Căng thẳng trong công việc (P1)
Có rất nhiều khái niệm nói về căng thẳng trong công việc và được các nhà nghiên cứu xét theo từng góc độ khác nhau. Dựa trên góc độ tâm lý học giảithích thì “đây là một cảm giác căng thẳng và dồn ép. Đối với áp lực căng thẳng thấp giúp con người có động lực phát triển thích nghi, nhưng nếu áp lực căng thẳng quá mức sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe cũng như tâm sinh lý con người cực kỳ có hại”.
Căng thẳng trong công việc là một khái niệm được sử dụng thường xuyên trong đời sống nhưng lại khó định nghĩa chính xác. Dưới đây là những quan điểm căng thẳng trong công việc được xét theo góc độ tâm lý học:
Theo tâm lý học giải thích thì đây là một cảm giác căng thẳng và dồn ép. Áp lực với cường độ thấp có thể là một điều tốt và thậm chí có lợi ích trong công việc và sức khỏe. Căng thẳng tích cực giúp tăng hiệu suất công việc. Nó cũng có vai trò trong động lực, thích nghi và phản ứng với môi trường xung quanh. Tuy nhiên với một lượng áp lực quá nhiều có thể dẫn đến nhiều vấn đề đối với cơ thể và điều đó có thể cực kì có hại.
Kazmi, Amjad và Khan (2008) “Xác định căng thẳng như một sự thay đổi trong trạng thái thể chất hay tinh thần của một người, nói cách khác, nó là sự rối loạn hoặc mất cân bằng so với trạng thái bình thường. Căng thẳng trong công việc sinh ra do một sự kiện bất thường ở những môi trường làm việc”.
Các nhà khoa học Việt Nam cũng có ý kiến riêng về đề tài căng thẳng hay stress. Tô Như Khuê đã cho rằng: “Stress tâm lý chính là những phản ứng không đặc hiệu xảy ra một cách chung khắp, do các yếu tố có hại về tâm lý xuất hiện trong các tình thế mà con người chủ quản thấy là bất lợi hoặc rủi ro, ở đây vai trò quyết định không chủ yếu do tác nhân kích thích, mà do sự đánh giá chủ quan về tác nhân đó”
Từ những quan niệm khác nhau về stress như đã nêu ở trên, có thể hiểu căng thẳng trong công việc là sự phản ứng của cơ thể đối với những kích thích được nhận thức là đang đe dọa hoặc gây hại, phản ứng này có thể ít nhiều cải thiện được kích thích gây stress.