DỰ TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP
Dự toán các báo cáo tài chính là nội dung rất quan trọng trongcông tác hoạch định tài chính tại các doanh nghiệp, vì:
- Cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính và tăng trưởng của doanh nghiệp trong kỳ kế hoạch.
- Giúp các nhà quản trị kiểm tra, đánh giá lại các quyết định tài chính và điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp.
- Tạo cơ sở trong việc cung cấp các thông tin về các chỉ tiêu tài chính cơ bản cho các đối tượng hữu quan có liên quan.
- Là cơ sở thuận lợi đề các doanh nghiệp thực hiện các quyết định đầu tư, tài trợ và gia tăng giá trị doanh nghiệp.
Các báo cáo tài chính dự toán được lập trongmột thời kỳ nhất định, thường là 1 năm. Các báo cáo tài chính cần phải dự toán là báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo nguồn và sử dụng ngân quỹ, bảng cân đối kế toán.
Việc dự toán các báo cáo tài chính có thể sử dụng 2 phương pháp là quy nạp và diễn giải. Với phương pháp quy nạp, các báo cáo tài chính dự toán là sự tổng hợp tất cả các thông tin từ kế hoạch ngân sách – ngân quỹ hàng năm. Với phương pháp diễn giải, các báo cáo tài chính được dự toán dựa vào báo cáo tài chính kỳ trước và những kế hoạch, chỉ tiêu có liên quan trong kỳ kế hoạch.
1.Lập dự toán các báo cáo tài chính bằng phương pháp quy nạp.
Dự toán báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Dự toán báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là quá trình nghiên cứu tính toán doanh thu, chi phí và lợi nhuận trong một thời kỳ tương lai, thường là 1 năm. Dự toán báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh được bắt đầu từ dự đoán về doanh thu, chi phí sản xuất, các chi phí khác và kết thúc với thông tin về lợi nhuận sau thuế của thời kỳ đó.
Để lập dự toán báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh chúng ta cần nắm vững kết cấu của bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và cách thức tính toán những chỉ tiêu lợi nhuận. Sau đó, sẽ tiến hành tổng hợp thông tin từ các ngân sách – ngân quỹ hàng năm theo đúng chỉ tiêu trong báo cáo. Cuối cùng, là tính toán các chỉ tiêu lợi nhuận và hoàn thiện báo cáo.
Dự toán Báo cáo nguồn và sử dụng ngân quỹ
Lập dự toán báo cáo nguồn và sử dụng ngân quỹ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát các dòng dịch chuyển tiền tệ của thời kỳ kế hoạch và nhận thức rõ ảnh hưởng của mỗi quyết định tài chính. Đây cũng là cơ sở để lập dự toán bảng cân đối kế toán.
Lập dự toán báo cáo nguồn và sử dụng ngân quỹ là sự tổng hợp về các thay đổi tài chính của công ty, là chênh lệch giữa dòng tiền ra và dòng tiền vào trong kỳ kế hoạch.
Để lập bảng dự toán này, chúng ta cần nắm vững tất cả các chỉ tiêu, kết cấu của bảng cân đối kế toán và bảng báo cáo nguồn và sử dụng ngân quỹ. Sau đó, sẽ tiến hành tập hợp thông tin từ các ngân sách – ngân quỹ và tính toán sự thay đổi của các chỉ tiêu trong kỳ kế hoạch, bằng cách lấy giá trị cuối kỳ kế hoạch (-) đầu kỳ kế hoạch. Tiếp đến, chúng ta sẽ kết chuyển giá trị thay đổi vào đúng bên nguồn hoặc sử dụng. Cuối cùng, chúng ta sẽ tính tổng nguồn (-) tổng sử dụng để xác định sự thay đổi ngân quỹ. Kết quả sẽ được kiểm tra bằng cách lấy thay đổi ngân quỹ (số dư cuối kỳ kế hoạch - tháng 12 (-) số dư đầu kỳ kế hoạch – tháng 1) trong kế hoạch ngân sách - ngân quỹ của kỳ kế hoạch đó để so sánh. Nếu 2 kết quả tương đương nhau thì việc lập dự toán đảm bảo.
Dự toán Bảng cân đối kế toán.
Dự toán bảng cân đối kế toán nhằm thấy được trạng thái tài chính của công ty vào thời điểm cuối thời kỳ kế hoạch, nó phản ánh tổng hợp các thay đổi về tổng tài sản, tổng nguồn vốn và kết cấu của tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp.
Dự toán bảng cân đối kế toán được lập căn cứ vào báo cáo nguồn và sử dụng ngân quỹ và bảng cân đối kế toán đầu kỳ. Các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán dự toán, được tính bằng cách lấy giá trị trong bảng cân đối kế toán cuối kỳ trước cộng với thay đổi của các chỉ tiêu tương ứng được tính toán trong báo cáo nguồn và sử dụng ngân quỹ dự toán.
2. Lập dự toán các báo cáo tài chính bằng phương pháp diễn giải(phương pháp phần trăm doanh thu)
Phương pháp phần trăm theo doanh thu là phương pháp dự toán bắt đầu bằng cách dự đoán doanh thu và sau đó biểu diễn các khoản mục thay đổi tỷ lệ theo doanh thu. Các khoản mục trong bảng cân đối kế toán và bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh về cơ bản có mối liên hệ với doanh thu, do đó khi xác định được tỷ lệ % mối liên hệ này, thì ta có thể dự toán được các báo cáo tài chính. Tuy nhiên, sẽ có một số khoản mục rất khó xác định mối liên hệ % với doanh thu, như tài sản cố định, trả cổ tức…, trong trường hợp này, ta cần phải xem xét các mục tiêu và các chính sách tài chính và các kế hoạch có liên quan của công ty để tính toán.
Ưu điểm của phương pháp này là dễ áp dụng do cách tính toán khá đơn giản và các báo cáo dự toán có thể linh hoạt điều chỉnh theo mục tiêu của công ty. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này, là tỷ lệ % thay đổi theo doanh thu không phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.
Tiến trình dự toán các báo cáo tài chính theo phương pháp phần trăm doanh thu:
- Bước 1: Xem xét các dữ liệu lịch sử trong những kỳ trước để xác định các chỉ tiêu nào trong các báo cáo tài chính thay đổi tỷ lệ với doanh thu. Sau đó tính tỷ lệ % của các chỉ tiêu này theo doanh thu
- Bước 2: Dự báo doanh thu kỳ kế hoạch một cách chính xác để đảm bảo tính chính xác của các báo cáo tài chính dự toán.
- Bước 3: Tính toán các chỉ tiêu thay đổi tỷ lệ với doanh thu bằng cách lấy tỷ lệ % được tính trong bước 1 nhân với doanh thu kỳ kế hoạch đã dự đoán trong bước 2.
- Bước 4: Tính toán các chỉ tiêu còn lại, những chỉ tiêu không thay đổi tỷ lệ với doanh thu và hoàn thành báo cáo tài chính dự toán.
Bước 5: Điều chỉnh dự toán báo cáo tài chính nếu các chỉ tiêu không đạt kết quả như mong muốn hay các chỉ tiêu chưa cân đối như: tổng tài sản không bằng tổng nguồn vốn… Sau đó hoàn thiện lại báo cáo tài chính và đưa vào thực hiện./.
Nguyễn Thị Minh Hà