0236.3650403 (221)

DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TRONG NGÀNH MAY VIỆT NAM


Đỗ Văn Tính – Khoa QTKD

 

Khái quát.

Trong lịch sử phát triển kinh tế của các nước, các DN vừa & nhỏ luôn có vai trò rất quan trọng. Gần đây, trong thời điểm khoa học công nghệ phát triển nhanh, trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, thực tiển quản lý kinh tế và quản lý DN có những chuyển biến sâu sắc thì các DN vừa & nhỏ lại càng được chú trọng ở khắp các nước.

Ở nước ta, các DN vừa & nhỏ cũng có vai trò quan trọng, do sự phát triển còn thấp của nền kinh tế quốc dân, do tiềm năng còn rất lớn của nội lực dân tộc, do yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đầu năm 2001, báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng lần thứ  IX đã vạch rõ: " Chú trọng phát triển các DN vừa & nhỏ..." Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 nhấn mạnh: "Phát triển rộng khắp các cơ sở sản xuất công nghiệp vừa & nhỏ với ngành nghề đa dạng" [29].

Tiêu chuẩn về DN vừa & nhỏ.

Ở nước ngoài.

Nhìn chung trên thế giới, hai tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến để phân loại DN là: số lao động sử dụngsố vốn. Trong hai tiêu chuẩn ấy, khá nhiều nước coi tiêu chuẩn về số lao động sử dụng là quan trọng hơn. Như vậy, tiêu chuẩn phân loại DN không tính đến phạm vi quan hệ của DN, trình độ công nghệ, khả năng quản lý và hiệu quả hoạt động của DN.

Trong từng nước, từng ngành nghề, từng thời gian, tiêu chuẩn DN vừa & nhỏ là rõ ràng, có tính định lượng. Giữa các nước, các ngành nghề, các thời điểm khác nhau, tiêu chuẩn DN vừa & nhỏ là tương đối, nghĩa là có một số nét chung, đồng thời cũng có những nét riêng, khác nhau và có thể thay đổi.

Ở hầu hết các nước, người ta hay nói gộp chung DN nhỏ với DN vừa thành DN vừa & nhỏ, vì các nhà nước thường có chính sách chung cho cả 2 loại DN  nầy.

Bảng 2.2 trình bày các quy định về quy mô DN ở một số nước.

Tiêu chuẩn của Việt Nam về DN vừa & nhỏ.

Ở Việt Nam, theo Công văn số  681/ CP-KTN ngày 20 tháng 6 năm 1998 của Văn Phòng Chính Phủ, DN vừa & nhỏ là những DN có vốn điều lệ dưới 5 tỷ đồng (tương đương 387.600 USD vào thời điểm ban hành công văn số 681) và có số lao động trung bình hàng năm dưới 200 người.

Chính phủ cũng lưu ý rằng tiêu chí nầy chỉ là quy ước hành chính để xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ DN vừa & nhỏ. Công văn cũng quy định thêm rằng trong quá trình hỗ trợ các DN vừa & nhỏ, các bộ, ngành và địa phương có thể căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội cụ thể mà áp dụng một trong hai tiêu chí hoặc đồng thời cả hai.

BẢNG 1.1: Các quy đỊnh vỀ quy mô doanh nghiỆp Ở mỘt số nưỚc

Tên quốc gia

Loại doanh nghiệp

Số lao động

Số vốn

Mỹ

DN vừa & nhỏ

<  500 người

< 3,5 triệu USD

Canada

DN nhỏ

<   50   người

 

DN vừa & nhỏ

50 - 500

 

Đức

DN nhỏ

<  9

 

DN vừa & nhỏ

10 - 499

 

Anh

DN nhỏ

<  50

 

 

Khối EU

DN siêu nhỏ

<  9

 

DN nhỏ

10 - 99

 

DN vừa & nhỏ

100 - 499

 

Băngladesh

DN nhỏ

 

<  30triệu Tala

 

DN vừa

 

30 -100 triệu Tala

Nhật Bản

DN vừa & nhỏ

<  300

30 - 100 triệu Yên

Thái Lan

DN nhỏ

<  50

 

DN vừa & nhỏ

50 - 200

 

Malaysia

DN vừa & nhỏ

<  150

<  25 triệu Ringit

Philippines

DN nhỏ

10 - 99

1,5 - 15 triệu Peso

DN vừa & nhỏ

100 -199

15 - 60 triệu Peso

Indonesia

DN vừa

<  500

 

Hàn Quốc

DN nhỏ

<  20

 

DN vừa & nhỏ

20 - 300

 

Đài Loan

DN vừa & nhỏ

 

<  5 triệu USD

                                           (Nguồn: Vương Liêm, DN vừa & nhỏ Việt Nam - Thực trạng và giải pháp)

Những điểm mạnh củaDN vừa & nhỏ.

-       Dễ khởi nghiệp, lúc ban đầu không đòi hỏi nhiều về mọi mặt. Một số DN lớn hiện nay đã khởi nghiệp từ DN vừa & nhỏ.

-       Linh hoạt, năng động để thích ứng nhanh, thậm chí đón đầu những biến chuyển của công nghệ quản lý, những thay đổi của thị trường.

-       Bộ máy quản lý đơn giản, gọn nhẹ. Đặc biệt thích nghi với việc phát huy mọi tiềm năng của địa phương và cơ sở, linh hoạt trong việc sử dụng tay nghề người lao động.

-       Là sự bổ sung thiết yếu cho chính sự sinh tồn và phát triển của các DN lớn. Về nghiên cứu - triển khai, có thể là nơi thử nghiệm những đổi mới, phát minh, sáng chế. Có thể hợp tác, gia công, hỗ trợ cho các DN lớn về cung ứng nguồn hàng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Những điểm  yếu của DN vừa & nhỏ.

-       Thiếu nguồn lực để tiến hành những công trình nghiên cứu - triển khai lớn, đáp ứng yêu cầu và tận dụng khả năng của cách mạng khoa học và công nghệ.

-       Không đủ sức thực hiện những dự án về đầu tư, về chuyển đổi cơ cấu, về tiếp thị, về đào tạo... để theo kịp, thúc đẩy và tận thu lợi ích của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới.

-       Không có ưu thế của tính kinh tế quy mô.

-       Khó khăn về tài chính: phần lớn các DN vừa & nhỏ phải huy động vốn các các tổ chức phi tài chính với lãi suất cao hơn lãi suất chính thức. DN vừa & nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Những quy định khắt khe về tài sản thế chấp và về việc xem xét tính khả thi của dự án đầu tư cũng làm cho nhiều DN vừa & nhỏ không thể đáp ứng được.

-       Trình độ cán bộ quản lý và lao động trong các DN vừa & nhỏ còn hạn chế: 74,8% lao động chưa học hết lớp 10, chỉ có 5,3% lao động trong khu vực DN vừa & nhỏ quốc doanh có trình độ đại học; 48,2% chủ DN không có bằng cấp.

-       Khả năng xuất khẩu còn yếu do ít tiếp cận với thị trường cũng như thiếu thông tin về thị trường thế giới.

Công nghiệp may phù hợp với tổ chức quy mô vừa & nhỏ ở Việt Nam

Bản chất ngành may là công nghiệp nhỏ, so với các ngành công nghiệp khác ngành may có suất đầu tư thấp hơn nhiều lần, chỉ bằng 1/10 so với ngành điện; 1/15 so với ngành cơ khí và 1/20 so với ngành luyện kim. So sánh ngay trong ngành công nghiệp sản xuất ra hàng tiêu dùng, để tạo ra một chỗ làm việc mới, công nghiệp may chỉ cần đầu tư khoảng 1.000 USD; công nghiệp dệt cần đầu tư 15.000 USD; trong khi đó suất đầu tư của ngành giấy là gần 30.000 USD. Bên cạnh đó, do đặc thù sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong thời gian ngắn nên thời hạn thu hồi vốn đầu tư của ngành may cũng thấp hơn nhiều so với các ngành công nghiệp khác. Thông thường, thời gian thu hồi vốn đối với ngành may là từ 5 đến 7 năm; ngành dệt từ 12 đến 15 năm; trong khi đó đối với các ngành công nghiệp khác thời gian này là trên 15 năm; thậm chí hàng chục năm như công nghiệp thép [6[. Do đặc điểm về công nghệ sản xuất không quá phức tạp, lao động của ngành may lại dễ đào tạo nên việc tổ chức sản xuất các DN may theo quy mô vừa và nhỏ rất phù hợp với điều kiện về địa lý, kinh tế và xã hội của Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Đặng thị Đông  (2003), "Công nghiệp dệt may: Giá trị gia tăng và chiến lược phát triển", Chính sách công nghiệp và thương mại của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, tr. 37 - 116, NXB Thống Kê Hà Nội.
  2.  Vương Liêm (2000), Doanh nghiệp vừa và nhỏ - Thực trạng và giải pháp, NXB Thống kê.
  3.  Tài liệu Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), "Đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may với hiệu quả cao", số 15 - 02/2003.