Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tác động của nó đến hoạt động đào tạo ĐH
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp thành quả của 3 cuộc cách mạng trước đó với thế giới kỹ thuật số, nó đang là xu thế của toàn cầu. Dựa trên nền tảng của các lĩnh vực khoa học – công nghệ hiện đại và môi trường toàn cầu hoá, thế giới phẳng với các mũi nhọn về công nghệ số, vật liệu thông minh, trí tuệ nhân tạo…với tốc độ phát triển nhanh chóng, phá vỡ mọi giới hạn hữu hình hay vô hình.
Cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, thay đổi toàn diện phương thức sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng trong xã hội. So sánh với các cuộc cách mạng trước đây thì cuộc cách mạng 4.0 phát triển với tốc độ cấp số mũ và làm thay đổi triệt để về cách sống, làm việc và quan hệ con người.
Ở các cuộc cách mạng trước đây thì cơ cấu lực lượng lao động xã hội phân theo các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ theo các trình độ từ thấp đến cao nhưng ở cuộc cách mạng này thì lực lượng lao động chia thành 2 bộ phận cơ bản đó là bộ phận thừa hành và bộ phận sáng tạo. Bộ phận thừa hành bao gồm nguồn nhân lực từ lĩnh vực hành chính, vận chuyển, sản xuất theo dây chuyền…Bộ phận sáng tạo bao gồm nguồn nhân lực từ nghiên cứu khoa học và công nghệ, thiết kế, sáng tạo nghệ thuật…từ đó các ngành đào tạo công nghệ cao ra đời như khoa học máy tính, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử… tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội.
Cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra áp lực cạnh tranh mới cho các DN và nguồn nhân lực chất lượng cao chứ không phải chỉ đơn giản là nguồn tài chính của DN. Vì thế, thị trường lao động sẽ rơi vào trạng thái cân bằng mới về cung và cầu lao động trên thị trường. Từ đó, câu hỏi đặt ra là các trường ĐH thay đổi phương thức đào tạo như thế nào để đáp ứng thực tiễn trên? Vấn đề đặt ra cho các ĐH là việc đổi mới phương pháp đào tạo theo nhu cầu thị trường, nên việc gắn kết giữa các ĐH với DN là hết sức cấp bách.
- Yêu cầu gắn kết giữa trường ĐH và DN trong đào tạo ĐH đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH
Với mục đích và ý nghĩa của việc liên kết giữa trường ĐH và DN, thách thức đặt ra đối với các trường ĐH trong đào tạo ĐH và áp lực cạnh tranh của DN trên thị trường toàn cầu trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là rất lớn thể hiện qua các vấn đề sau:
* Về phía DN:
- DN dần thay thế lao động có trình độ thấp, kể cả lao động bậc trung bằng nguồn lao động có trình độ cao đáp ứng nhu cầu sử dụng công nghệ hiện đại trong thời kỳ mới. Cạnh tranh về vốn không còn là yếu tố hàng đầu đối với các DN nữa.
- Sự thay đổi lớn về phía cung chịu áp lực rất lớn đối với công nghệ số, đối thủ cạnh tranh sẵn sàng tạo ra sản phẩm mới, sáng tạo mang tính đột phá trong các chuỗi giá trị cung ứng sẽ gây áp lực cho việc nghiên cứu và phát triển, tiếp thị, vấn đề giá cả cho các DN có năng lực cạnh tranh thấp hơn từ đó dễ dàng loại DN này ra khỏi thị trường.
- Sự thay đổi về cầu đó là sự tham gia của người tiêu dùng, thay đổi được hành vi của người tiêu dùng từ đó DN sẽ định vị được sản phẩm và thị trường cung ứng sao cho phù hợp.
- Sự kết hợp giữa yếu tố cung và cầu trên đã tạo ra một yêu cầu mới cho DN là dự đoán được khách hàng, cải tiến sản phẩm và đổi mới phương thức hợp tác.
* Về phía các trường ĐH:
- Với tốc độ phát triển khoa học công nghệ như vũ bão, các trường ĐH khó đáp ứng kỹ năng mà thị trường lao động cần trong một tương lai gần.
- Phương thức đào tạo dễ dàng lạc hậu nếu các trường khó khăn về nguồn lực tài chính để trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu cho sinh viên như các trường tư thục hiện nay ở Việt Nam.
- CTĐT chuyên ngành dần dần phải được cụ thể hoá cho từng mô hình DN cụ thể không thể áp dụng chung cho tất cả các loại hình, quy mô DN theo ngành, nghề đào tạo truyền thống thời gian qua. Bên cạnh đó, lực lượng lao động do các trường ĐH đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động cần tuyển dụng mà phải có năng lực tự khởi nghiệp theo xu hướng chung của thời đại.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng sẽ bước sang một cuộc cải cách mới đó là vấn đề sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ từ các trường ĐH sang các DN kinh doanh sẽ chịu áp lực cạnh tranh mới.
-Hình thức đào tạo trực tuyến sẽ trở nên thông dụng hơn khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, vậy trường ĐH truyền thống sẽ thay đổi, người học trở nên linh hoạt hơn trong việc học tập, nghiên cứu từ đó phương pháp giảng dạy buộc phải thay đổi.
Tóm lại, trước công cuộc CNH – HĐH đất nước, vai trò các trường ĐH đã đặt ra khá rõ ràng, đặc biệt trong nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Vì vậy, các trường ĐH để đạt được mục tiêu đề ra là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội thì việc gắn kết giữa trường ĐH và DN phải được thực hiện trên cơ sở toàn diện, tìm ra mô hình gắn kết phù hợp và có các giải pháp thực hiện mô hình hiệu quả không phải là mục tiêu trước mắt mà là mục tiêu mang tính chất lâu dài.
ThS. Nguyễn Thị Hạnh- Khoa QTKD