0236.3650403 (221)

Động lực cho tăng trưởng kinh tế từ đầu tư tư nhân


Đầu tư trong kinh tế học chỉ việc gia tăng tư bản nhằm tăng cường năng lực sản xuất tương lai, vì thế còn được gọi là hình thành tư bản hoặc tích lũy tư bản. Tuy nhiên, chỉ có tăng tư bản làm tăng năng lực sản xuất vật chất mới được tính. Còn tăng tư bản trong lĩnh vực tài chính tiền tệ và kinh doanh bất động sản bị loại trừ. Việc gia tăng tư bản tư nhân (tăng thiết bị sản xuất) được gọi là đầu tư tư nhân. Việc gia tăng tư bản xã hội được gọi là đầu tư công cộng. Mặc dù đầu tư làm tăng năng lực sản xuất (phía cung của nền kinh tế), song việc xuất tư bản để đầu tư lại được tính vào tổng cầu. Đầu tư tư nhân và đầu tư công cộng là các nhân tố quan trọng hình thành tổng.

Đầu tư tư nhân trong nước không ngừng lớn mạnh và dưới tác động của chính sách mở cửa đã trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh của nền kinh tế thời gian qua. Giai đoạn 2001-2009, khu vực đầu tư tư nhân đóng góp lớn vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước, biểu hiện ở tỉ trọng đóng góp GDP của khu vực tư nhân trong nước cao nhất trong 3 khu vực, duy trì ở mức 46%-48%; đóng góp lao động và tạo việc làm chính cho xã hội ; làm tăng thu ngân sách và thay đổi cơ cấu thu ngân sách; là nguồn lực chủ yếu phát triển các mặt hàng mới, mở rộng thị trường xuất khẩu; ...

Mặc dù khu vực đầu tư tư nhân được coi là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, là một trong những động lực của nền kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ trong lý luận và quan điểm về vai trò của các khu vực kinh tế sở hữu, giữa vai trò động lực của khu vực đầu tư tư nhân  và vai trò chủ đạo của khu vực đầu tư tư nhân khiến hệ thống cơ chế chính sách tạo lập môi trường kinh doanh được hoạch định chưa đồng bộ, triển khai thiếu nhất quán, tình trạng phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế sở hữu khác nhau vẫn tồn tại, trong đó doanh nghiệp nhà nước được dành nhiều ưu đãi. Lý luận về các khu vực kinh tế sở hữu có phần đi sau thực tiễn, còn thiếu tính dự báo và tầm chiến lược nên việc hoạch định chính sách chưa đem lại hiệu quả cao, chưa khuyến khích được doanh nghiệp khu vực đầu tư tư nhân đầu tư lớn, lâu dài và vững chắc.

Phải thừa nhận rằng động lực chính cho tăng trưởng kinh tế sẽ không đến từ chi tiêu và đầu tư công mà sẽ là đầu tư tư nhân do lạm phát cuối năm nay theo dự báo của các chuyên gia kinh tế khoảng 7-8%, với tăng trưởng ở mức 5,4%. Trong điều kiện lãi suất có xu hướng giảm, các doanh nghiệp sẽ chờ đợi cho tới khi lạm phát ổn định trở lại mới quyết định gia tăng đầu tư. Sự sụt giảm mạnh của lạm phát không phải luôn tốt nhưng là bình thường nếu có sự giảm quá đà của lạm phát trong giai đoạn cuối giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ.

Lãi suất và đầu tư tư nhân có mối quan hệ rất mật thiết với nhau - khi lãi suất giảm thì đầu tư tăng lên và ngược lại. Có thể nói đầu tư tư nhân rất nhạy với những biến đổi trong lãi suất. Thế nhưng, vẫn có ý kiến cho rằng tăng đầu tư công và chi tiêu Chính phủ sẽ là động lực tăng trưởng, tuy nhiên với cấu trúc và tốc độ giải ngân chi ngân sách thì khó có kỳ vọng về đột biến chi tiêu công cho tăng trưởng.

Với bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì tiêu dùng cá nhân khó có sự độ biến tăng và số liệu doanh số bán lẻ thực tế chứng minh điều này. Mặt khác, ở thời điểm đầu năm 2012 cùng với chính sách áp hạn mức tín dụng đã làm giảm đầu tư tư nhân, kéo theo việc sụt giảm GDP khá mạnh. Tuy nhiên, với mức độ giảm lãi suất nhanh như hiện nay cầu đầu tư tư nhân có thể sẽ gia tăng sau khi lạm phát ổn định. Việc tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ dương trở lại cũng hàm ý rằng có thể đã có sự chuyển động của đầu tư tư nhân ở mức độ tích cực nào đó.

Tuy vậy, việc thúc đẩy đầu tư tư nhân cần phải xem xét trong một thời gian dài với các biện pháp tác động gián tiếp cùng với cơ chế, chính sách đồng bộ. Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế và thâm hụt ngân sách, tạo việc làm, thậm chí bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cần xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp lý giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Xu hướng tăng đầu tư tư nhân và giảm thiểu đầu tư của nhà nước là xu hướng phù hợp của nền kinh tế thị trường phát triển, với sự thu hẹp vai trò can thiệp của chính phủ vào các quan hệ thị trường. Nguyên tắc của việc gắn cắt giảm đầu tư công với thúc đẩy đầu tư tư nhân là dựa trên cơ sở bù trừ hoặc dôi dư, nghĩa là cắt giảm tương đối hay tuyệt đối đầu tư công bao nhiêu phải được bù đắp lại bằng thúc đẩy đầu tư tư nhân, ít nhất bằng mức cắt giảm, nhằm bảo đảm lượng vốn hợp lý để tăng trưởng kinh tế theo đúng mục tiêu đặt ra trong cả thời kỳ chiến lược.

Đồng thời, cần thiết ưu tiên phát triển đầu tư tư nhân có quy mô lớn để bù đắp vào khoản đầu tư công bị cắt giảm đáng kể trong thời gian tới. Điều này cũng thể hiện việc khuyến khích đầu tư tư nhân kịp thời và phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với tỷ trọng không nhất thiết phải lớn nhất trong cơ cấu nền kinh tế nhiều thành phần.

                                                                                Người viết: ThS. Đỗ Văn Tính-Khoa QTKD