ĐỊNH CHẾ TÀI CHÍNH TRUNG GIAN–KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THÔNG TIN BẤT ĐỐI XỨNG
Thông tin bất đối xứng là tình trạng mà trong một giao dịch, các bên tham gia có thông tin không ngang bằng nhau về điều mà cả hai cùng muốn biết.
Mặc dù thông tin bất đối xứng là tình trạng chung của nhiều thị trường nhưng như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, đối với thị trường tài chính nó là một vấn đề đáng quan tâm hàng đầu.
Tình trạng thông tin bất đối xứng sẽ gây ra hai hậu quả chủ yếu sau:
- Lựa chọn đối nghịch: là hậu quả của thông tin bất đối xứng diễn ra trước khi tiến hành giao dịch. Đó là tình trạng mà bên thiếu thông tin thay vì lựa chọn một đối tác tốt hơn (cho lợi ích của mình) đã lựa chọn một đối tác xấu hơn để giao dịch. Lựa chọn đối nghịch còn có một hậu quả khác là bên thiếu thông tin có thể quyết định từ chối tất cả các đối tác nào chưa có đủ thông tin ở mức độ đủ để quyết định. Điều này dẫn tới quy mô giao dịch của thị trường bị giảm sút, gây thiệt hại cả cho bên bán lẫn bên mua.
- Rủi ro đạo đức: là hậu quả của thông tin bất đối xứng diễn ra sau khi giao dịch tài chính đã diễn ra. Đó là tình trạng mà bên thiếu thông tin do không kiểm soát được hành vi của đối tác nên đã bị đối tác thực hiện những hành vi không tốt theo quan điểm của mình. Rủi ro đạo đức trên thị trường tài chính còn có thể dẫn đến một hậu quả khác là hạn chế quy mô thị trường do bên thiếu thông tin lo ngại rủi ro đạo đức.
Như vậy, tình trạng thông tin bất đối xứng đã gây ra những tác hại rất lớn đối với thị trường tài chính. Nó gây thiệt hại cho các chủ thể tham gia thị trường và làm giảm quy mô giao dịch của thị trường. Trong bối cảnh đó, định chế tài chính trung gian là một giải pháp quan trọng, giúp tăng cường hiệu quả và sự ổn định của thị trường.
Đối với vấn đề lựa chọn đối nghịch:
- Sự chuyên nghiệp trong thu thập và phân tích thông tin giúp các định chế tài chính trung gian lựa chọn được cơ hội đầu tư tốt hơn so với những người tiết kiệm nhỏ, riêng lẻ, nhờ vậy giảm thiểu lựa chọn đối nghịch, bảo đảm đồng vốn của người tiết kiệm được an toàn. Lợi nhuận đạt được của các định chế tài chính trung gian sẽ được chia sẻ cho những người tiết kiệm. Do đó, đầu tư qua định chế tài chính trung gian vẫn là một phương cách giúp những người đầu tư nhỏ kiếm lợi nhuận nhiều hơn sơ với đầu tư trực tiếp.
- Những người đầu tư trực tiếp (không thông qua các định chế tài chính trung gian) sẽ gặp phải vấn đề người đi xe không tốn tiền. Vấn đề người đi xe không tốn tiền trên thị trường tài chính là vấn đề mà ở đó những người không trả chi phí để sản xuất/ mua thông tin vẫn có thể lợi dụng được thông tin mà người khác đã trả chi phí để có. Điều này dẫn tới việc có rất ít, thậm chí không có nhà đầu tư trực tiếp nào tự bỏ tiền để mua thông tin, làm trầm trọng thêm vấn đề lựa chọn đối nghịch.
Ngược lại, do các định chế tài chính trung gian nắm giữ một tỷ lệ lớn các món cho vay riêng lẻ không mua bán được trên thị trường nên các thông tin mà các định chế tài chính trung gian sản xuất được là các thông tin độc quyền, giá của món cho vay này (tức lãi suất) không bị dao động nên tránh được vấn đề người đi xe không tốn tiền.
Đối với vấn đề rủi ro đạo đức
- Nhờ kinh nghiệm tích lũy và sự chuyên môn hóa để thực hiện việc theo dõi, giám sát những khoản vay đã được tạo ra hay các khoản đầu tư đã được thực hiện, các định chế tài chính trung gian đã có thể giảm thiểu rủi ro đạo đức.
Sự chuyên nghiệp của các định chế tài chính trung gian được thể hiện rõ thông qua các điều khoản hạn chế đối với các hợp đồng nợ. Đó là tập hợp những quy định ràng buộc người vay nhằm loại trừ những hành vi không mong muốn hoặc khuyến khích thực hiện những hành vi mong muốn theo quan điểm của người cho vay.
- Các trung gian tài chính giúp giảm thiểu hậu quả của vấn đề “người đại lý – người ủy thác”. Đây là vấn đề nảy sinh trong nhiều trường hợp khi có sự tách biệt giữa một bên là người ủy thác với một bên là người nhận sự ủy thác mà lợi ích của hai bên có sự không đồng nhất.
Có một số giải pháp cho vấn đề này. Chẳng hạn, công ty đầu tư mạo hiểm là một trung gian tài chính mà đặc điểm hoạt động của nó giúp giảm thiểu rủi ro đạo đức nảy sinh từ vấn đề người đại lý – người ủy thác. Công ty này tài trợ vốn cho các doanh nghiệp có triển vọng khởi sự kinh doanh. Đổi lại, họ nhận được các cổ phần từ doanh nghiệp mới này. Công ty đầu tư mạo hiểm thường giải quyết vấn đề này bằng hai cách: đòi hỏi có đại diện trong bộ máy quản lý của công ty; cổ phần của doanh nghiệp được tài trợ bị ràng buộc không được chào bán cho bất kỳ ai trừ công ty đầu tư mạo hiểm. Do đó, các nhà đầu rư khác không được hưởng lợi ích của việc đi xe không tốn tiền từ các hoạt động kiểm tra, giám sát của công ty đầu tư đối với hoạt động điều hành.
CH. Nguyễn Thị Thùy Trang – Khoa QTKD