Cơ chế tài chính của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam
Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam là một cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam về lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và ngân hàng, đồng thời cũng thực hiện một số nghiệp vụ kinh doanh. Tuy nhiên không vì mục tiêu lợi nhuận mà nhằm phục vụ cho mục tiêu quản lý Nhà nước.Ngân hàng Nhà Nước được sử dụng các nguồn thu để trang trải chi phí hoạt động. Chênh lệch thu chi sau khi trích lập quỹ theo qui định, còn lại nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Thu nhập của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam: bao gồm các khoản thu như
- Thu từ nghiệp vụ tín dụng: Lãi tái cấp vốn, lãi cho vay, lãi tiền gửi, phí bảo lãnh.
- Thu về từ nghiệp vụ thị trường mở: Gồm các khoản thu từ nghiệp vụ bán tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu Ngân hàng Nhà Nước và các loại giấy tờ có giá ngắn hạn khác.
- Thu về từ nghiệp vụ mua bán, giao dịch ngoại hối, thu về từ dịch vụ thanh toán, thông tin và ngân quỹ, thu lãi góp vốn, thu dịch vụ ngân hàng khác, các khoản thu về phí, lệ phí.
- Các khoản thu trong hoạt động ngân hàng: Thu thừa quỹ, tiền phạt vi phạm hợp đồng, thanh lý tài sản, xuất bản tài liệu, tập san, báo chí...và các khoản thu khác.
Chi của Ngân hàng Nhà Nước: Là những khoản chi để duy trì hoạt động nghiệp vụ của hệ thống Ngân hàng Nhà Nước:
- Chi hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ ngân hàng:Chi trả lãi tiền gửi, tiền vay, chi về nghiệp vụ mua, bán, giao dịch ngoại hối và vàng, chi về nghiệp vụ thị trường mở, chi in, đúc, bảo quản, vận chuyển, giao nhận, phát hành, thu hồi, tiêu hủy tiền và các phương tiện thanh toán thay thế tiền, chi về dịch vụ thanh toán và thông tin.
- Chi cho cán bộ công chức, nhân viên ngân hàng:chi lương, phụ cấp lương cho cán bộ nhân viên ngân hàng, chi các khoản đóng góp theo lương, chi bảo hộ lao động, chi khen thưởng, phúc lợi, chi hỗ trợ cho các hoạt động Đảng, đoàn thể, chi trợ cấp khó khăn, trợ cấp thôi việc, chi cho quản lý và công cụ: vật tư văn phòng, y tế vệ sinh cơ quan, xăng dầu, công tác phí, lễ tân, tiếp khách, chi thanh tra, kiểm tra, chi đào tạo huấn luyện, chi tài liệu, sách báo, thư viện,...
- Chi tài sản Ngân hàng Nhà Nước: Khấu hao, sửa chữa, bảo dưỡng, xây dựng nhỏ, mua sắm công cụ lao động, thuê tài sản, chi phát triển kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ ngân hàng, chi lập dự phòng rủi rovà các khoản chi khác.
Phân phối chênh lệch Thu – Chi
Chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà Nước được xác định theo Năm Tài chính, theo công thức:
Chênh lệch thu chi = Thu nhập – (chi phí hợp lệ + dự phòng rủi ro)
Ngân hàng Nhà Nước được trích 10% bổ sung quỹ thực hiện Chính sách tiền tệ Quốc gia, 90% nộp Ngân sách Nhà nước. Trường hợp thu chi âm do thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra và báo cáo thủ tướng xử lý.
Th.S Phạm Thị Uyên Thi – Khoa QTKD