặc cấm quảng cáo OOH không được cấp phép tại các di tích, trường học, bệnh viện, trên công trình giao thông công cộng.
Khi nhãn hàng thực hiện Fake OOH tại các vị trí này, có thể kéo theo hệ lụy cơ quan Sở văn hóa phạt về nội dung quảng cáo, hoặc Sở Thông Tin Truyền Thông phạt về quảng cáo sai sự thật. Ngoài ra nhãn hàng có thể bị ảnh hưởng khi thiếu kiến thức và tôn trọng đối với di tích lịch sử nước sở tại.
- Không được sử dụng hình ảnh quốc kỳ, quốc huy, hình ảnh lãnh tụ trên quảng cáo
Tại Việt Nam, việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy, hình ảnh lãnh tụ trên quảng cáo là một cấm kỵ. Một số clip quốc tế sử dụng hình ảnh cờ Việt Nam, hoặc vật thể bay trên khu vực có hình ảnh lãnh tụ có thể gặp vấn đề rắc rối về mặt nội dung quảng cáo.
- Không được áp quảng cáo trên phương tiện xe buýt dán bít bùng
Luật quảng cáo 2022 quy định phương tiện di chuyển không được quảng cáo quá 50% diện tích bề mặt xe. Tuy nhiên, nhiều nhãn hàng lách luật thực hiện quảng cáo có thể bị phạt khá nặng và ảnh hưởng đến thương hiệu.
Đặc biệt, một số khách hàng còn cắt ghép thêm phần chiếu lên không gian và viral rất mạnh có thể gặp nguy cơ bị thanh tra Sở giao thông vận tải, thanh tra Sở văn hóa xử phạt về hành vi dán bít bùng xe roadshow, cũng như quảng cáo sai sự thật.
- Xin phép chủ vị trí bị cắt ghép
Khi muốn ghép một quảng cáo vào công trình một tòa nhà, cây cầu về nguyên tắc phải được sự đồng ý của chủ công trình, vì khi clip lan tràn trên không gian mạng có thể gây hiểu lầm.
- Có thông tin cuối đính chính tránh hiểu lầm trên quảng cáo
Cuối mỗi clip/hình quảng cáo sử dụng fake OOH cần có câu khẳng định rõ ràng là "FakeOOH" thay vì cố tình dùng thuật ngữ khó hiểu là CGI. Điều này không chỉ giúp người xem hiểu rõ hơn về nội dung mà còn giúp các nhãn hàng và agencies tránh các nguy cơ pháp lý và ý kiến trái chiều từ cộng đồng.
Tóm lại, mặc dù Fake OOH hay CGI mang lại tiềm năng viral mạnh trên môi trường mạng, và có thể áp dụng với nhãn hàng muốn có hình thức OOH ấn tượng mà không mất nhiều chi phí.
Tuy nhiên, sử dụng hình thức này nhãn hàng/agency nên tuân theo những nguyên tắc của Luật quảng cáo cũng như tôn trọng các công trình mang tính lịch sử/văn hóa bản địa để tránh ảnh hưởng hình ảnh thương hiệu đối với người dùng.
Nguồn: Advertisingvietnam