CEO THỜI KHỦNG HOẢNG: VĂN VÕ SONG TOÀN
Thời kỳ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu có thể đưa một doanh nghiệp rơi vào tình cảnh phá sản “tức thì”, thế mà chính ngay trong doanh nghiệp đó, một số lãnh đạo hay cán bộ chủ chốt vẫn giữ một phong thái “hành chính sự vụ” như còn đang ở trong thời kỳ vàng son! Trước nhiều việc, họ vẫn còn “phải chờ ý kiến của X mới quyết định được”. Mặc dù X chỉ cho một ý kiến tham vấn.
Trong một môi trường kinh doanh ổn định, có thời gian để thảo luận, bàn tính về những sách lược trung, dài hạn thì hành động cẩn trọng như trên là cần thiết. Tuy nhiên, trong khủng hoảng, người lãnh đạo phải có những quyết định nhanh cho những vấn đề ngắn hạn (duy trì sự sống của doanh nghiệp là ưu tiên số 1), đủ thao lược và bản lĩnh, chuẩn bị cho doanh nghiệp có những điều kiện tốt nhất để chớp lấy thời cơ khi khủng hoảng đi qua. Chính trong khủng hoảng, ban lãnh đạo của một doanh nghiệp mới chứng tỏ được tài năng văn võ song toàn của mình và thật sự xứng đáng ngồi ở vị trí lãnh đạo!
Tính “văn, võ” của ban lãnh đạo trong thời kỳ khủng hoảng được thể hiện bằng những việc làm hết sức cụ thể.
Thứ nhất, ban lãnh đạo, đặc biệt lãnh đạo cao nhất, thường xuyên xuất hiện ở “hiện trường” để toàn thể nhân viên “an lòng”. Chủ soái lên tuyến đầu và không làm quân!
Thứ hai, nếu doanh nghiệp phải thực hiện một số biện pháp hy sinh, đòi hỏi sự chia sẻ của nhân viên thì ban lãnh đạo cũng phải tự hạn chế những “tiêu chuẩn” dành cho lãnh đạo (đừng làm như ba vị chủ tịch của các hãng xe hơi Mỹ, sử dụng máy bay riêng để đến Thượng viện Mỹ xin tiền tránh phá sản!).
Thứ ba, dù doanh nghiệp có một nguồn tài chính dự phòng, ban lãnh đạo phải tập trung đảm bảo cán cân “thu chi” một cách tối ưu. Thu càng nhanh càng tốt. Chi những gì đáng chi. Đây là những điều cơ bản và đơn giản, nhưng có nhiều ban lãnh đạo không làm được và đã đưa doanh nghiệp vào tình trạng phá sản.
Thứ tưlà vấn đề thông tin. Đối với những quyết định khó khăn, doanh nghiệp phải cho nhân viên biết trước, đừng để nhân viên “khám phá” qua báo đài. Khi tập thể nhân viên (97-98% tổng nhân lực!) đã tin tưởng thì sức mạnh tổng hợp này là một trong những con “át chủ bài” để vượt qua khủng hoảng, biến khủng hoảng.
Thứ năm, đừng đi vào lối mòn phân bổ công việc cầm chừng để mọi người có “một ít việc để làm”. Đây là lúc phải thay đổi để tăng hiệu suất, năng suât! Số nhân viên còn lại tập trung đào tạo, tái đào tạo cho những phương án sản xuất mới, dịch vụ mới. Đây là giải pháp mới nhìn thì rất nghịch lý nhưng chính là đầu tư “cốt lõi” để biến khủng hoảng thành cơ hội. Giải pháp này đã được trải nghiệm và nhiều công ty nhỏ sau khi trải qua khủng hoảng đã trở thành công ty lớn. Đây là sách lược biến những quyết định “ngắn hạn” thành sách lược “trung hạn”.
Thứ sáu, đừng tìm kiếm những giải pháp “hoàn mỹ”. Trong khủng hoảng, yếu tố thời gian là vô cùng quan trọng. Tính quyết đoán có đất dụng võ trong khủng hoảng. Chần chừ, không giám quyết định là một tai họa. Khủng hoảng làm rõ nghĩa “thương trường là chiến trường”. Tướng phải quyết đoán khi xung trận!
Thứ bảylà tận dụng công nghệ thông tin để có thông tin, phân tích, tổng hợp phục vụ cho những quyết định nhanh. Hình thức video – conference có thể là một khoản đầu tư “tốn kém” nhưng rất cần thiết trong tình huống này. Các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt dù ở nhiều nơi khác nhau, mỗi ngày có thể trao đổi trực tiếp (một giờ chẳng hạn) để lấy quyết định nhanh đồng thời tránh được những quyết định cảm tính.
Thứ támlà thắt chặt mối quan hệ với khách hàng và các đối tác chiến lược dù có thể là chưa ký kết hợp đồng hay hợp tác gì. Bởi lẽ doanh nghiệp chỉ sống được khi khách hàng và đối tác còn sống!
Tính “văn võ” còn có thể được liệt kê rất nhiều. Nhưng người viết bài này muốn nhấn mạnh điểm đã được các chiến lược gia về quản trị trong nước và quốc tế bàn luận là: không có giải pháp kinh điển có sẵn cho khủng hoảng. Trong khủng hoảng, người lãnh đạo văn võ song toàn quyết định nhanh mà thấu tình đạt lý là lý tưởng nhất để dẫn dắt doanh nghiệp mình vượt qua sóng gió và thành công.
Nguyễn Thị Thảo - Khoa QTKD