Cơ hội đầu tư vào ngành Điện giai đoạn 2023-2024
Nhóm Nhiệt điện - Sự thuận lợi của thời tiết
Theo NOAA, hiện tượng EL Nino sẽ diễn ra từ H2.2023 với lượng mưa giảm đáng kể so với giai đoạn 2020-2022. Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo tổng lưu lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn sẽ thấp hơn từ 15 – 40% so với trung bình nhiều năm. Theo đó, khả năng phát từ nguồn thủy điện sẽ giảm tạo điều kiện tăng sản lượng huy động và giá bán cho nhóm nhiệt điện.
Nhiệt điện than: Về công suất nguồn, dự kiến sẽ được bổ sung thêm 2.632 MW trong năm 2023, nâng tỷ trọng điện than từ 33% (năm 2022) lên 34% trong cơ cấu nguồn phát. Về sản lượng huy động, điện than chiếm tỷ trọng cao nhất 45,3% trong Q1.2023 và kỳ vọng tiếp tục tăng để đáp ứng nhu cầu điện, đặc biệt là khu vực miền Bắc khi bước vào mùa cao điểm nắng nóng. Song, nhóm điện than vẫn phải đối mặt với các rủi ro sau: (1) Thiếu hụt than và giá đầu vào tăng. Theo TKV, năng lực sản xuất của tập đoàn chỉ đáp ứng được 40 – 45% tổng nhu cầu than trong nước (2) Quy hoạch điện VIII định hướng cắt giảm dần điện than trong cơ cấu nguồn phát, tiến tới loại bỏ hoàn toàn vào năm 2050.
Nhiệt điện khí: Đẩy mạnh phát triển tới năm 2030 với tỷ trọng nguồn phát tăng từ 11% năm 2022 lên 25% năm 2030 để thay thế điện than. Trong ngắn hạn, giá khí nội địa duy trì ổn định cùng giá khí thế giới hạ nhiệt khoảng 80% từ đỉnh giúp các doanh nghiệp điện khí tăng khả năng cạnh tranh so với các nguồn điện khác.
Nhóm điện gió – Mũi nhọn phát triển theo Quy hoạch
Chi phí đầu tư giảm: Suất đầu tư bình quân của các nhà máy điện gió đã giảm đáng kể trong vòng hơn 10 năm qua. Cụ thể, suất đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ năm 2021 lần lượt là 2.858 USD/kW và 1.325 USD/kW giảm 41% và 35% so với năm 2010. Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) dự báo tổng chi phí lắp đặt của các dự án điện gió sẽ tiếp tục giảm khoảng 40% vào năm 2030 và 50% vào năm 2050 so với năm 2021. Chi phí đầu tư thấp hơn sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất điện gió trong bối cảnh giá bán theo cơ chế mới thấp hơn khoảng 20% so giá FIT.
Nhóm tư vấn và xây lắp điện – Nhu cầu xây dựng lưới điện còn nhiều dư địa
Để đáp ứng được mục tiêu phát triển năng lượng xanh và giải quyết tình trạng quá tải lưới điện hiện tại, Quy hoạch điện VIII dự kiến vốn đầu tư trung bình cho hệ thống lưới điện lên tới 1,5 tỷ USD/năm giai đoạn 2021 – 2030 và 1,9 tỷ USD/năm giai đoạn 2031 – 2050. Chúng tôi cho rằng nhu cầu đầu tư cho hệ thống lưới điện lớn sẽ tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xây lắp, tư vấn khi các gói thầu thi công lưới điện tăng tuy nhiên cơ hội sẽ phân hóa vào các doanh nghiệp có năng lực triển khai dự án tốt và tình hình tài chính lành mạnh.
ThS. Mai Xuân Bình - Khoa QTKD