0236.3650403 (221)

ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC LOẠI HÀNG TỒN KHO TRONG DOANH NGHIỆP


Trong những bộ phận  của tài sản lưu động, hàng tồn kho luôn được đánh giá là trung tâm của sự chú ý trong các lĩnh vực kế toán - tài chính, kiểm toán… cũng như trong các cuộc thảo luận của các chuyên gia tài chính.

Có một số lý do chính khiến hàng tồn kho trở nên đặc biệt quan trọng:

§   Hàng tồn kho thường chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng số tài sản lưu động của một doanh nghiệp và rất dễ bị xảy ra các sai sót hoặc gian lận lớn trong hoạt động quản lý;

§   Mỗi một doanh nghiệp sẽ lựa chọn các phương pháp khác nhau để định giá hàng tồn kho cũng như các mô hình dự trữ phù hợp với doanh nghiệp mình. Vì mỗi một phương pháp, mô hình khác nhau sẽ đem lại những kết quả khác nhau nên yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp là phải đảm bảo tính thống nhất trong việc sử dụng các phương pháp định giá cũng như mô hình dự trữ giữa các kì, các năm tài chính;

§   Giá trị hàng tồn kho ảnh hưởng trực tiếp tới giá vốn hàng bán và do vậy có ảnh hưởng trọng yếu tới lợi nhuận thuần trong năm;

§   Công việc xác định chất lượng, tình trạng và giá trị hàng tồn kho luôn là công việc phức tạp và khó khăn hơn hầu hết các tài sản khác. Hàng tồn kho là loại tài sản lưu động kết chuyển hết giá trị vào một chu kì sản xuất - kinh doanh nên quản lý hàng tồn kho càng trở nên phức tạp và quan trọng;

§Hàng tồn kho là một khái niệm rộng, bao gồm rất nhiều loại khác nhau. Có rất nhiều khoản mục khó phân loại và định giá như các linh kiện điện tử phức tạp, các công trình xây dựng cơ bản dở dang, các tác phẩm nghệ thuật, kim khí, đá quý…Đồng thời, do tính đa dạng của mình, các loại hàng tồn kho được bảo quản và cất trữ ở nhiều nơi khác nhau, điều kiện đảm bảo khác nhau và do nhiều người quản lý. Vì thế, công tác kiểm soát vật chất, kiểm kê, quản lý và sử dụng hàng tồn kho là một công việc phức tạp trong công tác quản lý tài sản nói chung và tài sản lưu động nói riêng.http://khotailieu.com/content/resources/images/package160/becf792143967ddf4d86b0197f6fd2eb/3ae401c22c73778b6d4f7866f0e77544/21616-4/21616-4.001.png

Sau đây là một số đặc điểm của các loại hàng tồn kho trong Doanh nghiệp:

 Nguyên vật liệu

Nguyên vật liệu là một trong những yếu tố không thể thiếu được trong quá trình sản xuất - kinh doanh ở các doanh nghiệp. Nói đến hoạt động quản lý hàng tồn kho, quản lý nguyên vật liệu thường được nhắc đến đầu tiên. Quản lý tốt khâu thu mua, dự trữ và sử dụng nguyên vật liệu là điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Nguyên vật liệu sử dụng trong doanh nghiệp bao gồm rất nhiều loại, mỗi loại có vai trò công dụng khác nhau. Với điều kiện nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp phân loại nguyên vật liệu tốt thì mới tổ chức tốt việc hạch toán và quản lý nguyên vật liệu.

Trong thực tế của công tác quản lý và hạch toán ở các doanh nghiệp, đặc trưng dùng để phân loại nguyên vật liệu thông dụng nhất là theo vai trò và tác dụng của nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất – kinh doanh. Theo đặc trưng này, nguyên vật liệu thường phân ra làm các loại sau:

§   Nguyên liệu và vật liệu chính (NVLC):Là nguyên liệu, vật liệu mà sau quá trình gia công chế biến sẽ cấu thành hình thái vật chất của sản phẩm. Nguyên liệu ở đây chính là các đối tượng lao động chưa qua chế biến công nghiệp;

§   Vật liệu phụ: Là những vật liệu có tác dụng phụ trong quá trình sản xuất – kinh doanh, được sử dụng kết hợp với NVLC để hoàn thiện và nâng cao tính năng, chất lượng của sản phẩm hoặc được sử dụng để đảm bảo cho công cụ lao động hoạt động bình thường, hoặc dùng để phục vụ cho nhu cầu kĩ thuật, nhu cầu quản lý;

§   Nhiên liệu: Là những thứ dùng để tạo nhiệt năng như than đá, củi, xăng, dầu… Nhiên liệu trong các doanh nghiệp thực chất là một loại vật liệu phụ, tuy nhiên nó được tách ra thành một loại riêng vì việc sản xuất và tiêu dùng nhiên liệu chiếm một tỉ trọng lớn và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nhiên liệu cũng có yêu cầu và kĩ thuật quản lý hoàn toàn khác với các loại vật liệu phụ thông thường;

§   Phụ tùng thay thế: Là loại vật tư được sử dụng cho hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng tài sản cố định;

§   Thiết bị và vật liệu XDCB: Là các loại thiết bị, vật liệu phục vụ cho hoạt động xây lắp, xây dựng cơ bản;

§   Vật liệu khác: Là các loại vật liệu đặc chủng của từng doanh nghiệp hoặc phế liệu thu hồi.

 Bán thành phẩm

Bán thành phẩm hay còn gọi là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là một loại hàng tồn kho dù ít dù nhiều cũng luôn tồn tại ở các doanh nghiệp. Bán thành phẩm là những sản phẩm mới kết thúc quy trình công nghệ sản xuất (trừ công đoạn cuối cùng) được nhập kho hay chuyển giao để tiếp tục chế biến hoặc có thể bán ra ngoài. Tồn kho bán thành phẩm thường có thể phân thành ba loại hình: bán thành phẩm vận chuyển, bán thành phẩm quay vòng, bán thành phẩm an toàn, được lần lượt thiết lập bởi các mục đích khác nhau, đồng thời chịu ảnh hưởng của các nguyên nhân khác nhau.

Khi tồn kho bán thành phẩm được giảm thiểu sẽ có thể đem đến nhiều kết quả như:

§   Sản lượng tồn kho bán thành phẩm có hai hiệu ứng quan trọng đối với việc rút ngắn chu kì sản xuất – vừa giảm tử số của định luật Litte, vừa tăng mẫu số, vừa giảm chi phí lại vừa rút ngắn chu kì sản xuất như một mũi tên bắn trúng hai đích;

§   Việc giảm sản lượng bán thành phẩm còn rút ngắng chu kì sản xuất, khiến cho biên độ dao động của thời gian hoàn thành gia công linh kiện sớm sẽ được rút ngắn, từ đó lượng tồn kho dự phòng cần thiết lập sẽ được giảm đi.

 Thành phẩm

Thành phẩm là sản phẩm đã được chế tạo xong ở giai đoạn chế biến cuối cùng của quy trình công nghệ trong doanh nghiệp, được kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn kĩ thuật quy định và nhập kho. Thành phẩm được sản xuất ra với chất lượng tốt, phù hợp với yêu cầu của thị trường đã trở thành yêu cầu quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Việc duy trì, ổn định và không ngừng phát triển sản xuất của doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện được khi chất lượng sản phẩm sản xuất ra ngày càng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Nhiệm vụ đặt ra với các nhà quản lý doanh nghiệp là kiểm soát được tình hình nhập, xuất kho thành phẩm, các nghiệp vụ khác liên quan đến việc tiêu thụ thành phẩm vì chỉ có như vậy mới xác định chính xác kết quả sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với thành phẩm, ta không thường đưa ra các mô hình quản lý dự trữ cụ thể vì tuỳ đặc điểm của từng doanh nghiệp mà nhà quản lý phải tìm ra biện pháp phù hợp với doanh nghiệp mình để quản lý thành phẩm thuộc hàng tồn kho. Tuy nhiên luôn có một số nguyên tắc quản lý và hạch toán chung như:

§   Hạch toán nhập, xuất kho thành phẩm phải được phản ánh theo giá thực tế;

§   Thành phẩm phải được phân loại theo từng kho, từng loại, từng nhóm và từng thứ thành phẩm;

§   Tổ chức ghi chép kiểm tra lượng, giá trị thành phẩm xuất, nhập kho được thực hiện đồng thời ở hai nơi: phòng kế toán và ở kho. Nhờ đó, phòng kế toán cũng như ban quản lý doanh nghiệp có thể phát hiện kịp thời các trường hợp ghi chép sai các nghiệp vụ tăng, giảm thành phẩm và các nguyên nhân khác làm cho tình hình tồn kho thực tế không khớp với số liệu ghi chép trên sổ sách kế toán;

§   Sản phẩm sản xuất xong sẽ được nhân viên bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm xác nhận thứ hạng chất lượng căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định và ghi vào “Bảng công tác của tổ”. Căn cứ vào kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm, tổ trưởng sản xuất lập “Phiếu nhập kho” và giao thành phẩm vào kho. Mỗi lần xuất kho thành phẩm để tiêu thụ cần lập “Phiếu xuất kho thành phẩm”. Phiếu này có thể lập riêng cho mỗi loại hoặc nhiều loại thành phẩm, tuỳ theo tình hình tiêu thụ thành phẩm.

Tóm lại, mỗi loại hàng tồn kho đều có những đặc điểm riêng. Vì thế, quy trình quản lý và kiểm soát cũng có những nét khác biệt đòi hỏi các nhà quản lý doanh nghiệp nắm vững tính chất hàng tồn kho của doanh nghiệp mình để đưa ra phương pháp và mô hình quản lý hiệu quả./.

Nguyễn Thị Minh Hà