Doanh nhân và tinh thần doanh nhân
Hiện nay, trên thế giới có các quan điểm về doanh nhân như sau:
Một là, quan điểm nhấn mạnh đến tính sáng tạo, cho rằng doanh nhân là người tạo ra doanh nghiệp từ hai bàn tay trắng. David MeClelland (1961) đã làm rõ nghĩa hơn với quan điểm doanh nhân là người nắm giữ phương thức sản xuất và tạo ra sản phẩm để trao đổi, mua bán nhằm đem lại thu nhập cho bản thân hay gia đình. Ở góc độ này doanh nhân được xem như là người tìm ra những giá trị mới, phải có óc sáng tạo để đem lại lợi ích kinh tế cho bản thân cũng như xã hội. Doanh nhân là người xây dựng ý tưởng mới, nhận ra cơ hội và biến chúng thành giá trị gia tăng cho xã hội (Heilbrunn, 2010). Doanh nhân phải nắm bắt những phát minh cơ bản và biến chúng thành những đổi mới kinh tế (Schumpeter, 1934 trích dẫn bởi Grundsten, 2004). Schumpeter (1934) nhận định các doanh nhân thúc đẩy kinh tế bằng cách tạo ra sự kết hợp các tài nguyên mới trong (1) hình thức mới, (2) một phương thức sản xuất mới, (3) mở rộng thị trường mới, (4) phát hiện ra một nguồn cung cấp nguyên liệu mới, và (5) thực hiện một tổ chức mới.
Hai là, quan điểm nhấn mạnh đến hoạt động quản trị, cho rằng doanh nhân là người đứng ra tổ chức, quản lý và chấp nhận rủi ro trong kinh doanh, hay nhà kinh tế học người Pháp vào khoảng những năm 1700 mô tả doanh nhân như là một nhà sản xuất đưa ra các quyết định hợp lý cho công ty và chấp nhận rủi ro trong kinh doanh (Cantillon, 1755 trích dẫn bởi Grundsten, 2004). Với cách nhìn nhận này, doanh nhân được xem là nhà quản trị cấp cao nhất, có quyền quyết định trên mọi hoạt động liên quan đến công ty và họ phải có xu hướng chấp nhận rủi ro, sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Như vậy, doanh nhân sẽ tác động đến các vấn đề nhân sự, kế hoạch kinh doanh, tài chính....và họ cũng chịu sự tác động ngược trở lại.
Tóm lại, doanh nhân là một chủ thể trong nền kinh tế. Chính doanh nhân là thành phần chính thúc đẩy nền kinh tế của một đất nước ngày càng phát triển và mang lại việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho quốc gia.
Từ xưa, quan niệm về tinh thần doanh nhân (Entrepreneurship) luôn gắn liền với vấn đề đổi mới. Quá trình một doanh nhân hình thành và phát triển ý tưởng kinh doanh là một quá trình chuyển biến năng động (Henly, 2005).
Trong hoạt động kinh doanh, tinh thần doanh nhân chính là việc đứng ra thành lập một tổ chức mới với những ý tưởng mới, cách làm mới để tận dụng những cơ hội kinh doanh trên thị trường và tạo ra lợi nhuận. Không dừng ở đó, tinh thần doanh nhân còn là việc sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách và quyết tâm thực hiện việc kinh doanh của bản thân. Theo Frank Knight, tinh thần doanh nhân là việc chấp nhận rủi ro và dám làm (Knight, 1921). Shanen & Venkataraman (2000) nhận định tinh thần doanh nhân là một quá trình quan trọng để chuyển những kiến thức mới thành sản phẩm và dịch vụ.
Cũng cần phân biệt rõ giữa hai thuật ngữ "Entrepreneur" và "Entreprenurship":
“Entrepreneur” được định nghĩa là doanh nhân, khi nói đến "Entrepreneur" là nói đến chủ thể con người tham gia vào hoạt động kinh tế trong vai trò là người sáng lập ra doanh nghiệp. Doanh nhân là người thiết lập công ty cho chính mình (Gartner, 1988). Chủ thể ấy có khả năng quản lý, điều hành hoạt động và quyết định mọi việc của doanh nghiệp do mình lập ra.
“Entreprenurship” được định nghĩa là tinh thần doanh nhân, khi đề cập đến “Entreprenurship” là vấn đề mang tính trừu tượng hơn, ý nghĩa tinh thần nhiều hơn. Xây dựng tinh thần doanh nhân là thúc đẩy suy nghĩ của các cá nhân để họ hướng về mục tiêu trở thành doanh nhân. Ở đây chủ thể không là con người mà là tinh thần tạo ra các tổ chức và cũng là chức năng sáng tạo của tổ chức (Gartner, 1988). Tinh thần doanh nhân là một quá trình sáng tạo liên tục, sáng tạo thúc đẩy sáng tạo.